Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2019: Cán đích thành công với kết quả nổi bật

author 19:42 10/01/2020

(VietQ.vn) - Kết thúc một năm hoạt động, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ 2020.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Vượt 300% kế hoạch được giao

Nhấn mạnh trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cho biết, quán triệt tinh thần hành động của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, năm 2019 Tổng cục đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế; Triển khai thực hiện tốt đảm bảo chất lượng và tiến độ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ KH&CN trong năm 2019; Thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL. “Năm 2019 Tổng cục chủ trì soạn thảo 4 Quyết định của Thủ tướng, 25 Thông tư, 4 văn bản quản lý của Bộ trưởng Bộ KH&CN, vượt xa kế hoạch được giao tới 300%”, ông Vinh cho biết.

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu khai mạc hội nghị. 

Báo cáo tổng kết năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Tổng cục đã chủ động, tích cực làm việc với các Bộ ngành đặc biệt là Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính về việc rà soát danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, làm việc với các địa phương về việc một mặt hàng giao cho một Bộ quản lý ngành sẽ tạo thuận lợi cho DN, giúp giảm thời gian, chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, tham mưu trình Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với chỉ đạo về thống nhất giao Bộ KH&CN là đầu mối, chủ trì thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với “Dây và cáp điện” và “Thiết bị gia dụng nhập khẩu” nhằm đơn giản thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thời gian qua, Bộ KH&CN được đánh giá là đơn vị đi đầu trong quá trình triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” thông qua việc ban hành Thông tư 07 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 27) quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa, với 93.3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thừa nhận kết quả thử nghiệm, chấp nhận kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài, đồng thời thực hiện cơ chế đánh giá tại nước xuất khẩu đẫ giảm thời gian, chi phí đáng kể cho DN nhập khẩu hàng hóa theo lô hàng.

“Việc chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa sang hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Cải cách của Bộ KH&CN đã mang nhiều lợi ích cho DN, giúp tiết kiệm, cắt giảm được khoảng 900 tỷ đồng/năm", ông Linh cho biết.

Bên cạnh đó, Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN được Tổng cục tiếp tục duy trì kết nối liên thông và đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính để giải quyết những vướng mắc liên quan đến cơ chế Một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN. Qua đó, việc thực hiện các thủ tục kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trực tuyến cấp độ 4, giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành cho DN nhập khẩu, đáp ứng về cải cách hành chính theo yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ.

“Tính đến ngày 09/12/2019, Tổng cục đã giải quyết 50.872 lượt hồ sơ đăng ký và xử lý trực tuyến trên Cơ chế Một cửa quốc gia đã đóng góp một phần không nhỏ vào chỉ số cải cách hành chính của Bộ KH&CN”, ông Linh cho hay.

Không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí, năm 2019, Tổng cục tiếp tục chủ trì triển khai tốt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020 với kết quả hàng nghìn DN tại các Bộ ngành, địa phương được hỗ trợ tiếp cận ứng dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, nhiều DN đã nâng cao năng suất từ 10-50%, thậm chí có những DN nâng cao năng suất đến 75% so với trước khi được hỗ trợ.

Năm 2019, Tổng cục đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (WTO, FTA,…).

Theo đó, thẩm định tiếp nhận và trình công bố 394 TCVN; thẩm định 75 dự thảo QCVN của các bộ, ngành xây dựng; góp ý 37 dự thảo QCVN của các bộ, ngành và 15 quy chuẩn địa phương; tiếp nhận đăng ký 45 QCVN đã ban hành của các Bộ, ngành và 3 QCĐP của địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020. 

Năm 2019, Tổng cục đã quan tâm chỉ đạo đối với công tác quản lý về đo lường, đặc biệt đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương. Thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 206 lượt đơn vị; Chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 81 lượt đơn vị; Chứng nhận 382 chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2; Phê duyệt 5.330 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước...

Hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông, nhập khẩu, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất, khảo sát đánh giá chất lượng hàng hóa trên thị trường, đưa ra biện pháp cảnh báo đối với các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả được tăng cường. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành, công tác hoạt động ĐGSPH, triển khai áp dụng ISO trong cơ quan hành chính, các công tác mã số mã vạch, giải thưởng chất lượng quốc gia… cũng gặt hái được nhiều kết quả.

Nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm 2020

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương kết quả công tác năm 2019 của Tổng cục TCĐLCL và hoàn toàn đồng tình với 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Tổng cục, 10 trọng tâm cốt lõi đã bao quát tất cả yêu cầu đặt ra.

Đề cập đến các vấn đề chính mà Tổng cục cần tập trung trong năm 2020, Thứ trưởng mong muốn Tổng cục dành sự quan tâm nhiều hơn xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Công tác chất lượng, đo lường cần tiếp tục phát huy.

Hiện Tổng cục đang chủ trì rất nhiều Chương trình như Đề án 996 về Đo lường, Đề án 100 về Truy xuất nguồn gốc và Chương trình 712 về Năng suất chất lượng… Do vậy, cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để xã hội, DN và người dân dễ dàng tiếp cận chia sẻ và đồng hành cùng các hoạt động TCĐLCL nói riêng và KH&CN nói chung.

Toàn cảnh hội nghị. 

Thứ trưởng kỳ vọng, trong năm 2020 Tổng cục tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Tổng cục nói riêng, góp phần vào hoàn thành kế hoạch chung của Bộ KH&CN và nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối cùng của 5 năm hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2016- 2020 thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng. Do đó, từng đơn vị trong Tổng cục xây dựng tập thể đoàn kết có năng lực, chuyên môn để thực hiện tốt các vấn đề trọng tâm của Tổng cục, tăng cường vai trò của Bộ, của Tổng cục thông qua một số công việc đang thực hiện.

Kỷ niệm 19 năm Ngày Đo lường Việt Nam(VietQ.vn) - Sáng nay (9/1) tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 8/SL và 19 năm "Ngày Đo lường Việt Nam".

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang