Hối lộ 80 triệu Yen: vượt quyền thành “Bộ Đường sắt“ độc quyền

author 14:35 25/03/2014

(VietQ.vn) - TS. Trần Đình Bá cho rằng, đây cũng là giá phải trả cho cơ chế quan liêu bao cấp, xin cho vốn tồn tại bấy lâu. “Đúng như Bộ trưởng GT-VT đã cảnh báo: Tổng công ty ĐSVN (VNR) đã vượt quyền trở thành một “Bộ Đường sắt“ độc quyền".

Tiến sỹ Trần Đình Bá (ảnh), Hội Kinh tế & Vận tải Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), người luôn tâm huyết về vấn đề giao thông đường sắt đã nhận định như vậy.

Theo TS. Trần Đình Bá, không phải ngẫu nhiên mà Báo Nhật lại đưa tin ông Tamio Kakinuma, chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước VN, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.

Dù Chính phủ Nhật và Cơ quan hợp tác JICA chưa có thông báo chính thức cho VN song nguồn tin này là đáng tin cậy vì không thể không có mà tự nhận làm tổn thương uy tín một tập đoàn tư vấn giao thông (JTC).

“Ngay sau tin “hot“ này Bộ trưởng GTVT cũng đã có phiên họp khẩn và quyết định tạm dừng công việc của những người liên quan và yêu cầu giải trình. Điều đó càng khẳng định sự thật nghiêm trọng của vấn đề”, ông Bá nói.

Đồ họa trên báo Nhật về vụ hối lộ của Tập đoàn JTC

Nhìn từ phía đường sắt Việt Nam, TS. Trần Đình Bá cho rằng, đây cũng là giá phải trả cho cơ chế quan liêu bao cấp, xin cho vốn tồn tại bấy lâu. “Đúng như  Bộ trưởng GT-VT đã cảnh báo:  Tổng công ty ĐSVN (VNR) đã vượt quyền trở thành một “Bộ Đường sắt“ độc quyền, ôm tất cả các siêu dự án đường sắt đô thị ,tàu điện ngầm…và cả đường sắt quốc gia. Từ 2000 đến nay với rất nhiều dự án như: Đường sắt cao tốc  Bắc- Nam, Dự án đường sắt cao tốc  Hà Nội - Vinh , TP HCM – Nha Trang và hàng chục dự án đường sắt đô thị ngầm, tàu điện mặt đất, trên không… nhưng đến nay chưa được một milimet nào cả! Để xảy ra trì trệ, tham những, bê bối, tiêu cực là tất yếu“, TS Trần Đình Bá phân tích.

Theo vị chuyên gia này, thực trạng lãng phí đầu tư công trong ngành giao thông vận tải đang là lỗ thủng lớn nhất, là “con nghiện“ của nền kinh tế quốc dân, làm tăng vọt nợ công quốc gia.

Từ đây, ông cho rằng để lập lại trật tự trong giao thông vận tải nói chung và ngành đường sắt nói riêng cần phải cải cách thể chế, xóa bỏ độc quyền, thực hiện dân chủ theo Thông điệp 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trở lại vụ tập đoàn tư vấn giao thông (JTC) hối lộ 80 triệu yen cho quan chức cấp cao trong ngành đường sắt Việt Nam, TS Trần Đình Bá phân tích: “Việc xảy ra vừa qua do Tư vấn JTC móc nối với các quan chức VNR và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của mỗi nước. Còn viện trợ ODA cho VN thì sẽ như đã cam kết giữa hai Chính phủ”.

Qua vụ việc trên, TS Trần Đình Bá cho rằng bài học của cả hai phía Việt Nam - Nhật Bản là làm sao các dự án sử dụng vốn ODA của người cho vay và người nhận phải thiết thực và khả thi mang về lợi ích. “Không nên “vẽ” ra quá nhiều siêu dự án Đường sắt , Sân Bay , Cảng biển … viễn vông gây siêu lãng phí cho nợ công và nợ nước ngoài  của Việt Nam, càng không nên biến tướng các siêu dự án BOT, PPP như đã cam kết thành dự án ODA gây bất lợi và mất lòng tin giữa hai Chính phủ!”, TS Trần Đình Bá nói.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang