Hoàn thiện quy định xử phạt hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa

author 06:16 30/12/2020

(VietQ.vn) - Tổng cục Hải quan đã nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa và xử phạt đối với hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động quản lý về xuất xứ hàng hóa là vấn đề có tính đặc thù, không chỉ gắn với các Hiệp định Thương mại tự do mà còn liên quan chặt chẽ đến xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang nổi lên trong thời gian qua.

Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng như thời gian vừa qua, gian lận xuất xứ hàng hóa đã trở thành một nguy cơ cần được cảnh báo vì khả năng gây thiệt hại không chỉ cho một lô hàng, một doanh nghiệp cụ thể mà còn có thể cho cả một ngành hàng hoặc hoạt động xuất khẩu của đất nước. Bên cạnh đó, thương hiệu “Made in Viet Nam” đã được người tiêu dùng trong nước ghi nhận và thế giới biết đến thì tình trạng hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” nhằm gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng ngày càng nhiều.

 Ảnh minh họa.

Do đó, hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng hóa thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt, đẩy lùi tình trạng này ngay tại cửa khẩu, thời gian vừa qua, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, quy định quản lý về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định xử phạt đối với các vi phạm về xuất xứ hàng hóa đã dần được hoàn thiện.

Cụ thể, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây được xem là các căn cứ quan trọng để xác định hàng hóa có hay không có xuất xứ.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP đã đưa ra khái niệm: Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Cũng tại Điều 6 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định hàng hóa có xuất xứ là: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; hoặc hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về cách xác định xuất xứ hàng hóa. Theo đó, hàng hóa xuất nhập khẩu được coi là có xuất xứ không thuần túy nếu đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Các tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa không ưu đãi được quy định tại Điều 6 Thông tư 05/2018/TT-BCT.

Song song với việc hoàn thiện quy định về nội dung, các quy định về chế tài xử phạt đối với vi phạm về xuất xứ cũng được hoàn thiện. Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, lần đầu tiên chế tài xử phạt đối với hành vi xuất nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị tịch thu tang vật vi phạm hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Trong trường hợp tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định, doanh nghiệp còn phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định. Ngoài ra, Nghị định 128/2020/NĐ-CP còn quy định về các trường hợp khai sai xuất xứ. Một số hành vi khai sai về xuất xứ mới được bổ sung so với Nghị định 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP) như: khai sai so với thực tế về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Trường hợp khai sai về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế quy định tại Nghị định này.

Còn tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với hành vi phạm liên quan đến chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Các hành vi vi phạm về xuất xứ quy định tại Điều 44 Nghị định này gồm: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp; cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng quy định hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa là hàng giả (điểm đ khoản 7 Điều 3). Chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa nêu trên được quy định tại Điều 11 Nghị định này.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản đã có các quy định để xử lý các trường hợp gian lận về xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các văn bản quy định về xuất xứ đã bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi như quy định về công đoạn gia công đơn giản, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ…

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác quản lý về xuất xứ hàng hóa nói chung, xuất xứ Việt Nam nói riêng, Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các văn bản như đã nêu trên, đồng thời, chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp về thực thi pháp luật.

Cụ thể, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương. Đồng thời, cần xây dựng một hệ thống thông tin chung về các gian lận xuất xứ, doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ, các mặt hàng nguy cơ gian lận xuất xứ... để thuận lợi cho việc tra cứu và quản lý về công tác này.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc gian lận về xuất xứ hàng hóa. Thông tin về các vụ việc vi phạm và hình phạt, chế tài đã áp dụng để răn đe các doanh nghiệp có ý định gian lận xuất xứ. Nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp không vì cái lợi trước mắt mà bao che, tiếp tay cho hàng hóa gian lận xuất xứ vào Việt Nam từ đó tạo cơ chế để người dân tố giác các hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa…

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang