Học làm pháo hoa trên mạng: Quá nguy hiểm!

author 09:15 16/01/2014

(VietQ.vn)-Với những chất dễ nổ, ngay cả chuyên gia hóa học cũng dễ mắc sơ suất huống hồ những người vì tò mò lại nghịch dại…

GS-TS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) khẳng định như vậy khi nói về vụ nổ khiến 4 sinh viên ĐH Bách Khoa tử vong trong ngày 11/1 vừa qua.

Theo những thông tin tại hiện trường và lời kể của một sinh viên ở chung phòng trọ với các sinh viên bị nạn, bước đầu sở nhận định nguyên nhân gây cháy nổ có thể là do một sinh viên đã mua một số hóa chất lưu huỳnh, magiê... từ chợ Kim Biên về để chế tạo pháo với mục đích khi về quê ăn tết sẽ đốt.

Hiện trường vụ nổ, nơi 4 sinh viên đã tử vong

Đáng nói là sinh viên trên chưa bao giờ có kinh nghiệm khi tiếp xúc với những chất hóa học gây nổ, song đã tự tìm hiểu công thức làm pháo hoa trên mạng để “thử nghiệm”!
Theo tìm hiểu của PV, chỉ cần gõ “cách làm pháo” hoặc “cách làm pháo hoa” trên trang tìm kiếm, ngay lập tức hơn 1 triệu kết quả được ra. Trong đó, thông tin nhiều nhất đều được đưa lên  các diễn đàn giới trẻ, sinh viên, thu hút nhiều thành viên tham gia hưởng ứng.

Từ đây, các bạn trẻ  truyền cho nhau cách làm đủ các loại pháo nổ, pháo hoa, pháo sáng…Không chỉ đưa ra công thức cụ thể mà thành viên của diễn đàn còn tung clip chế pháo để cho mọi người được “mục kích sở thị”. Đâu đó cũng xuất hiện những lời bình mang tính cảnh báo: “không nên học theo” song không thể át được những lời đề nghị làm thử của những cư dân mạng tò mò.

Theo những lời giới thiệu về cách làm pháo hoa thì người làm chỉ cần mua đủ vật liệu với cách làm khá đơn giản. Vật liệu được các bạn chỉ ra từ đất sét, đầu đỏ từ que diêm tới những chất hóa học như: Magie; cacbon; KClO3; Ba(NO3)2; KNO3; Sr(NO3)2;  NaNO3; PbS … Đối với công thức làm pháo hoa, còn kèm theo những cách pha chế các chất hóa học để tạo ra các loại lửa đỏ, lửa tím, lửa vàng…

Bình luận về tác hại của cách thức chế pháo hoa từ những chất hóa học trên, GS-TS Trần Văn Sung phải thốt lên: Đây là một việc cực kỳ nguy hiểm, tuyệt đối không được làm!
GS Sung khẳng định: Những hóa chất trên là những chất gây cháy nổ mạnh, đặc biệt là kaliclorat KClO3 là chất gây nổ cực mạnh. “ Ngay cả những chuyên gia về hóa chất, thuốc nổ nếu làm không cẩn trọng với những  vẫn có thể nổ huống hồ những người không hiểu biết về chất nổ!”, vị GS cho biết.

Ngoài ra, những chất như kalinitrat (KNO3), natrinitrat (NaNO3) hay chì sunfua (PbS)…còn là những chất cực độc, có thể gây ung thư khi hít phải.

Trở về vụ nổ thương tâm, lý giải sức công phá lớn (làm sập cả phòng trọ nơi 4 sinh viên đang thuê trọ),  GS Sung cho rằng với những ai không hiểu về hóa chất dễ cháy nổ lại sử dụng chúng thì hậu quả xảy ra như vụ việc trên cũng là điều dễ hiểu.

Về những công thức làm pháo hoa trên mạng, GS Sung cho biết  đây chính là những công thức gây nổ, sức nổ tùy thuộc vào lượng hóa chất. Lượng hóa chất càng lớn, sức công phá càng mạnh. Cụ thể, với chất Kaliclorat thì  chỉ cần một lượng khoảng trăm gram  là sức công phá đã bằng một quả bom mìn!“

Ngay lập tức, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét cấm  phổ biến dưới mọi hình thức công thức chế tạo pháo, bởi một khi được lan truyền rộng như vậy, vô hình chung đã khuyến khích những người trẻ, tò mò  làm thử trong khi pháp luật đang cấm sản xuất, chứa chất pháo dưới mọi hình thức”, GS Sung đề xuất.

Cuối cùng, vị chuyên gia nhắn gửi lời khuyên tới các bạn trẻ, là hãy   tránh xa công thức chế tạo chất nổ nếu muốn an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh, bằng  không chính các bạn sẽ tự chuốc lấy hậu quả tai hại…

Nhà nước là cấm pha chế các hóa chất để làm pháo, thuốc nổ trong khu dân cư. Vì vậy, việc mang hóa chất dễ cháy nổ về nơi cư trú là vi phạm Luật phòng cháy chữa cháy và quá liều lĩnh. Đây là những chất thuộc diện phải quản lý của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Người dân không được tự ý mua về trong khu dân cư.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang