Học viện Bưu chính Viễn thông phản đối thông tin ‘tuyển sinh vô tội vạ’

author 05:23 17/08/2016

(VietQ.vn) - Học viện Bưu chính Viễn thông bị phản ánh tuyển sinh vượt thêm hàng nghìn chỉ tiêu khiến cho đơn vị này rơi vào tình trạng quá tải vì thiếu giảng viên.

Sự kiện: Tuyển sinh 2018

Giảng viên nhưng không dạy?

Vừa qua rộ lên thông tin cho rằng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có quá ít giảng viên nhưng hàng năm đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh khiến cho chất lượng đào tạo của nhà trường bị ảnh hưởng.

Học viện khẳng định thông tin trường tuyển sinh vô tội vạ là không chính xác

Theo phản ánh, trong hồ sơ quản lý của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thì tổng lao động toàn Học viện (bao gồm cả cơ sở tại TP HCM) đến tháng 12 năm 2015 có 768 người. Trong số đó lao động biên chế và lao động có hợp đồng 1 năm trở lên có 719 người, lao động hợp đồng vụ việc, không thuộc biên chế 49 người.

Trong số 768 người trên thì Quản lý là 234 lao động, giảng viên 265 lao động, trong đó có 39 giảng viên đang ở nước ngoài dài hạn không tham gia giảng dạy, các cán bộ kỹ thuật viên hướng dẫn thực hành, cán bộ làm phục vụ tại các phòng thực hành …

Chính vì con số trên nên nhiều người thắc mắc tại trường có rất nhiều lao động đứng chức danh Giảng viên nhưng không về tham gia giảng dạy, hoặc có tham gia nhưng khối lượng giảng dạy rất ít, không đáp ứng đủ quy định của Bộ GD&ĐT.

Bởi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT có hiệu lực áp dụng từ ngày 25/03/2015 thì các giảng viên đang ở nước ngoài dài hạn, các nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu thuộc Học viên không được giao nhiệm vụ giảng dạy chính quy, không đủ số giờ đứng lớp đạt 50% số giờ chuẩn sẽ không được tính để xác định quy mô đào tạo của Học viện.

Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011 của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cũng quy định: Số sinh viên chính quy tính trên 01 giảng viên được quy định tối đa là 25 sinh viên/giảng viên quy đổi.

Như vậy, nếu tính cả đội ngũ hướng dẫn, phục vụ thực hành là giảng viên hữu cơ thì toàn Học viện hiện có 226 Giảng viên (tương đương 263 giảng viên quy đổi).

Số lượng sinh viên “khủng”?

Đối chiếu số liệu thống kê của Học viện công bố, tổng quy mô đào tạo các hệ chính quy của Học viện tính đến ngày 15/9/2015 là 15.386 sinh viên, đến ngày 31/12/2015 là 14.485 học sinh sinh viên (Trong đó Tiến sỹ 69, Thạc sỹ 518, Đại học chính quy 11.979, Cao đẳng chính quy 1.403, Liên thông chính quy 515). Như vậy, theo số lượng đội ngũ giảng viên có thực đến hết tháng 12/2015 thì quy chiếu 14.485 sinh viên chính quy trên 263 giảng viên sẽ quy đổi bằng 220% mức tối đa so với quy định cho phép của Bộ GD&ĐT về số lượng sinh viên trên một giảng viên.

Cũng theo phản ánh, năm 2015, quy mô đào tạo chính quy của Học viện bị cho đã vượt cao hơn gần 8.000 sinh viên chính quy. Việc vượt thêm này đã dấy lên nghi ngờ Học viện thu được rất nhiều tiền từ chi phí đào tạo (học phí bình quân mỗi học viên là 10 triệu đồng/năm).

Để hợp thức hoá số lượng giảng viên phù hợp với quy mô đào tạo mà Học viện đã trót tuyển, cuối năm 2015, Học viện đã tổ chức hàng loạt các đợt tuyển dụng, nhận về hàng chục giảng viên, tổ chức xếp chuyển ngạch bậc lương sang Giảng viên và bố trí tham gia giảng dạy chính quy cho một loạt cán bộ quản lý phục vụ để gia tăng thêm số lượng giảng viên. Tuy nhiên, mặc dù đã "vận dụng" hết khả năng, tổng số lượng cán bộ giảng dạy của Học viện đến hết năm 2015 cũng mới chỉ đạt khoảng 50% so với Quy định của Nhà nước.

Phản hồi của Học viện Bưu chính Viễn thông

Trước thông tin giảng viên ít, sinh viên thì đông, trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông Đoàn Hiếu - phó chánh văn phòng Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết con số hơn 200 người tham gia giảng dạy là chưa chính xác.

Ông Hiếu thông tin, hiện nhà trường có khoảng hơn 500 giảng viên quy đổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm nhà trường cũng báo cáo Bộ Giáo dục về số lượng giảng viên cơ hữu của Học viện. Về số lượng chỉ tiêu Bộ Giáo dục giao cho Học viện hàng năm, ông Hiếu cho biết gần như không có nhiều biến động, trung bình mỗi năm khoảng gần 3.000 chỉ tiêu.

“Tôi nói vậy để chứng minh là không có chuyện tăng hay giảm đột biến số lượng sinh viên như một số báo phản ánh”, ông Hiếu quả quyết.

Trước thông tin có nhiều người là giảng viên nhưng không tham gia giảng dạy, ông Hiếu giải thích: “Học viện được hợp nhất từ 3 viện nghiên cứu và 1 trung tâm đào tạo nên trong học viện có nhiều chức danh. Có 3 nhóm đều được xác định là giảng viên cơ hữu có tham gia giảng dạy thực sự, trong đó nhóm chính là giảng viên khoảng hơn 200 người, một nhóm là nghiên cứu viên cũng tham gia giảng dạy”.

“Một trường có những hơn 800 cán bộ mà lại chỉ có hơn 200 người tham gia giảng dạy là hết sức vô lí. Thế khác nào bảo hơn 200 người đó nuôi 600 người còn lại”, ông Hiếu phán ứng.

VIẾT CƯỜNG

Vụ mất nửa tỉ đồng trong tài khoản Vietcombank: Bên nào chịu trách nhiệm?(VietQ.vn) - Vụ khách hàng bị mất nửa tỉ đồng trong tài khoản Vietcombank cho dù không giao dịch, số tiền bị mất ai sẽ chịu đang được nhiều người quan tâm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang