Học sinh "trúng tủ" đề địa về biển Đông

author 14:44 09/07/2013

(VietQ.vn) - Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, sáng nay, trong buổi thi đầu tiên của đợt 2, trên phạm vi cả nước, có 22 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 2 trường hợp và đình chỉ 20 trường hợp; không có cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật.

20 thí sinh bị đình chỉ trong buổi thi đầu tiên đợt 2

Các thí sinh bị đình chỉ do hành vi mang tài liệu trái phép, mang điện thoại vào phòng thi. 

Số thí sinh đăng ký thi ĐH đợt 2 khối B, C, D là 612.237/829.862 thí sinh đăng ký dự thi (đạt 73,78%), ở 24.407 phòng thi tại 1.050 điểm thi trên cả nước. Số cán bộ làm công tác tuyển sinh được huy động cho đợt II này là 69.468 người.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các đoàn thanh tra thực hiện đúng theo quy chế, đặc biệt lưu ý những lỗi mà đợt 1 đã xảy ra như mang điện thoại di động vào phòng thi.

Đã có 20 trường hợp thí sinh bị đình chỉ trong buổi thi đầu tiên đợt 2
Đã có 20 trường hợp thí sinh bị đình chỉ trong buổi thi đầu tiên đợt 2

Việc thi hộ tuy không nhiều nhưng đã phát sinh trong đợt 1 nên Bộ sẽ đặc biệt quan tâm và kiểm soát hiện tượng đó bằng nhiều cách, trong đó, cách đối chiếu ảnh theo đúng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy quy định tại Điều 23, 24 sẽ là bước phát hiện ban đầu.

Tại TP.HCM, theo thầy Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, trong buổi sáng thi môn toán, giám thị coi thi đã phát hiện 2 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Ngay sau đó, 2 thí sinh này đã bị đình chỉ thi.

Ghi nhận tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong buổi sáng 9/7 cũng có 2 trường hợp đặc biệt. Đó là trường hợp em Trương Yến Nhi bị mất giấy tờ nên Hội đồng tuyển sinh đã cho làm đơn và xét cho thi kịp giờ.

Đáng tiếc hơn là trường hợp thí sinh Nguyễn Thị Kim Nhung đến trễ 40 phút nên không được vào thi. Tuy nhiên, Hội đồng tuyển sinh đã xét nguyện vọng và chấp nhận cho em thi Cao đẳng vào đợt 3, ngày 14 – 16/7 tới.

Dự thi vào ĐH Nông lâm TPHCM, ở cụm thi Quy Nhơn, thí sinh Đ.T.M.T. thi ở phòng 22, điểm thi số 30 đang thi giữa chừng thì bị ngất xỉu không thể thi tiếp. Dù được đưa xuống phòng y tế tại hội đồng thi cấp cứu nhưng em này vẫn chưa tỉnh. Hội đồng thi đã đưa em này đi bệnh viện cấp cứu dưới sự giám sát của công an và cán bộ y tế. Theo quy định thì thí sinh này bị cách ly đến hết giờ thi.

Ngoài ra, tại nhiều điểm thi khác, do các môn thi bị đảo ngược nên nhiều thí sinh không chú ý và đã quên không mang theo máy tính, thước kẻ và quên không mang theo giấy tờ. Đồng thời, vẫn có nhiều thí sinh đi trễ nhưng do không vượt quá thời gian quy định nên vẫn được dự thi.

Biển Đông lại xuất hiện trong đề Địa lý

Nhiều thí sinh đánh giá đề Địa lý năm nay không quá khó và vừa sức với thí sinh.

Đánh giá câu hai khi đề bài yêu cầu trình bày về khai thác tài nguyên khoáng sản ở vùng biển nước ta, cũng như lý do các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh vùng biển, thí sinh Đoàn Ngọc Luýt (quê Đà Nẵng, dự thi tại điểm THCS Lê Độ) nói: “Câu hỏi này thực ra không quá khó vì đã có trong chương trình học. Em đã nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bài làm của mình”.

Thí sinh Hồ Thị Phương (thi ngành Báo chí, ĐH Đà Nẵng) cũng cho rằng tuy mất gần 30 phút hoàn thành câu hỏi này nhưng với những thí sinh học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa đều có thể làm tốt. “Chúng em đều biết đảo và quần đảo là hệ thống tiền tiêu để nước ta tiến ra đại dương, do đó cần có sự liên kết giữa các đảo, quần đảo trong việc phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh”, Phương nói và cho biết do đề không yêu cầu nêu chi tiết các quần đảo nên em chỉ trình bày một cách chung chung.

Một số thí sinh khác thì vui mừng vì đã 'học trúng tủ'. Thu Trang thi vào Học viện Báo chí cho biết, vì biển Đông đang nóng nên em đã tập trung ôn nội dung này. Đề thi có hai câu hỏi trong tổng số 4 câu nhắc đến biển đảo, em rất tự tin.

Thí sinh Dương Thị Yến (Bắc Giang) cũng cho rằng xu hướng đề mở khiến em rất hào hứng. Dù chưa được thầy cô xem trước ở nhà, nhưng Yến tin với những lập luận về chủ quyền biển đảo, em sẽ được điểm cao.

Nhiều đánh giá về đề thi Toán

Một thí sinh thi khối B cho biết đề Toán năm nay không quá khó. Với môn Toán khối D, một số thí sinh nhận định là hơi khó.

Nụ cười rạnh rỡ của một số thí sinh sau khi kết thúc môn thi Toán khối B
Nụ cười rạnh rỡ của một số thí sinh sau khi kết thúc môn thi Toán khối B

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Phú Vinh, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đề toán khối B năm nay có độ phức tạp nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Ở phần tự chọn, học sinh sẽ khó làm bài được ở phần chương trình chuẩn vì cũng giống như đề khối A, không có câu số phức mà thay bằng câu xác suất. Nội dung về xác suất học sinh học chương trình chuẩn ít được luyện tập. Vì vậy, học sinh học chương trình chuẩn phải chọn câu nâng cao, nội dung câu nâng cao mới đúng là phù hợp với chương trình chuẩn.

Theo truyền thống, câu 6 là câu khó nhất. Đây là câu tìm giá trị lớn nhất không có ràng buộc, khác với mọi năm, thường là có ràng buộc. Câu khó thứ hai là câu 3 (giải hệ phương trình bậc hai). Nhìn chung, đề có tính phân loại học sinh cao. Chương trình chuẩn và chương trình nâng cao hoán đổi cho nhau; lẽ ra đề phần chuẩn phải nhẹ hơn phần nâng cao nhưng đề lại ra ngược lại.

Với đề thi toán khối B, học sinh trung bình đạt khoảng 5 điểm; học sinh khá đạt 7-8 điểm (vì có thể không làm được câu 6 và câu 3); học sinh giỏi có thể đạt 9-10 điểm.

Một thí sinh thi khối D, dự thi vào trường ĐH Đà Nẵng tại Hội đồng thi Lê Thị Hồng Gấm đã dán công thức lượng giác vào máy tính và mang vào phòng thi môn Toán. Dấu hiệu gian lận này đã bị giám thị phát hiện và lập biên bản kỷ luật đình chỉ thi ngay.

Thanh Thu (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang