Hoạt động tiêu chuẩn hóa hướng tới năm APEC 2017

author 05:45 01/02/2017

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ hợp tác khu vực, 2017 là năm quan trọng khi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Tiểu ban APEC về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp (APEC/SCSC).

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Hoạt động APEC/SCSC là một chuỗi sự kiện trải dài trong suốt năm 2017 với 2 cuộc họp chính thức và khoảng 10 hội thảo, hội nghị bên lề tổ chức tại các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Tiểu ban APEC về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp (APEC/SCSC) 2017 

 

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và thách thức hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi thế giới một cách nhanh chóng, những biến động và thách thức gia tăng, tác động sâu rộng, đa chiều đến tất cả các nền kinh tế trong khu vực Châu Á - TBD, tăng trưởng kinh tế năm 2016 giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008 -2009. Thời gia gần đây đã xuất hiện xu hướng phản đối tự do hóa thương mại ở nhiều khu vực trên thế giới; một số quốc gia có xu hướng áp dụng chính sách bảo hộ mâu dịch. Chính vì vậy, Việt Nam đã đề xuất chủ đề của năm APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", nhằm tạo thêm động lực trong bối cảnh mới vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và ổn định khu vực.

So với lần đăng cai APEC/SCSC đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2006, kỳ họp APEC/SCSC 2017 có nhiều thay đổi với khối lượng công việc,chương trình nghị sự đã được mở rộng hơn so với trước đây, nội dung hợp tác cũng đi vào thực chất hơn. Do vậy, cần có sự chủ động, tích cực vào cuộc không chỉ của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng, mà còn từ phía địa phương, doanh nghiệp.

Trên cơ sở chủ đề chung của năm APEC 2017, kỳ họp APEC/SCSC năm nay sẽ tập trung vào các chủ đề là:

Phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) thông qua triển khai các chương trình, dự án APEC nâng cao năng suất chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng mô hình điểm cho doanh nghiệp MSME trong khu vực.

Tăng cường an toàn thực phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững; hợp tác phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), kết nối khu vực nhằm hỗ trợ kết nối nội khối, tạo thuận lợi việc chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ kinh nghiệp và phối hợp hợp tác, đẩy mạnh giáo dục tiêu chuẩn hóa trong nhà trường.

Tạo một diễn đàn mở để các thành viên APEC được bàn thảo những vấn đề tiêu điểm, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, xử lý những bất cập trong quản lý chất lượng, các xu thế mới và định hướng phát triển hoạt động tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp về an toàn thực phẩm, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, hợp tác nâng cao năng lực phòng thử nghiệm…

Đánh giá về tầm quan trọng của APEC 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020. Với thế và lực của đất nước không ngừng nâng cao và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2006, việc lần thứ hai đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với Diễn đàn trong bối cảnh mới, nhằm thúc đẩy quan tâm chung. Năm APEC 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn (1998 – 2018).

Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 cũng như nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào 2018, Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, APEC 2017 là cơ hội để Việt Nam triển khai Tầm nhìn ASEAN sau 2015 và hoàn tất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 của đất nước.

Hơn 25 năm qua, Diễn đàn APEC khẳng định là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. APEC hội tụ hầu hết các nền kinh tế năng động nhất của khu vực, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Những thỏa thuận của APEC đã góp phần giảm gần 3 lần mức thuế quan trung bình ở khu vực và tăng 7 lần thương mại hàng hóa nội khối.

Đối với Việt Nam, Diễn đàn APEC luôn có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Đây chính là nơi hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, đem lại 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 79% tổng giá trị thương mại quốc tế và 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 13 trong 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác APEC.

Nguyễn Văn Khôi Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn ( Tổng cục TCĐLCL)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang