‘Hoa cười’ nông dân khóc: Chỉ công nghệ mới thay được ông trời!

author 06:17 23/01/2017

(VietQ.vn) - Nếu người nông dân không thay đổi, những tiếng khóc giữa vườn cây sẽ còn lặp lại. Họ đang rất cần giúp sức từ vốn cho đến công nghệ và cả kinh nghiệm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nếu ở khu vực Hà Nội, mỗi độ Tết đến, xuân về, Nhật Tân, Quảng Bá là nơi được người chơi đào tìm đến tham quan, sắm đào về chơi Tết, thì ở khu vực Bắc Giang và một số vùng lân cận, người chơi đào lại tìm về những ruộng đào chạy ven Quốc lộ 1, đoạn qua TP Bắc Giang.

Từ TP Bắc Giang, ngược theo Quốc lộ 1A về hướng Lạng Giang, dù mới là 22 âm nhưng hai bên đường nông dân đã bán đào dài hàng cây số.

QL 1 đoạn qua huyện Lạng Giang, nông dân đào bán hai bên đường kéo dài hàng cây số.

Theo ghi nhận của phóng viên, ở đây bán nhiều loại đào nhưng chủ yếu là bích đào và đào phai. Đào được nông dân đánh cả cây từ dưới ruộng lên bán chứ không chỉ bán cành như ở Hà Nội. Giá đào dao động từ 200 cho đến hơn 1 triệu đồng, tùy thuộc vào độ đẹp, độ già của cây.

Loại cây 2 năm, giá từ 400 - 600.000 đồng tương đối phổ biến. Còn loại cây to, thế đẹp có giá vài triệu đồng do kén khách, khó tiêu thụ nên rất ít nhà bán.

Cũng giống như ở Nhật Tân - Hà Nội, nhiều nông dân trồng đào ở Bắc Giang năm nay lo “mất Tết” vì đào nở sớm quá. Ngày 20, 21 âm lịch, nhiều vườn đào ở Lạng Giang tỷ lệ hoa nở đã lên tới 60 - 70%.

Đào nở sớm khiến nông dân lo lắng thất thu.

Lý giải về việc hoa đào nở sớm, nhiều chủ vườn cho biết nguyên nhân chính vẫn là do thời tiết diễn biến thất thường. Năm nay nền nhiệt cao hơn mọi năm, nắng nóng kéo dài khiến nhiều người không kịp trở tay dù đã tìm mọi cách để "hãm" đào. Việc đào nở sớm khiến cho giá đào bị giảm đi nhiều.

“Nhà cô có hơn 300 cây giờ mà mới bán được hơn 40 cây. Cháu mở hàng cho cô, cô để rẻ cho chứ tình hình này thì chết dở”, một nông dân bán đào mời chào phóng viên mua một cây đào khá lớn, trồng được 2 năm với giá 400.000 đồng. Theo người bán đào, một cây như này năm ngoái phải bán 700.000 đồng. Năm nay do hoa nở nhiều rồi nên phải bán rẻ.

“Hoa nở nhiều nhưng vẫn còn đầy nụ, mấy hôm nữa trời lạnh rồi nó lại ra đầy hoa”, người bán đào vừa trấn an, vừa tư vấn.

Khi được hỏi, đào năm nay không bán hết thì giải quyết thế nào, chủ vườn thẳng thắn cho biết, nếu không bán hết thì lại để sang năm. Đào càng lâu năm càng có giá.

Thời điểm hiện tại, để khắc phục việc hoa đào bung nở sớm, nhiều chủ vườn phải cắt đào sớm mang đi bán hoặc đổ mối cho các lái buôn. Tuy nhiên, sức tiêu thụ trên thị trường khá chậm, hoa đào tại nhiều nhà vườn cùng nở rộ khiến cho việc tìm đầu ra tương đối khó khăn.

Không chỉ có đào, nhiều nông dân trồng hoa ở cả miền Nam và Bắc cũng đang “đau đầu” vì hoa nở sớm.

Báo Nông thôn ngày nay phản ánh, nhà nông đất võ Bình Định đang điêu đứng vì mai đã nở vàng rực, còn cúc đã héo úa, khiến người dân thất thu tiền tỉ.

Sự thất thu của năm nay cũng là lời nhắc nhở cho các hộ dân trồng hoa, họ đang phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thời tiết. Thời tiết thuận lợi thì không sao, nhưng biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa người nông dân.

Trước Tết 20 ngày, nhiều chủ vườn hoa Ly ở Tây Tựu đã phải cắt bán sớm vì hoa nở hết. Ảnh Dân Trí

Đã đến lúc họ cần phải thích nghi với biến đổi khí hậu bằng nông nghiệp kiểu mới. 20 năm trước, Đà Lạt cũng canh tác theo kiểu phó mặc cho trời. Nhưng những trận mưa đá làm tan hoang vườn hoa khiến nhà nông ở Đà Lạt đã thay đổi.

Theo ghi nhận tại nhiều khu nhà kính ở Đà Lạt, hoa cứ đúng hẹn là nở. Nhà nông Đà Lạt tự tạo thời tiết cho cây trồng của mình với hệ thống phủ ẩm, khử ẩm, sưởi và cả làm lạnh nữa. Nhưng như chuyên gia nhận định trên báo Tuổi trẻ, hiện mới chỉ có Đà Lạt chú ý đến những khu nhà kính có giá tương đối rẻ, thu hồi vốn nhanh, và tạo ra được từng khí hậu riêng biệt cho từng loại cây.

Nếu người nông dân không thay đổi, những tiếng khóc giữa vườn cây sẽ còn lặp lại. Nhưng người nông dân cũng chưa đủ sức để đưa công nghệ, kĩ thuật vào sản xuất. Họ đang rất cần giúp sức từ vốn cho đến công nghệ, và cả kinh nghiệm nữa. Chỉ khi đó, công nghệ mới có thể thay thế ông trời, và người dân không còn phải cầu trời để có được một mùa hoa.

Bài-ảnh: VIẾT CƯỜNG

‘Phép màu’ ở Yên Tử: Người rơi từ đỉnh núi xuống nhưng không chết(VietQ.vn) - Đúng là chỉ có “phép màu” ở đất thiêng Yên Tử mới cứu sống được người thanh niên này bởi khu vực nạn nhân bị rơi sâu gần 200m.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang