Hoạt động năng suất chất lượng khu vực Tây Nguyên: Doanh nghiệp hưởng trái ngọt

author 06:33 21/11/2020

(VietQ.vn) - 10 năm qua, nhờ áp dụng các công cụ NSCL, các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên đã vươn tới sự chuyên nghiệp, hiệu quả và tạo dựng vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Minh chứng là nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong khu vực đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước khó tính tại châu Âu, Mỹ. Đã có doanh nghiệp trong khu vực đoạt giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tại khu vực Tây Nguyên, trong giai đoạn từ 2016 - 2019, hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về năng suất chất lượng (NSCL), Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được tổ chức với sự tham gia của hơn 2000 lượt đại biểu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp không chỉ đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia mà còn đạt giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương.

Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng Phạm Thị Xuân Hương nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao tặng. Ảnh VietQ.vn

Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng Phạm Thị Xuân Hương nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao tặng. Ảnh VietQ.vn

Điển hình tại Lâm Đồng, năm 2016, Ladophar là doanh nghiệp đầu tiên trong khu vực đoạt giải thưởng Chất lượng quốc gia và Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương cho hạng mục Chất lượng xuất sắc. Từ đây đã hình thành phong trào thi đua nghiên cứu, sản xuất và khẳng định chất lượng sản phẩm trong cộng đồng doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Hằng năm, các doanh nghiệp trong khu vực đều đăng kí tham gia và có doanh nghiệp đoạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Ngoài Ladophar, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại khu vực đã nắm bắt cơ hội, phát huy được thế mạnh của vùng đất với những ưu đãi của thiên nhiên và đẩy mạnh chất lượng sản phẩm khi áp dụng các công cụ giúp nâng cao năng suất, chất lượng.

Với những thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến để cải thiện năng suất chất lượng nông sản, thực phẩm. Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhiều đoàn đến thăm và kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh như: Mắc-ca Việt (Hòa Trung - Di Linh), Nông sản Trình Nhi (Phú Hội - Đức Trọng), Cà phê Tám Trình (Gia Lâm - Lâm Hà), Thực phẩm Bông Mai (Dran - Đơn Dương), Doanh nghiệp Dương Thảo (Lạc Thiện - Đơn Dương), Thực phẩm Lâm Đồng - Ladofoods (Xuân Trường - Đà Lạt), HTX Thủy canh Việt (Phường 9 - Đà Lạt), The Bitter Cacao, Cây giống Cao Nguyên (Phường 11 - Đà Lạt), Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Phương (Phường 5 - Đà Lạt). Quá trình kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đã áp dụng theo đúng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến đối với từng lĩnh vực sản xuất, từ đó đã có chuyển biến rõ rệt trong việc bố trí mặt bằng hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, không gian, diện tích; xây dựng và duy trì môi trường làm việc hiệu suất cao, an toàn, ngăn nắp, kỷ luật; phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nông sản an toàn, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản; sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp; bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Tại Đắk Nông, những năm qua nhờ áp dụng cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng, giảm tiêu hao sức lao động cho công nhân, tiết kiệm chi phí cho sản xuất, Công ty Nhôm Đắk Nông đã gặt hái được nhiều thành quả. Nhờ các công cụ áp dụng mà doanh nghiệp đảm bảo quá trình sản xuất của nhà máy luôn ổn định, không bị gián đoạn; Đảm bảo lượng bùn thải phân bố thải bùn từ chân đập hồ chứa bùn sau tuyển rửa thải về phía thượng lưu để tặng độ ổn định và vững chắc của đập hồ chứa bùn sau tuyển rửa. Công ty cũng đã ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, đạt sản lượng, chất lượng cao, nhiều năm liền công ty liên tục cán đích sớm tất cả các chỉ tiêu kế hoạch.

Tại Đắk Lắk, để phát triển cây cà phê – một trong những sản phẩm chủ lực, tỉnh đã đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng; ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến, tổ chức quản lý sản xuất, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp. Đồng thời, quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sau thời gian ngắn triển khai, năng suất và chất lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã nâng cao rõ rệt. Hiện nay, cà phê Đắk Lắk đã có được thương hiệu riêng và tự tin xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên cũng là nơi mà các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về NSCL trong khuôn khổ dự án do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được tổ chức thường xuyên. Công tác điều tra, khảo sát thực trạng doanh nghiệp, tư vấn hướng dẫn xây dựng dự án NSCL liên tục được các địa phương triển khai đồng bộ, mạnh mẽ. Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều địa phương có dự án triển khai đạt hiệu quả tương đối tốt như Lâm Đồng, Kom Tum, Gia Lai.

Hàng năm, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều tiến hành các hoạt động đẩy mạnh giới thiệu, xét chọn vòng sơ tuyển doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia giải thưởng. Nhờ sự sát sao của các Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh mà số lượng doanh nghiệp tham gia và đoạt giải ngày càng cao, tạo tiền đề cho doanh nghiệp trong khu vực tự tin quảng bá, cạnh tranh sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế.

XH

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang