Học làm… mẹ chồng

author 13:40 28/10/2012

(VietQ.vn) - Theo ghi chép của toà án qua các vụ ly hôn, nhiều khi nguyên nhân tan vỡ không phải do mâu thuẫn vợ chồng mà do những quan hệ khác, trong đó nổi bật lên “mối thù truyền kiếp”: mẹ chồng – nàng dâu.

Ai cũng phải trải qua “cửa ải” làm dâu rồi đến một ngày mới “lên chức” mẹ chồng. Nhưng hình như bao nhiêu đau khổ từng phải gánh chịu ngày trước không để lại chút kinh nghiệm gì khi họ vào vai trò mới.

Ảnh minh họa

Mối quan hệ định mệnh

Nói chung, mọi thành viên trong một gia đình đều gắn bó với nhau trên hai cơ sở: quan hệ huyết thống và quan hệ lựa chọn. Nhưng mẹ chồng – nàng dâu không phải là máu mủ ruột thịt, cũng không phải là lựa chọn nhau mà do người con trai tự tìm người yêu và phần lớn cha mẹ chỉ làm nhiệm vụ “duyệt”.

Có người hài hước nói thời nay "con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy". Cho nên nếu có sự không hoà hợp giữa mẹ chồng và nàng dâu thì cũng là chuyện không có gì lạ.

Bạn hãy nhớ rằng, bạn nhiều tuổi gấp đôi con dâu và có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Bởi thế bạn hãy độ lượng với sự non nớt, vụng dại của nó. Tốt nhất, bạn hãy trở thành người bạn lớn tuổi của con dâu bạn.

Đa số bà mẹ thời nay ở tuổi 50 lần đầu tiên được làm mẹ chồng chắc chắn không khỏi bỡ ngỡ. Nếu như tình mẫu tử là chức năng sinh học, nó có tính bản năng, do trời phú mà còn phải học thì vai trò mẹ chồng mang nặng nhân tố xã hội học lại càng phải học. Nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay có nhiều cái mới mà thời trước không có, nên làm mẹ chồng càng bỡ ngỡ hơn, vì không thể rập khuôn theo hình mẫu của mẹ chồng ngày trước.

Không ít bà mẹ chồng, nhất là ở nông thôn, thưòng lấy tấm gương đi làm dâu của mình cho con dâu noi theo. Nhiều bà kể: “Ngày xưa tôi đi làm dâu phải thế này, thế nọ…”. Nhưng thực ra, hai thế hệ nàng dâu đã có nhiều thay đổi. Người con dâu ngày trước nói chung về nhà chồng với hai bàn tay trắng, chỉ có một ít tư trang không đáng kể. Cho nên họ hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình nhà chồng.

Tất cả tư liệu sản xuất đến đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều của nhà chồng. Bà cho con dâu mượn từ căn buồng đến giường chiếu, nồi niêu xoong chảo, thậm chí cho “mượn” cả con trai bà để làm chồng. Vì thế mẹ chồng toàn quyền quyết định, nói thế nào nàng dâu cũng phải nghe. Thời ấy có câu ca “Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói”.

Mẹ chồng thời hiện đại

Nhưng ngày nay tư thế người con dâu đã khác. Con gái bây giờ lấy chồng muộn, vì thế khi kết hôn họ đã ổn định công ăn việc làm, có tiền lương trong ví, nhiều người có tài sản đáng kể. Họ gia nhập gia đình nhà chồng khi đã trưởng thành, vừa chăm lo gia đình chồng lại vừa phải quan tâm đến cha mẹ đẻ của mình vì bây giờ trách nhiệm cũng như quyền thừa kế của con trai, con gái bình đẳng như nhau.

Ảnh minh họa

Chính vì thế mẹ chồng ngày nay không thể cư xử với con dâu như những thế hệ mẹ chồng trước kia. Đa số mẹ chồng thời hiện đại ở tuổi sắp hoặc đã về hưu cũng có những thú vui của các bà và coi nhiệm vụ chăm sóc chồng mình là quan trọng. Nhiều bà bây giờ mới có thời gian nghĩ đến mình, quan tâm đến sức khoẻ của mình và cùng chồng hưởng chuỗi ngày tuổi già thư thái.

Trong một cuộc khảo sát về nguyện vọng của các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều đôi muốn được sống riêng nếu có điều kiện, nhưng họ vẫn có trách nhiệm chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của cả hai bên cha mẹ già yếu mà ta thường gọi là “tứ thân phụ mẫu”.

Nhiều bà mẹ chồng hiện nay sẵn sàng cho con sống riêng nếu chúng muốn. Có lẽ chỉ trừ những bà quá ốm yếu cần con cái ở bên để chăm sóc hàng ngày. Nếu bạn không yêu quý con dâu lắm thì cũng không nên tỏ thái độ vì sẽ ảnh hưỏng đến hạnh phúc con trai mình và tình cảm mẹ con. Đó là chưa kể ngay cả những bà đi “tìm vợ” cho con mà sau cũng chẳng hợp. Không nên chê bai con dâu trước mặt con và nhất là đừng tỏ ra luyến tiếc những cô bạn gái trước đây của nó.

Nếu con đã ở riêng, bạn không nên tự cho mình cái quyền muốn đến lúc nào thì đến và ở lại bao lâu tuỳ mình. Chỉ giúp chúng dọn dẹp nấu nướng nếu bạn tin chắc con dâu muốn như vậy. Đừng bao giờ nghĩ rằng con trai bạn vẫn thuộc quyền “quản lý” của bạn mà thực ra bạn đã “bàn giao” cho con dâu rồi. Khi vợ chồng con mâu thuẫn, cãi nhau, mẹ chồng tránh bênh con trai và không nên nói con trai bạn tuyệt vời như thế nào, dù trong thâm tâm các bà mẹ thường nghĩ thế.

Tuy nhiên, bạn nên dành nhiều thời gian cho cháu nếu có thể, vì điều đó cũng đem lại niềm vui cho bạn. Bạn cũng đừng trông chờ con dâu coi mình như mẹ của nó, bởi nó đã có mẹ rồi. Nếu muốn tình mẹ con thân mật, bạn có thể rủ con dâu cùng đi đâu đó, như đến chơi nhà họ hàng hay đi siêu thị chẳng hạn.

Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hoà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang