Học giả Quốc tế lật tẩy mưu đồ bá chủ biển Đông của Trung Quốc

author 06:30 29/05/2014

(VietQ.vn) – Sau hàng loạt những hành động gây hấn trên biển, Trung Quốc đang dần lộ chiêu bài thâu tóm biển Đông bằng mọi giá. Học giả quốc tế khẳng định, với tham vọng thống trị, Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các quốc gia láng giềng.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La 2014 (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc mơ hồ khi viện dẫn Hoàng Sa là của mình

Các nhà lịch sử và nghiên cứu không chỉ Việt Nam và thế giới đều khẳng định trong suốt 2.000 năm qua, toàn bộ các cuốn chính sử của Trung Quốc không có cuốn nào đề cập đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 26/5 cho rằng quần đảo “Tây Sa” tức Hoàng Sa của Việt Nam từ lâu đã là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc ngay từ thời nhà Hán, thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, là một điều hết sức vô lý và mơ hồ. Bởi các nhà lịch sử và nghiên cứu không chỉ Việt Nam và thế giới đều khẳng định trong suốt 2.000 năm qua toàn bộ các cuốn chính sử của Trung Quốc không có cuốn nào đề cập đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Theo nhà sử học Vũ Minh Giang, cuốn sách sớm nhất được các học giả Trung Quốc dẫn ra làm căn cứ về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán, cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Họ cũng tự cho rằng, các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và nhất là từ triều Thanh đến nay, Trung Quốc liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.

Phương pháp diễn giải của các tác giả cuốn sách này là không nói rõ bối cảnh lịch sử, trích dẫn cắt xén tư liệu để người đọc khó hình dung được bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh nguyên tác, rồi giải thích ý nghĩa những đoạn trích ấy theo ý mình.

Tại cuộc tọa đàm trước thềm Diễn đàn Shangri-La 2014 diễn ra sáng nay (28/5), Tiến sĩ Leszek Buszynski, Đại học An ninh Quốc gia Australia chia sẻ: “Vấn đề là yêu sách chủ quyền với toàn bộ Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn hầu như không có giá trị pháp lý nào. Họ nói về chủ quyền không thể tranh cãi, họ nói về quyền trong lịch sử cổ đại với Biển Đông, họ chưa bao giờ giải thích nó là cái gì. Tôi có trao đổi với một vài học giả Trung Quốc thì họ nói Trung Quốc sẽ lấy lại Biển Đông. Nhưng mà trước đây họ đã có nó đâu mà đòi lấy lại? Trung Quốc nói đó là chủ quyền từ thời xa xưa nhưng hầu như không có bằng chứng lịch sử nào”.

Các nhà lịch sử Việt Nam cũng cho rằng luận lý của một số học giả Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời nhà Hán cách đây khoảng 2.000 năm và được Trung Quốc thực thi chủ quyền suốt từ đó đến nay được rất ít người quan tâm vì tính chất phi lý, phản khoa học và trên thực tế, Trung Quốc ít khi nói tới nhiều. Bởi trong tất cả các bộ chính sử của Trung Quốc đều không đề cập đến Hoàng Sa là của Trung Quốc. 

Trong khi đó, từ thế kỷ 17 Việt Nam đã có tài liệu đầy đủ để nói các triều đại phong kiến Việt Nam không chỉ phát hiện đặt tên mà còn là thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Với tham vọng thâu tóm biển Đông, Trung Quốc cho thấy rõ bản chất phi lý và phi nghĩa của mình

Trung Quốc lộ chiêu bài thâu tóm biển Đông

Nêu ý kiến tại cuộc tọa đàm trước thềm Diễn đàn Shangri-La 2014 tại Singapore, các học giả quốc tế đến từ các nước khu vực ASEAN và nước đối tác như Mỹ, Ấn Độ, Australia khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực và quốc tế. Do đó, việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là mục tiêu, lợi ích không chỉ của ASEAN mà còn cả các nước có lợi ích như Mỹ và các cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia.

Các học giả cho rằng, Trung Quốc ngày càng bộc lộ tham vọng thống trị Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, lẩn tránh trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và thậm chí vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước khác mà rõ ràng nhất là việc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tiến sĩ Richard Bitzinger, trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam Singapore cho biết: “Chúng ta thấy Trung Quốc vi phạm trực tiếp tinh thần của một số sáng kiến hiện có như là Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông DOC hay Công ước LHQ về luật biển UNCLOS, trong đó yêu cầu các bên liên quan không được làm tình hình tồi tệ đi, không hành động đơn phương. Trên thực tế, chúng ta thấy những hành động mà mới nhất là việc hạ đặt giàn khoan là một trong nhiều hành động đơn phương của Trung Quốc”.

Việc hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ là một  phần trong mưu đồ lớn hơn là đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý, đặc biệt với luật pháp quốc tế.

Trước thực tế Trung Quốc không ngừng thay đổi thực trạng trên thực địa là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, các học giả cho rằng các quốc gia ASEAN cần thấy rằng giảm căng thẳng và gìn giữ chủ quyền không chỉ dựa trên quan hệ song phương với Trung Quốc mà cần có cách tiếp cận mới.

Giáo sư K.S Nathan, Đại học Quốc gia Malaysia nói: “Giải pháp cho vấn đề này không chỉ là thông qua ngoại giao của ASEAN. Thậm chí nếu ngoại giao ASEAN không thành công, ngoại giao của các nước lớn sẽ thành công bởi vì các nước này có cùng lợi ích an ninh ở Đông Nam Á”.

Tiến sĩ A.B Mahapatra, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Á (Ấn Độ) nói: “Cộng đồng quốc tế đến nay đều ủng hộ và chấp nhận giá trị thực tiễn và vai trò của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Do đó, Trung Quốc và các bên liên quan – những nước mà ký kết Công ước Luật biển có trách nhiệm phải tuân thủ và giải quyết tranh chấp theo hướng hoà bình”.

Những ý kiến của các học giả quốc tế đã cho góc nhìn đa chiều trực diện vào tình hình Biển Đông hiện nay, cho thấy rõ bản chất phi lý và phi nghĩa của Trung Quốc đối với việc đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Cập nhật tình hình biển Đông ngày 28/5:

Lúc 5h50 hôm nay, ở vị trí 15 độ 26 phút, 48 giây và 111 độ 15 phút, 42 giây, tức cách vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 11 hải lý, tàu CSB 8003 của Việt Nam đã phát hiện ba tàu Trung Quốc gồm: Tàu Hải tuần 22, tàu CSB31 và 46102 vây ép, sử dụng vòi rồng để tấn công tàu KN630 của Việt Nam. Liên tục trong vòng 20 phút, tàu 46102 ép phía sau và tàu CSB31 ép phía trước để tàu Hải tuần 22 dùng vòi rồng phun nước với tốc độ cực lớn vào tàu KN630.

Tàu KN630 chính là tàu mà cách đây năm ngày đã bị các tàu Trung Quốc dùng vòi rồng và súng bắn nước tấn công làm hư hỏng nặng và làm 3 kiểm ngư viên bị thương. Tuy nhiên, các cán bộ kiểm ngư viên sau khi được chăm sóc sức khỏe ổn định vẫn tiếp tục xin được ở lại làm nhiệm vụ. Điều đó cho thấy sự kiên cường của các chiến sĩ Cảnh sát Biển và cán bộ kiểm ngư viên, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Cũng trong sáng nay (28/5), tàu CSB8003 đã quan sát được 62 tàu Trung Quốc các loại đang ở quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Và từ chiều qua (27/5) đến nay, giàn khoan Hải Dương 981 đã ngừng di chuyển.

 

Thanh Hà (tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang