Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp nhà nước phải có ít nhất 6 nhà khoa học

author 11:09 27/12/2013

(VietQ.vn) – Dự kiến, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước phải có 9 chuyên gia, trong đó có 6 nhà khoa học là Tiến sĩ hoặc Phó Giáo sư trở lên...

Bộ KHCN đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Theo đó, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu và Tổ chuyên gia (nếu có) do Thủ trưởng Cơ quan phê duyệt nhiệm vụ quyết định thành lập trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Hội đồng nghiệm thu phải có 6 nhà khoa học giỏi

Hội đồng nghiệm thu phải có 6 nhà khoa học giỏi

Cơ cấu Hội đồng đánh giá, nghiệm thu có 09 thành viên bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, 02 ủy viên phản biện và các ủy viên hội đồng, trong đó: 06 thành viên là chuyên gia KHCN; 03 thành viên là chuyên gia đại diện cho cơ quan phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức có khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu, cơ quan tài chính, cơ quan đề xuất đặt hàng.

Các chuyên gia KHCN được lấy từ cơ sở dữ liệu chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẵn sàng tham gia hội đồng đánh giá, nghiệm thu với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan; có học vị Tiến sỹ hoặc học hàm từ Phó giáo sư trở, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ.

Việc đánh giá phải tuân thủ các nguyên tắc: căn cứ vào đặt hàng của Cơ quan phê duyệt nhiệm vụ, hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công bằng, trung thực và chính xác; đảm bảo và tôn trọng ý kiến giải trình của chủ nhiệm và tổ chức chủ trì đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ trước kết luận đánh giá của Hội đồng.

Kinh phí đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ lấy từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm được giao dự toán về đơn vị quản lý kinh phí của nhiệm vụ.

Ngoài Hội đồng nghiệm thu, Thủ trưởng Cơ quan phê duyệt nhiệm vụ mời 02 chuyên gia và hoặc 02  tổ chức tư vấn độc lập đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua tài liệu bảo mật. Ý kiến của các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập là căn cứ bổ sung để Thủ trưởng Cơ quan phê duyệt nhiệm vụ đưa ra các kết luận chính xác, phù hợp trước khi quyết định nghiệm thu.

Chuyên gia tư vấn độc lập là người có năng lực và kinh nghiệm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN và am hiểu về lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ, thuộc một trong các lĩnh vực KHCN, kinh tế, quản lý và thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong thời gian được mời tư vấn độc lập không tiết lộ thông tin về nhiệm vụ tư vấn độc lập của mình; không tiếp xúc, trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với chủ nhiệm, tổ chức chủ trì và các tổ chức, cá nhân khác về các vấn đề có liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nếu cần thông tin phục vụ đánh giá phải liên hệ với cơ quan phê duyệt nhiệm vụ để được cung cấp.

Tổ chức tư vấn độc lập là tổ chức, doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN; có kinh nghiệm trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ hoặc sản xuất sản phẩm tương đương sản phẩm của nhiệm vụ; có đội ngũ cán bộ có trình độ cao về lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ. Ưu tiên tổ chức, doanh nghiệp đã chủ trì thành công các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia;

Trong thời gian được mời tư vấn độc lập không tiết lộ thông tin về nhiệm vụ tư vấn độc lập của mình; không tiếp xúc, trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với chủ nhiệm, tổ chức chủ trì và các tổ chức, cá nhân khác về các vấn đề có liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nếu cần thông tin phục vụ đánh giá phải liên hệ với cơ quan phê duyệt nhiệm vụ để được cung cấp.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang