Học sinh giỏi ngày nay ít thi vào Quân đội

author 09:12 27/02/2013

Những học sinh giỏi, thậm chí đạt giải cao nếu những năm trước đây thi vào HV Kỹ thuật quân sự rất nhiều thì nay đã giảm. Học sinh giỏi quốc gia gần như không đăng ký.

Lời Tòa soạn: Trong khi các phóng viên Giáo dục (đa số chưa hiểu rõ về môi trường quân đội) của các báo đang viết bài “hô hào, khích lệ” thanh niên nhập ngũ thì một hiện tượng trái ngược đang diễn ra, là những người giỏi lại ít thi vào quân đội.

Để có cái nhìn đa chiều, Chất lượng Việt Nam xin được giới thiệu bài viết đăng trên báo Quân đội Nhân dân – tờ báo được coi là “cơ quan ngôn luận” của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Bài báo đăng tháng 6/2012 nhưng đến nay vẫn còn nhiều giá trị thời sự.

Học viên nữ của Học viện Kỹ thuật quân sự, nơi được coi là "cái nôi" đào tạo các trí thức trong Quân đội, nhưng hiện nay cũng gặp khó khăn để thu hút nhân tài. Ảnh: Tiền Phong
Học viên nữ của Học viện Kỹ thuật quân sự, nơi được coi là "cái nôi" đào tạo các trí thức trong Quân đội, nhưng hiện nay cũng gặp khó khăn để thu hút nhân tài. Ảnh: Tiền Phong

QĐND Online – Công tác tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn toàn diện (phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, văn hóa, sức khỏe và độ tuổi phù hợp) phục vụ trong quân đội hiện đang gặp nhiều khó khăn. Sáng 1/6 (năm 2012), Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng đã chủ trì Hội thảo nâng cao chất lượng công tác TSQS.

Cùng dự có Trung tướng Phạm Xuân Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó trưởng ban thứ nhất, Ban TSQS Bộ Quốc phòng, Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Đại biểu các học viện, nhà trường trong quân đội đều về tham dự Hội nghị nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác TSQS

Học sinh giỏi ít thi vào trường quân đội

Tiến hành vào đúng thời điểm các học viện, nhà trường toàn quân đang tích cực làm công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi TSQS năm 2012, hội thảo đã tập trung đánh giá toàn diện kết quả về công tác TSQS trong 2 năm (2010- 2011), đồng thời đề xuất các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng công tác TSQS trong việc lựa chọn, tìm kiếm người tài phục vụ quân đội.

Tuy công tác TSQS hai năm qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành nghiêm quy chế của Nhà nước và quy định của BQP nhưng những năm gần đây, một số trường số lượng đăng ký dự thi (ĐKDT) có xu thế giảm xuống.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Tỉnh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban TSQS BQP đánh giá: trong tuyển sinh đại học, qua khảo sát 18 trường (2.166 lượt cán bộ, giảng viên, học viên tham gia), vẫn còn 10,06% lượt người có ý kiến phần sơ tuyển ĐKDT và khám sức khỏe ở địa phương còn biểu hiện tiêu cực. Hàng năm vẫn có những thí sinh không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, địa phương vẫn làm thủ tục cho ĐKDT; 1,15% lượt người trả lời còn biểu hiện tiêu cực trong chấm thi…

Mặt khác, số thí sinh có năng lực học tập loại giỏi trở lên tham gia TSQS chiếm tỉ lệ không nhiều; có một số đơn vị quân nhân dự thi không đạt được chỉ tiêu, chất lượng thấp – Đại tá Lê Trọng Bình, Trưởng phòng Đào tạo, Cục Cán bộ TCCT nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị cho rằng: trường tuy mới thực hiện công tác tuyển sinh được 2 năm nhưng thấy rằng phần lớn thí sinh có học lực khá giỏi không muốn thi vào các học viện, nhà trường trong quân đội đào tạo bậc đại học, cao đẳng.

Những học sinh giỏi, thậm chí đạt giải cao nếu những năm trước đây thi vào HV Kỹ thuật quân sự rất nhiều thì nay đã giảm. Học sinh giỏi quốc gia gần như không đăng ký. Bên cạnh đó, việc công bố kết quả thi tuyển các trường trong quân đội chậm hơn các trường dân sự khiến trường quân đội mất đi cơ hội tuyển sinh những thí sinh có chất lượng, học lực tốt – Trung tướng, GS, TSKH Phạm Thế Long, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết.

Các đại biểu thống nhất nhận định đối tượng, chất lượng tuyển sinh vào các nhà trường quân đội thấp hơn những năm trước.

Tìm sức hút cho trường quân đội

Bên cạnh việc thảo luận về việc siết chặt kỷ luật phòng thi, chặt chẽ trong sơ tuyển, không để lọt những đối tượng không đủ phẩm chất vào hàng ngũ quân đội, Hội thảo còn tập trung tìm giải pháp thu hút người tài, có năng lực vào quân đội.

Nguyên nhân dễ nhận thấy cho việc các trường quân đội chưa có sức hút đối với người tài những năm tuyển sinh vừa qua là do cơ chế chính sách đãi ngộ, cơ hội phát triển nghề nghiệp không hấp dẫn thí sinh. Cơ hội phát triển tương lai của những đối tượng này như thế nào vẫn là câu hỏi được nhiều thí sinh băn khoăn trước khi lựa chọn vào các trường quân đội.

Trung tướng Trần Quốc Phú, Hiệu trưởng Trường Đại học Trần Quốc Tuấn cho rằng: đây là vấn đề liên quan đến nhiều lực lượng, nhiều bộ phận, trong đó công tác tuyên truyền hướng nghiệp rất quan trọng. Mọi công việc liên quan đến nhiệm vụ tuyển sinh đều phải bàn bạc minh bạch, công khai, dân chủ; phát huy vai trò tham mưu đúng, trúng và hiệu quả của cơ quan chuyên môn làm công tác TSQS.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh cho biết: trị trước đây Trường Đại học Chính tuyển sinh chủ yếu từ số quân nhân do Cục Cán bộ phân phối chỉ tiêu. Năm nay BQP cho phép các trường này tuyển sinh từ các đối tượng tốt nghiệp THPT (khối A và C). Vì vậy việc triển khai tuyên truyền thu hút hướng nghiệp tại các trường ở các vùng miền về dự thi được chú trọng.

Cụ thể, trường đã đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, mở trang tuyển sinh trên mạng. Kết quả đã thu hút 2.318 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 549 quân nhân, 1.769 thí sinh tốt nghiệp THPT. Khối C năm nay có tỉ lệ chọi 1/10, như vậy cơ hội lựa chọn thí sinh giỏi, có trình độ lớn hơn rất nhiều.

Điều đó cho thấy, nếu công tác tuyên truyền hướng nghiệp của nhà trường, BQP, Ban TSQS các địa phương thực hiện tốt vai trò thì kế hoạch thu hút thí sinh có trình độ sẽ khả quan.

Các đại biểu dự hội nghị cũng nhấn mạnh yếu tố thu hút thí sinh ĐKDT vào trường chính là ngành nghề, chất lượng đào tạo, vị thế uy tín của nhà trường. Không chỉ làm công tác hướng nghiệp, mỗi nhà trường cần nhấn mạnh ngành nghề đào tạo có thể phục vụ trong quân đội và phục vụ được cả trong lĩnh vực dân sự… Điều đó tạo ra hứng thú, thu hút thanh niên quan tâm.

Trung tướng Phạm Thế Long cho rằng: cần nghiên cứu chuẩn hóa nền học vấn cho đội ngũ sĩ quan, để họ có thể hội nhập với bên ngoài. Những kiến thức học được không chỉ phục vụ trong các trường quân đội mà ngay cả khi họ thôi không phục vụ trong quân đội, vẫn có thể tìm việc ở các cơ quan bên ngoài. Như vậy, sức hấp dẫn của các trường quân đội sẽ cao hơn.

Ngoài việc tìm ra cơ chế, chính sách, Hội nghị cũng xác định Ban TSQS ở địa phương có vai trò quan trọng. Công tác sơ tuyển này hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Việc tuyên truyền, giải thích, giới thiệu cho thí sinh một số nơi vẫn sơ sài. Đã có trường hợp thí sinh đạt tiêu chuẩn dự thi nhưng bị loại từ vòng sơ tuyển do sai sót, không tận tình hướng dẫn của Ban tuyển sinh địa phương…

Tăng chỉ tiêu đào tạo chính quy, giảm đào tạo ngắn hạn

24 tham luận gửi về hội thảo đã đi sâu phân tích về cơ sở lý luận, thực tiễn, đề xuất nhiều nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng TSQS; nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách để thu hút ngày càng nhiều thí sinh có trình độ khá, giỏi, học sinh giỏi quốc gia và quốc tế vào đào tạo trong các trường quân đội.

Kết luận hội thảo Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, khẳng định: mục tiêu của công tác TSQS trong những năm tới, tuyển sinh đào tạo đủ số lượng, nâng cao chất lượng tuyển chọn; tăng chỉ tiêu đào tạo các loại hình cơ bản dài hạn, chính quy, giảm các loại hình đào tạo ngắn hạn; đẩy mạnh công tác tạo nguồn đào tạo sau đại học. Chủ động đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển sinh ở tất cả các khâu, từ tuyên truyền hướng nghiệp, tạo nguồn và bồi dưỡng nguồn, tổ chức sơ tuyển, thi tuyển,.. đến kiểm tra, thanh tra công tác tuyển sinh. Kiên quyết phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong thi tuyển sinh...

Theo báo Quân đội Nhân dân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang