Hoạt động TCĐLCL: Đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển

author 15:22 07/07/2017

(VietQ.vn) - Trong chuỗi hoạt động chào mừng 55 năm ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hội thảo “Đổi mới, nâng cao vai trò đóng góp của hoạt động TCĐLCL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế" được tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN, lãnh đạo các Chi cục TCĐLCL địa phương, các doanh nghiệp và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục. Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh tham dự và phát biểu và điều hành hội thảo.

 Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh nhấn mạnh, Chính phủ đã và đang vào cuộc rất mạnh mẽ vì một Chính phủ kiến tạo, hành động và đồng hành cùng doanh nghiệp, do đó hoạt động TCĐLCL cũng cần phải triển khai hàng loạt các hoạt động đổi mới nhằm thực hiện chủ trương này.

“Với vai trò đặc biệt quan trọng, hoạt động TCĐLCL luôn được đổi mới và hội nhập sâu rộng để kịp thời phục vụ, trang bị hành trang cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh khẳng định.

 Lãnh đạo Tổng cục điều hành trao đổi, thảo luận tại hội thảo

 Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo Sở KH&CN, lãnh đạo Chi cục TCĐLCL các địa phương

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Được coi là một “mặt trận” trong lĩnh vực TCĐLCL, hoạt động đo lường cho doanh nghiệp thời gian vừa qua đã có nhiều bước chuyển biến rõ nét, đặc biệt là đã theo sát thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tính thống nhất, tin cậy, chính xác của phép đo trong đo lường công nghiệp nhằm kiểm soát các thông số công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến để tạo sản phẩm, hàng hóa đáp ứng với yêu cầu quy định mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của các DN.

Theo ông Trần Quý Giầu, Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường thuộc Tổng cục TCĐLCL, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu.

Ông Trần Quý Giầu, Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường tham luận tại hội thảo về lĩnh vực đo lường cho doanh nghiệp

“Với hệ thống hơn 300 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường cùng hệ thống VBQPPL về đo lường, trong thời gian tới định hướng phát triển đo lường để hỗ trợ DN và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia trên cơ sở tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó chú trọng giải pháp về đo lường”, ông Giầu cho biết.

Đề cập đến vai trò của mã số mã vạch trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn thuộc Tổng cục TCĐLCL cho biết, đế nay đã tổ chức xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất đối với doanh nghiệp.

“Hàng triệu mặt hàng mang MSMV của Việt Nam với ba số đầu 893 đang được lưu thông trên thị trường, góp phần nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trong và ngoài nước. Hàng ngàn doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động bằng MSMV trong quản lý sản xuất, kinh doanh, thương mại, đặc biệt trong các siêu thị, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giảm các chi phí không cần thiết”, ông Khôi cho hay.

Ghi nhận từ thực tế, trong những năm qua nhiều bộ, ngành đã được hỗ trợ nghiên cứu áp dụng công nghệ MSMV cho các loại thẻ nhân sự (chứng minh nhân dân, thẻ công chức...), cho sách, truy tìm nguồn gốc thủy sản, hệ thống mã số cho các cảng biển và hàng hóa quá cảng, quản lý hành lý, hành khách ngành hàng không, quản lý dược phẩm, nhận dạng bằng tần số radio, mã toàn cầu phân định tài sản.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy - Tổng cục TCĐLCL trong tham luận về định hướng đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành – Thực thi Nghị quyết 19 của Chính phủ cho biết, cùng với việc thực hiện đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã có một bước tiến dài trong việc đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

“Với quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng trong vòng 1 ngày, đây có thể hiểu là “cuộc cách mạng” trong hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu”, bà Hương cho biết.

 Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Nam Định nêu ý kiến tại hội thảo

Đổi mới hoạt động TCĐLCL góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Nói về đóng góp của các Chi cục TCĐLCL địa phương đối với công tác quản lý Nhà nước về TCĐLCL, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chi cục trưởng chi cục TCĐLCL Nam Định cho biết, thời gian qua, chi cục TCĐLCL Nam Định đã thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ngày càng phát triển theo hướng năng suất, chất lượng; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

 
Nếu như trước đây việc soạn thảo, xây dựng tiêu chuẩn thuộc về các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước nhưng những năm gần đây đã có sự tham gia của doanh nghiệp. Việc này đã giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều khi được đóng góp những ý kiến để tiêu chuẩn gần hơn và khả thi vào thực tế. Theo đó, khi tiến hành quá trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm sẽ đáp ứng được tốt hơn.
Bà Lý Thị Phương Trang - Tổng giám đốc Công ty Daikin Việt Nam
 

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Nhâm - Chi cục TCĐLCL Lâm Đồng cũng cho biết, hoạt động TCĐLCL tại Lâm Đồng đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tạo sự ổn định về tình hình chất lượng hàng hóa khi sản xuất và lưu thông trên thị trường. Các phương tiện đo khi sử dụng đa phần được kiểm định, hiệu chuẩn. Việc hỗ trợ áp dụng các HTQLCL và các công cụ cải tiến đã đóng góp đáng kể cho phong trào năng suất chất lượng của tỉnh Lâm Đồng.

Bà Nhâm cũng cho biết, từ 2004 Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được triển khai tại địa phương, theo đó, các DN của tỉnh hoàn toàn tự tin khi tham gia hội nhập quốc tế khi đã có nền tảng về năng suất chất lượng. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, vừa đảm bảo được chất lượng, doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Chi cục TCĐLCL Kiên Giang cũng cho biết , nhằm nâng cao vai trò là đầu mối của địa phương trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hàng năm, Chi cục TCĐLCL Kiên Giang tổ chức khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc quản lý của các ngành. Qua đó thông báo cho các cơ quan quản lý chuyên ngành tại tỉnh về những sản phẩm, hàng hóa không bảm bảo chất lượng,an toàn, sức khỏe người tiêu dùng, gian lận trong công bố chất lượng để có biện pháp tăng cường quản lý.

Đặc biệt, việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh về ghi nhãn hàng hóa, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy trực tiếp tại cơ quan hoặc trao đổi qua email để giúp doanh nghiệp dễ thực hiện, không phải đi lại nhất là doanh nghiệp ở xa. Đặc biệt, luôn phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở KH&CN; Quản lý thị trường và một số cơ quan có liên quan nắm bắt thông tin về hoạt động, cơ sở đã được thanh, kiểm tra để tránh kiểm tra trùng lắp gây phiền hà cho DN.

  Bà Lý Thị Phương Trang -  Tổng giám đốc Công ty Daikin Việt Nam: "Việc DN tham gia vào soạn thảo, xây dựng tiêu chuẩn mang lại sự thuận lợi lớn cho DN"

Đánh giá vai trò phối hợp giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TCĐLCL, đại diện Công ty Daikin Việt Nam, bà Lý Thị Phương Trang -  Tổng giám đốc cho biết, trong thời gian vừa qua công tác phối hợp trong lĩnh vực soạn thảo, phổ biến tiêu chuẩn, thực hiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm giữa Tổng cục TCĐLCL và DN được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc phổ biến cung cấp kiến thức, tiêu chuẩn về sản phẩm cho khách hàng, giúp người tiêu dùng có kiến thức khi lựa chọn sản phẩm chất lượng cũng được DN chú trọng triển khai.

"Nếu như trước đây việc soạn thảo, xây dựng tiêu chuẩn thuộc về các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước thì những năm gần đây đã có sự tham gia của DN. Việc này đã giúp cho DN thuận lợi hơn rất nhiều khi được đóng góp những ý kiến để tiêu chuẩn gần hơn và khả thi vào thực tế. Theo đó, khi tiến hành quá trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm sẽ đáp ứng được tốt hơn", bà Trang cho biết.

Tại hội thảo ghi nhận thêm nhiều ý kiến tham luận của các đại diện đến từ các Chi cục TCĐLCL địa phương và các doanh nghiệp xung quanh các vấn đề thừa nhận kết quả lẫn nhau, những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình Nâng cao năng suấ chất lượng 712... Các ý kiến tham luận được lãnh đạo Tổng cục cùng các đơn vị liên quan giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ. 

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Nam Hải một lần nữa khẳng định những thách thức đổi mới của hoạt động TCĐLCL trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, trong thời gian tới phải thúc đẩy hơn nữa công tác xây dựng tiêu chuẩn phục vụ thực sự cho doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bên cạnh đó các vấn đề về công tác quản lý chất lượng, đo lường cũng được hội thảo ghi nhận gợi mở, từ đó sẽ có những định hướng hoạt động ngành trong thời gian tới.

Thanh Uyên - Huy Hùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang