Hoa hậu Việt thất bại trên đấu trường sắc đẹp Quốc tế: Đâu bởi nhan sắc!

author 07:16 30/10/2014

(VietQ.vn) – Nét đẹp Á Đông và những đường cong hút mắt, nhan sắc Việt không hề thua kém trên đấu trường sắc đẹp Quốc tế, vậy nguyên nhân do đâu nhan sắc Việt chưa có tên trên đỉnh cuộc thi sắc đẹp thế giới?

Đấu trường nhan sắc không chỉ là cuộc đua đơn giản gồm một khuôn mặt đẹp, số đo 3 vòng đủ chuẩn mà còn phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố khác. Ngoài những "lúng túng" trong khâu liên kết, tổ chức của các đơn vị tổ chức đưa thí sinh dự thi Hoa hậu thế giới với các đơn vị tổ chức các cuộc thi Hoa hậu mang tầm cỡ quốc gia. Thì điều đáng bàn ở đây, có lẽ chính là sự đầu tư chưa thực sự chuyên nghiệp và có phần coi thường từ hình ảnh bên ngoài lẫn tri thức bên trong.

Hoa hậu đăng quang chỉ với mục đích dấn thân vào showbiz

Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất không cử Hoa Hậu đi thi quốc tế từ hơn nửa thập kỷ hoặc gửi Hoa Hậu không đúng cuộc thi. Á hậu Thế Giới Người Việt là Kiều Khanh và Thúy Vy lại lần lượt thi Miss World 2010-2011 trong khi Diễm Hương, Á hậu Thế giới người Việt lại được gửi đến Miss Earth và Miss Universe? Hay Lại Hương Thảo, Hoa khôi thể thao lại được gửi đến Miss World? Và có rất nhiều trường hợp Á hậu được gửi đi "nhan nhản" các cuộc thi quốc tế trong khi Hoa hậu thì ở nhà với vô vàn lý do “bận học”, “không sắp xếp được thời gian”, “bận việc” kèm với những lời hứa không bao giờ thực hiện “Nếu năm sau được đề cử, chắc chắn tôi sẽ sắp xếp thời gian để tham gia”. Thật rất khó hiểu khi Hoa hậu liên tục “bận” vì những lý do lấp lửng nhưng đôi ba ngày lại thấy cô Hoa hậu X xúng xính váy công chúa đi dự sự kiện Y hay cô Hoa Hậu A đồng hành cùng sự kiện B, hay cô Hoa Hậu F làm giám khảo cuộc thi E. Thiết nghĩ những sự kiện mang tính một ngày, hai ngày như vậy có đáng để các cô Hoa hậu từ chối quyền đi thi quốc tế hay không hay đơn giản chỉ vì các cô sợ bị…ném đá.

Với những danh hiệu có tiếng mà không có miếng, liệu Việt Nam có nên tiếp tục tổ chức những cuộc thi Hoa hậu nữa hay không khi những thí sinh đi thi hay đăng quang chỉ với mục đích dấn thân vào showbiz. Mục đích chính của một cuộc thi Hoa hậu là tìm ra cô gái đại diện hình ảnh người phụ nữa của đất nước trong khi hầu hết những Hoa hậu trong những năm gần đây, đặc biệt là Hoa hậu Việt Nam, dường như chưa có bất cứ cô Hoa hậu nào đại diện được Việt Nam trên bất cứ sân chơi quốc tế nào. Ngoài Á hậu Hoàng My và Hoàng Anh thì cũng chưa có bất cứ Á hậu nào đem chuông đi đánh xứ người. Đa phần đều cũng chỉ xúng xính váy áo đi dự sự kiện và…lấy chồng.

Sự đầu tư "xuề xòa" về hình thức

Đây là vấn đề muôn thuở mà cứ có người đẹp Việt Nam đi thi quốc tế, thì vấn đề này được đem ra mổ xẻ. Nhưng chưa bao giờ Việt Nam có bất cứ động thái nào cải thiện tình huống này. Nếu như những quốc gia đầu tư toàn bộ thời gian và tiền bạc vào cô gái đại diện của mình, thì Việt Nam dường như rất xuề xòa trong vấn đề đầu tư cho các cô gái, thậm chí việc hỗ trợ cho các cô gái từ các công ty nắm bản quyền là rất ít, hay ít nhất là không được công bố rộng rãi để làm yên lòng người hâm mộ. Điều này chỉ có thể cho thấy rằng, đơn vị nắm bản quyền hòan toàn không có trách nhiệm lớn với thí sinh mà dường như nó chỉ được thể hiện cho…có lệ.

Điều đáng nói trước nhất là vấn đề trang phục. Có thể dễ dàng nhận thấy, tất cả những người đẹp Việt Nam đều xuất hiện lộng lẫy như một nữ thần trong bất cứ sự kiện nào trong nước. Thậm chí khi bị bắt gặp vô tình ở một cửa hàng hay ngồi tám chuyện với bạn, họ cũng xuất hiện rất lộng lẫy. Tuy nhiên khi bước ra sàn thi đấu quốc tế, họ luôn bị chê trách bởi những bộ trang phục lỗi mốt, thiếu đầu tư. Vậy lỗi có phải do họ? Thật sự không! Điều mà dường như rất ít khán giả được biết đó chính là đa phần trang phục dự thi đều do nhà thiết kế trong nước tài trợ thông qua đơn vị giữ bản quyền, mục đích chính vẫn là giới thiệu thương hiệu của mình. Và người đẹp Việt Nam có nhiệm vụ phải mặc những trang phục đó dù thích dù không và vẫn phải khen lấy khen để. Nếu những người đẹp quốc tế chọn những trang phục của các nhà thiết kế danh tiếng trên thế giới hay những bộ váy áo từ những thương hiệu thời trang nổi tiếng thì việc sử dụng trang phục của nhà thiết kế quốc nội đã là một bất lợi lớn. Dù NTK trong nước vẫn luôn có những sản phẩm thời trang ấn tượng nhưng những bộ trang phục mang ra quốc tế bị đánh là quê mùa, rườm rà và không phù hợp với người đẹp. Ngoài Hoàng Yến tại đêm chung khảo của Miss Universe 2009, rất hiếm người đẹp Việt Nam được khen về gu ăn mặc ở các cuộc thi quốc tế nếu như muốn nói là không có.

diễm hương

Trương Thị May và Diễm Hương đã không thể thể hiện hết mình với lựa chọn trang phục sai lầm

Chủ quan trong việc  rèn luyện tri thức cũng như kĩ năng mềm

Kỹ năng mềm là vấn đề thiết yếu thứ hai cho bất cứ một đại diện Hoa Hậu nào. Và hầu như tất cả người đẹp Việt Nam đều không được trau chuốt mảng này. Có thể nói Trương Thị May là đại diện duy nhất của Việt Nam thể hiện đúng tinh thần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế. Ngoài ra Phạm Thúy Vy Victoria, Dương Trương Thiên Lý cũng là số ít người đẹp có được kỹ năng mềm nổi trội. Ngay cả Vũ Thị Hoàng My, cô gái được đánh giá là khôn khéo nhất trong số các người đẹp Việt Nam cũng vấp phải khó khăn không nhỏ trong phần phỏng vấn nhanh ở Miss Universe 2011 và Miss World 2012.

Các Hoa hậu, hoa khôi của Việt Nam cũng chỉ tham dự 1 cuộc thi sắc đẹp duy nhất rồi thôi. Sự va chạm với môi trường của các cuộc thi rất hạn chế. Do đó, họ sẽ gặp không ít khó khăn khi tham dự Hoa hậu thế giới. Ở tầm cỡ một cuộc thi chuyên nghiệp có bề dày lịch sử hơn 60 năm sẽ không có chỗ đứng cho những thí sinh “nghiệp dư” lúng túng và bỡ ngỡ trong quá trình tham gia các hoạt động của cuộc thi.

Bên cạnh đó, việc nói tiếng Anh không phải là vấn đề tất yếu. Dường như người hâm mộ lẫn đơn vị bản quyền đều luôn đặt nặng vấn đề ngoại ngữ. Hễ có người đẹp Việt Nam nào nói tiếng Anh không được như người bản xứ thì y như rằng sẽ có vô vàn bài báo và comment trách móc chửi bới, trong khi điều quan trọng chính là thần thái và bản lĩnh ống kính cũng như sự tự tin thì chẳng ai để ý đến. Còn nhớ Miss World 2008, Ksenia Sukhinova hay Stefania Fernandez, Miss Universe 2009, cả hai đều chỉ bập bẹ đôi ba chữ tiếng Anh nhưng họ lại chinh phục được BGK chính nhờ bản lĩnh của mình. Ở nước ngoài, đa số thanh niên đều được sống tự lập và va chạm rất sớm, điều này vô hình chung đã rèn luyện kỹ năng mềm cho những người đẹp ngay trước khi đăng quang Hoa Hậu. Và sau đó, với vô vạn những tình huống thực tế, những sự kiện và kinh nghiệm tiếp xúc thực tiễn với vai trò là một Hoa Hậu càng khiến cho những người đẹp quốc tế tiếp tục rèn giũa kỹ năng ứng biến của mình. Kỹ năng mềm không thể được học trong sách hay được “huấn luyện viên” chỉ dẫn như trường JRP thường “dạy” cho các Miss Vietnam Universe, mà nó phải được hình thành và tôi luyện qua quá trình tiếp xúc, va chạm thực tế.

trương thị may

Thúy Vy, Thiên Lý và Trương Thị May sở hữu những kỹ năng mềm cần thiết để tỏa sáng.

Thiết nghĩ để cải tổ cả một hệ thống sắc đẹp Việt Nam thì không phải là vấn đề của một-hai năm mà phải là vấn đề của một chuỗi dây chuyền từ Bộ Văn Hóa cho đến đơn vị tổ chức cuộc thi, đơn vị bản quyền, truyền thông và khán giả. Để cải thiện vị trí của mình trong thứ hạng sắc đẹp ở đấu trường sắc đẹp quốc tế, có lẽ chúng ta cần có một quy trình lựa chọn, đào tạo thí sinh một cách chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có cơ hội giành được ngôi vị cao trong những cuộc thi mang tâm cỡ quốc tế như Miss World.

                      Thiện Hiếu


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang