Học sinh ngày càng chán học Văn?

author 07:17 15/04/2014

(VietQ.vn) - Có học trò chán môn Văn, môn Sử, và con số đó ngày càng nhiều lên thì phải. Gần đây, lại có người than, nếu không phải là môn bắt buộc phải thi tốt nghiệp thì học sinh cũng sẽ quay lưng với môn Văn còn hơn môn Sử. Cái sự chán Văn này xem ra ngày càng phát triển.

Chuyện học Văn thời xưa

Thời xưa ít có học trò chán học, vì muốn đi học khó lắm, ít trường lớp, ở nông thôn, đi học là mất một người lao động, dồn gánh nặng lên vai cha mẹ, anh chị em...Bé thì ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, lớn thì cày, bừa, cấy, hái…

Cho nên, những đứa còn đi học thường đều chăm chỉ, ham học. Ham học nên đi học một buổi, lao động một buổi, tối vẫn chong ngọn đèn dầu học bài, làm bài. Những đứa nhà xa trường, buổi sớm, chưa rõ mặt người đã đi bộ tới trường có khi hàng chục cây số, mùa rét, quần áo không đủ, phải vừa đi vừa chạy cho ấm người. Buổi trưa, tan học phải khoảng 1, 2 giờ mới về tới nhà. Ăn nhoáng nhoàng bát cơm đã nguội ngắt rồi lại ra đồng.

Học sinh chán học Văn có lỗi một phần của thầy, cô giáo

Học sinh chán học Văn có lỗi một phần của thầy, cô giáo

Ở thành phố có đỡ hơn vì đi học gần, chỉ có gia đình khá giả con cái mới được chuyên tâm chuyện học hành. Còn nói chung, đều phải làm việc nhà, phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Cùng lớp, cùng trường với tôi hồi phổ thông còn có nhiều bạn ngoài giờ đi học, phải bán kem, bán lạc rang, bán báo, và làm bao việc khác ….Không ham học sao chịu nổi cảnh ấy!


Ít người chán, chỉ có người sợ. Nhưng thường là sợ Toán, sợ Lý chứ không mấy ai sợ Văn. Giờ Văn, thầy giảng, đọc bao nhiêu là văn thơ, kể biết bao chuyện cổ kim, đông tây, đưa ta đến biết bao điều kỳ thú… nên thường chỉ có người mê và không mê.

Nhưng dần, có học trò chán môn Văn, môn Sử, và con số đó ngày càng nhiều lên thì phải. Gần đây, lại có người than, nếu không phải là môn bắt buộc phải thi tốt nghiệp thì học sinh cũng sẽ quay lưng với môn Văn còn hơn môn Sử. Cái sự chán Văn này xem ra ngày càng phát triển.

Chuyện dạy và học Văn thời nay

Có phần do chương trình, sách giáo khoa. Nhưng so với vài chục năm trước đây, sách giáo khoa môn Văn đã tiến bộ lắm (tất nhiên vẫn còn những điều cần bàn thêm). Lúc ấy, có thầy giáo dạy Văn đã phải bỏ nghề vì “mỗi tháng 13 cân gạo mà dạy toàn những thứ văn chẳng ra văn, thơ chẳng ra thơ”. Điều kiện học hành cũng đầy đủ hơn rất nhiều so với trước. Cũng có nguyên nhân do thời thế, tâm lý “mì ăn liền”, thực dụng khiến con người ta ít quan tâm tới văn chương. Nhưng tôi cho cái quan trọng nhất vẫn là ông thầy. Vì cái văn chương ngoài đời, học trò có chán đâu!

Trước đây, nhất là từ sau hòa bình (1954), đã không hiếm các thầy dạy văn thuộc loại “bất đắc dĩ”. Sau này, trong số thầy dạy Văn không ít người không có say mê với văn chương. Họ dạy Văn chẳng qua do phân công, coi đó là nhiệm vụ cách mạng, chứ chẳng có mấy hứng thú. Hồi tôi mới về một trường, thấy ông tổ trưởng tổ Văn đồng thời là bí thư chi bộ. Dù không phải Đảng viên, nhưng tôi rất nể trọng vì chắc phải là người “vừa hồng vừa chuyên”. Mà chẳng phải mình tôi, ai thoạt biết cũng như vậy. Một hôm, thấy tôi chăm chú đọc cuốn sách khi trống giờ, ông ấy bảo:


- Ông hay đọc sách ghê nhỉ! Mình thì chịu ông ạ. Mấy cái truyện ngắn đăng báo còn đọc được, chứ như mấy cuốn dày cộp thế này thì…ngại lắm!


Tôi ngạc nhiên vô cùng. Sao có điều lạ lùng như thế nhỉ? Tìm hiểu mới biết “ông anh” có học tiểu học thời Pháp, sau đi bộ đội. Hòa bình 1954, để tăng cường cán bộ công nông cho các trường học (nhất là sau cái vụ Nhân văn, Đất mới, …hồi 1956 - 1958) nhiều cán bộ thành phần cốt cán được chọn đi học đại học. Bộ đội thì qua lớp bồi dưỡng văn hóa vài năm, coi như học xong cấp 3 đủ tiêu chuẩn vào đại học. Tất nhiên không dám học Toán Lý Hóa, chỉ học Văn, Sử là những môn có thể dùng quan điểm lập trường bù đắp phần rỗng tuếch trong đầu.


Suốt hơn chục năm dạy cùng, chưa thấy ai được dự giờ xem đồng chí bí thư kiêm tổ trưởng dạy thế nào. Cứ mỗi khi tới dịp thao giảng với dạy tốt tổ trưởng đều cử các thành viên trong tổ “lên đoạn đầu đài”. Đến phần nhận xét, đánh giá, tổ trưởng cũng thường có những lời rất vô thưởng vô phạt, không làm mất lòng ai bao giờ.

Về một trường hợp khác, cùng tổ với tôi là một bà vốn là cán bộ phụ nữ được cử đi học đại học (nghe đâu cũng thành phần cốt cán trưởng thành trong cải cách ruộng đất). Một lần dự giờ mới phát hiện bà ấy không phát âm được vần “ooc”. Gooc-ki thì cứ đọc Goc-ki. Thấy thế, ông hiệu trưởng góp ý “cô phải đọc đọc “Go-rơ-ki””. Tập mãi, cô giáo cũng chỉ đọc được “Go-dơ-ki”. Mà cô giáo lại rất hay nói về nhà văn này. Vì nhà văn cũng xuất thân nghèo khổ, thuở nhỏ phải đi ở. Và cô giáo quyết tâm sẽ noi gương “Go-dơ-ki” học nhiều trường đại học, trong khi mình mới chỉ học được có một trường!” (Ý là nói tới “Những trường đại học của tôi”, bộ ba tự truyện nổi tiếng của nhà văn.)

Hóa ra nói thì nói chứ cô giáo cũng chưa đọc, cứ nghĩ “những trường đại học” là trường thật. Mỗi giờ Văn, học trò thường được nghe giảng về công ơn của chính quyền đã đưa một người cố nông đi ở cho địa chủ trở thành kỹ sư tâm hồn, thành người làm nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý như thế nào, rồi tội ác tày trời của bọn địa chủ cường hào gian ác ra sao… chứ ít khi được nghe nói chuyện văn chương. Thi cử khi ấy tương đối nghiêm túc nên Hiệu trưởng không bao giò dám phân công cô giáo dạy lớp cuối cấp. … May vài năm sau, cô giáo được chuyển về Tỉnh hội phụ nữ.

Học trò phải học những ông thầy bà cô như thế sao không khỏi chán Văn. 

Cái vòng luẩn quẩn

Những năm gần đây, tiếng rằng việc học hành, đào tạo có bài bản hơn nhưng tình hình cũng không khá lên được bao nhiêu. Các thầy “bất đắc dĩ” chắc có phần nhiều thêm (do số lượng các trường phát triển vô tội vạ). Nhiều người thiếu say mê, chẳng hứng thú với văn lại đi dạy Văn. Chẳng qua vì để học Văn, người ta chỉ cần dự thi các môn thuộc khối C, các môn chủ yếu đòi hỏi thuộc lòng hoặc giỏi "ảo thuật”.

Tôi đã gặp không ít các thầy cô than phiền: chưa bao giờ nhìn thấy cuốn Chiến tranh và hòa bình, Kịch Sêch-xpia, … mặt mũi thế nào! Không hiểu vì sao Nguyên Hồng lại gọi tác phẩm của mình là Bỉ vỏ? Những năm 80 trở về trước, sách vở tương đối hiếm, nhất là sách của các nhà văn viết trước cách mạng như của Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng, Ngyên Hồng, … đều cực hiếm, không có lòng say mê không thể tìm nổi. Không ít các tiết dạy Văn, thầy cô giảng bài, nhưng không hấp dẫn được học trò vì giọng nói tẻ nhạt, đơn điệu, cứ nói được vài câu lại phải quật thước xuống bàn, dùng âm thanh rất phản cảm với văn chương để giữ cho người nghe yên lặng. Tổng kết mỗi tiết dạy, không biết âm thanh từ lời giảng và tiếng va chạm của thước trên mặt bàn cái nào nhiều hơn?

Nghe chừng cũng không lạ chất lượng của các thầy dạy Văn nên từ những năm 90, Bộ Giáo dục rất chú ý xuất bản các “sách giáo viên”, một loại sách hướng dẫn giảng dạy, có tác dụng gợi ý cho các thầy cô. Nhưng những loại sách này vẫn đòi hỏi phải động não, phải có chút say mê nên ít được ưa chuộng. Cùng lúc này, trên thị trường bán đầy các loại sách tham khảo, nghĩa là các bài phục vụ nhu cầu “mì ăn liền”, đầy đủ từ mở bài tới kết luận, có dung lượng vừa đủ cho một bài làm trong thời gian 120 hoặc 180 phút. Đối tượng các tác giả loại sách này nhằm tới là học sinh. Thí sinh thi khối C có thể chép nguyên văn mỗi khi làm bài hoặc photo thành phao cứu sinh mang theo vào phòng thi nên sách bán chạy như tôm tươi. Thế là các thầy có được một “vũ khí đắc lực” hỗ trợ. Chẳng còn phải động não, phải nghĩ suy cho mệt óc. Tời giờ lên lớp, các thầy chỉ cần chọn một cuốn sách tham khảo, rồi làm công việc của ông giáo tiểu học đọc chính tả thủng thẳng cho học sinh chép vào vở. Để việc đọc chép đỡ nhàm chán, thỉnh thoảng, tiết học lại được điểm xuyết bằng những lời nhắc nhở: “Anh kia! Không chép à!” hay :”Chị kia! Làm gì thế!”. Một phương pháp mới xuất hiện trong nhà trường xã hội chủ nghĩa: phương pháp đọc chép. Mỗi khi cấp trên kiểm tra, vở học sinh toàn ghi những “lời vàng ý ngọc” này chắc không còn ai chê được thầy nữa! 

Những năm 70 trở về trước, giờ nghỉ giữa hai tiết học thường có những cậu chuyện trao đổi về chuyên môn, về nghiệp vụ. Đây là lúc thầy cô có thể học hỏi, bàn bạc với nhau, giúp nhau nâng cao tay nghề. Nhưng khoảng ba chục năm gần đây thì chủ đề của các cuộc bàn bạc thường là đủ mọi chuyện trừ những câu chuyện liên quan tới nghề nghiệp vì chẳng mấy ai có hứng thú với việc dạy học, cũng không mấy người còn say mê với văn chương. Vẫn có những buổi họp bàn chuyện chuyên môn của tổ, nhóm, sổ biên bản rất đầy đủ không kém gì “vở sạch chữ đẹp” nhưng phần lớn do cá nhân tổ trưởng “sáng tác”. Không có bất cứ một điều gì kích thích người thầy làm việc. Thế là từng cá nhân tự lo liệu. Mà trong nhà trường cũng như các cơ quan nhà nước, phương châm “mi không động đến ta thì ta cũng không động tới mi” được triệt để tuân thủ. Chỉ “chết” học trò.


Một đời người thầy chẳng ra thầy ấy tạo nên sự chán nản cho ba, bốn mươi lớp học trò nối tiếp nhau. Rồi những người nối gót lại là thảm họa cho ba, bốn mươi thế hệ kế tiếp. Cứ thế mà tính, cái vòng luẩn quẩn ấy tiếp diễn tới hơn nửa thế kỷ, học sinh không chán Văn mới là việc lạ.

Không thể gì thay thế được sự say mê của bản thân người thầy. Có say mê mới ham đọc, ham học. Có hứng thú mới thấy mỗi giờ lên lớp là niềm vui, muốn truyền cảm hứng cho học trò. Có vốn kiến thức văn học không ngừng được bổ sung mới hấp dẫn được người nghe ngoài những điều đã có trong sách giáo khoa mà không cần thầy họ cũng biết.

Thiếu thầy có tâm huyết, có say mê, có trách nhiệm và đủ năng lực vẫn mở trường tràn lan để khoe giáo dục phát triển. Chừng nào chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, học trò nước ta còn chán Văn, chán Sử.

Nhà giáo Dương Đình Giao

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang