Học giả Việt Nam lý giải vì sao Trung Quốc tiến nhanh, mạnh ra thế giới

author 07:24 28/09/2014

(VietQ.vn) - Hơn 30 năm cải cách nền kinh tế, Trung Quốc (TQ) đã cho ra kết quả khiến cả thế giới kinh ngạc. Đâu là nhân tố then chốt?

Hội thảo khoa học Chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc (TQ) mới được diễn ra. Tại đây, các học giả đều đánh giá: Sau hơn 35 năm cải cách mở cửa với những quyết sách sáng tạo độc đáo của riêng mình, Trung Quốc đã từng bước phát triển nền kinh tế, mang lại nhiều thành tựu khiến thế giởi phải ngạc nhiên. Hiện  Trung Quốc đã được công nhận là “cực thứ tư” của nền kinh tế thế giới.

Trung Quốc vươn ra biển tiến lên vị trí thứ 2 của nền kinh tế thế giới

Theo TS Nguyễn Đình Liêm (Viện Nghiên cứu Trung Quốc): Kể từ 1978, với phương châm  “dò đá qua sông” TQ đã tiến hành từng bước chuyển đổi phương thức phát triển.

Những năm đầu của công cuộc cải cách mở cửa, TQ chỉ chú trọng “thu hút vào”, từ thập niên 90 của thế kỷ XX “đi ra ngoài” bắt đầu được nhấn mạnh.

Khi đó, người đứng đầu đất nước Giang Trạch Dân cho rằng: TQ muốn xây dựng hiện đại hóa thì buộc phải bơi ra biển lớn của thị trường quốc tế. Cho dù năng lực chưa mạnh cũng phải cố bơi, và phải cố găng bơi lên hàng đầu, nâng cao bản lĩnh đương đầu với sóng gió, phải tìm được vị trí phát triển có lợi trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế.

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra bên ngoài nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa

“Đẩy mạnh chiến lược “đi ra ngoài” đã tạo điều kiện cho TQ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, thu lợi nhuận siêu ngạch ở bên ngoài, trong điều kiện thị trường TQ ngày cảng tỏ ra bão hòa với một số sản phẩm. Đồng thời đầu tư ra ngoài đã giúp TQ giải quyết được vấn đề tài nguyên , đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt tài nguyên cố hữu từ trước tới nay, đặc biệt là vấn đề năng lượng, phục vụ cho nền kinh tế phát triển quá nóng của TQ”, TS Nguyễn Đình Liêm phân tích.

Thông qua đầu tư ra nước ngoài, tính đến năm 2010, TQ đã ký kết được hiệp định đầu tư song phương với 129 quốc gia và khu vực xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương. Đến nay, TQ đang xây dựng 14 khu mậu dịch tự do với 27 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Chỉ tính trong vòng 8 năm (2002-2010) TQ đã vươn từ vị trí số 5 lên vị trí số 2 về tổng lượng kinh tế. GDP bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, tăng trưởng bình quân đạt hơn 10%...TQ thoát khỏi nhóm các nước nghèo bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, đó là thành tích vượt bậc 10 năm tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2012, TQ có 16000 DN đầu tư ra nước ngoài, thành lập 22.000 chi nhánh ở 179 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đạt gần 88 tỷ USD, biến nước này trở  thành 1 trong 3 nước có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Theo dự báo, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các công ty TQ đang tăng đột biến và có thể lên 2000 tỷ USD vào năm 2020

Xây dựng những đặc khu trở thành phòng thí nghiệm về kinh tế

Trong vòng hơn 30 năm qua, TQ đã đạt được kỳ tích đối với sự phát triển kinh tế của mình. Tại sao đất nước này lại đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh như vậy?

Rất nhiều nhận định, lý giải đã được nêu ra, trong đó sự phát triển của các đặc khu kinh tế TQ đã đóng vai trò là các cỗ máy thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước này.

Từ 1980-1988 đã có 5 đặc khu kinh tế truyền thống cảu TQ được thành lập bao gồm: Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn và Hải Nam. Đây chính là những phòng thí nghiệm để TQ thực hiện nền kinh tế thị trường.

Đặc khu thương mại tự do Thượng Hải

Theo bà Hà Thị Hồng Vân, (Viện Nghiên cứu TQ): Các đặc khu nói trên đã đi đầu cả nước tiến hành thử nghiệm các chính sách mới, thể chế mới cho nền kinh tế thị trường. Đây là một cách tiếp cận mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh của một nền kinh tế tập trung kế hoạch cao độ. Các đặc khu được coi như một thử nghiệm xã hội để kiểm nghiệm sự hiểu quả của cải cách kinh tế theo định hướng thị trường trong một phạm vi kiểm soát được, không chỉ đơn thuần là những khu vực tách biệt khỏi lãnh thổ, nơi có những chính sách ưu đãi về đầu tư, thương mại để thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu.

“Không ai biết trước điều gì sẽ xẩy ra đối với cải cách. Chính vì vậy, các nhà chức trách  TQ quyết định không mở cửa hết toàn bộ nền kinh tế mà tiến hành thử nghiệm trong các khu vực nhất định.”, bà Vân phân tích.

Tuy nhiên, sau 30 năm, bước sang giai đoạn mới TQ lại nhận ra việc thiết lập các đặc khu truyền thống không còn là biện pháp tiên phong để phát triển kinh tế nữa.

Cụ thể sau khi tiến hành cải cách mở cửa, bối cảnh đã thay đổi, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, ô ngiễm môi trường, những mâu thuẫn của thể chế kinh tế…ngày càng nổi cộm. Để giải quyết vấn đề cần phải chuyền đổi phương thức phát triển nhằm đạt được kết quả tốt nhất, giảm thiểu những tổn thất,  việc thành lập đặc khu mới trở thành một trong những lựa chọn tốt cho TQ

Nếu như các đặc khu cũ đã khởi động cỗ máy xuất khẩu hàng hóa  của TQ, phá vỡ thế độc quyền của các DN nhà nước thì sự thành lập khu Thương mại tự do mới như Thượng Hải là một bước đi thử nghiệm tiếp của lãnh đạo TQ với mục đích thử nghiệm các biện pháp mới đẩy mạnh cải cách mở cửa ra thị trường thế giới, chuyển đổi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng.

“ Vai trò của các đặc khu mới vẫ còn khá mong manh khi tham vọng của những nhà lãnh đạo thì quá lớn nhưng những biện pháp tiến hành vẫn mang tính thận trọng và trói buộc”, nữ học giả nhận định.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang