Hối lộ quan chức phổ biến nhất, tiền khủng nhất là gì?

author 15:35 05/11/2014

"Hối lộ phổ biến nhất hiện nay là chạy chức chạy quyền. Mà cái này thì gần như không ai dám nói đâu, tới tiền tỷ đấy...", ông Phan Văn Độ nói.

 

Tố cáo kiểu hòa cả làng

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga mới đây đã đề xuất miễn trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ. Theo bà Nga, khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì phải có những giải pháp tương ứng để xử lý quốc nạn ấy. Nhưng hiện nay chúng ta đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ đồng thời xử lý người đưa hối lộ. Người đưa hối lộ nếu tố cáo thì sẽ đồng thời tố cáo chính mình nên việc phát hiện tham nhũng không cao. Ông nghĩ thế nào về tác động của giải pháp này?

Đó là giải pháp đáng để chúng ta suy nghĩ cái được và khắc phục chưa được để áp dụng. Chứ bây giờ tôi thấy nhiều khi chúng ta áp dụng quá máy móc, thành ra "hòa cả làng". Rồi nhiều người biết có tham nhũng, có hội lộ do người ta ở trong cuộc nhưng không dám tố giác vì sợ mình cũng bị xử lý. Có quy định này thì người ta sẽ mạnh dạn tố giác. Nhưng cũng phải đề phòng có những kẻ xấu dùng cách này để bôi nhọ người tốt. Cách này thì chắc là cũng ít thôi.
- Giữa được và mất thì cái nào nhiều hơn nếu áp dụng cách này?

Tôi nghĩ là được nhiều hơn. Ví dụ như ông A xin cho con ông vào một cơ quan nào đó. Mà cả xã hội bây giờ muốn xin được vào vị trí đó thì phải "chạy", phải tiền. Giờ mà tố giác thì hỏng cả việc của mình, nên người ta cũng ngại lắm. Giờ người ta tố giác mà không bị truy cứu, người ta sẽ dễ dàng làm hơn, người nhận hối lộ cũng cảm thấy "chờn" hơn. Thực tế cuộc sống, người ta không muốn làm nhiều thứ đâu nhưng người ta vẫn phải làm.

- Thì có ai muốn đưa hối lộ đâu, chỉ vì nếu không đưa thì không được việc, nên người ta mới phải làm thế?

Đúng vậy, ví dụ như xin vào chỗ nọ chỗ kia, ai cũng làm thế thì mình cũng phải làm như thế thôi.

- Theo ông thì người đi đưa hối lộ có muốn tố cáo không?

Về bản chất thì người đưa hối lộ cũng có mục đích của họ, đã đưa thì người ta không tố cáo đâu. Đa phần các vụ việc được phát hiện là do người thứ 3 biết việc đó và họ tố cáo. Người nào đưa hối lộ cũng mong muốn cho được việc của mình. Trường hợp mất tiền mà không được việc, nghĩa là khi đã bị dồn đến đường cùng thì người ta mới tố cáo thôi.

 

Ông Phan Văn Độ, Phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Ít người dám nói ra "chạy chức chạy quyền"

- Ông nhìn nhận thế nào về những vụ việc tố cáo tham nhũng?


 

Hối lộ có nhiều loại, ví dụ như chạy chức chạy quyền, chạy việc, chạy dự án... Thường những vụ việc liên quan đến cái chung thì người ta mới bức xúc, chứ nếu là vấn đề liên quan đến cá nhân thì người ta thường ỉm đi cho qua. Nhiều người chấp nhận ngậm quả đắng vì nếu phanh phui ra thì chính mình cũng bị liên đới. Dù không bị xử lý hình sự thì cơ quan, tổ chức, công đoàn, dân phố... cũng sẽ có nhìn nhận, đánh giá không hay, thậm chí ảnh hưởng đến sự nghiệp, công việc. Đa phần tố cáo tham nhũng vì nhìn thấy những bất bình, thấy rằng sự việc nó mười mười thế mà cán bộ làm tiền, ăn chặn, cố tình làm sai chứ ít vụ việc xuất phát từ việc người đưa hối lộ tố cáo.


- Lĩnh vực tham nhũng nào mà người đưa hối lộ ít nói ra nhất?

 

Phổ biến nhất hiện nay là chạy chức chạy quyền. Mà cái này thì gần như không ai dám nói đâu, mà số tiền không nhỏ đâu, thậm chí là tiền tỷ đấy. Họ không nói ra cũng là dễ hiểu là bởi vì nó liên quan đến quyền lợi của hai bên.


- Nếu quy định miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ thì người ta có dám nói không?

 

Cũng chưa chắc là người ta dám nói hơn đâu. Nhiều người lo lắng rằng nếu quy định như thế thì người đưa hối lộ sẽ "vô lo", thế là họ sẽ tích cực đưa hối lộ, nếu không được việc của tôi thì ông chết với tôi. Còn người nhận thì sẽ có nhiều cơ hội nhận hơn. Nhưng tôi nghĩ là không phải thế đâu. Khi đã quy định rõ ràng như thế thì người ta sẽ phải cẩn trọng hơn, sợ hơn, cảnh giác hơn và có thể là tinh vi hơn vì nếu nhận thì có thể sẽ tiêu tan tất cả sự nghiệp, thậm chí rơi vào vòng lao lý.


- Nhưng cũng có người bảo nếu "đánh đồng" người đưa và nhận hối lộ thì khó mà chống được tham nhũng, người ta sẽ rụt rè?

 

Nếu xã hội lành mạnh, đấu tranh tiêu cực rất mạnh mẽ thì việc xử lý cả hai bên là hợp lý. Nhưng chúng ta thử nhìn nhận lại xem tình trạng tham nhũng nó thế nào. Đâu đâu cũng có tham nhũng, không lớn thì bé. Tham nhũng đã đi vào những khe ngách rất nhỏ của đời sống rồi mà áp dụng như thế thì không thể chống được tham nhũng. Có những việc, những lĩnh vực, cán bộ có một thứ luật bất thành văn là phải có hối lộ thì mới được việc. Không có thì coi như là một sự lạ, muôn đời việc đó vẫn sẽ không thành. 


- Nhưng người đưa hối lộ mà hoàn toàn vô can thì cũng còn nhiều vướng mắc như làm sao xác định được động cơ đưa hối lộ. Nếu động cơ đó là vi phạm pháp luật thì sao?
Thực ra như tôi đã nói, chỉ miễn trách nhiệm hình sự thôi chứ những trách nhiệm khác thì người đó vẫn phải chịu chứ không hoàn toàn vô can đâu. Bản thân những người đó cũng phải xấu hổ với hành động đưa hối lộ của mình chứ. 

Thủ đoạn thì phải có thủ đoạn

- Theo ông thì phải làm gì để hạn chế tham nhũng hiện nay?

 

Tôi nghĩ rằng đây là giải pháp phù hợp với thời điểm này. Trong lúc tham nhũng đang hoành hành thì đây là giải pháp tốt. Tham nhũng hiện nay đã trở nên quá tinh vi, từ nhỏ đến to, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn. Họ sử dụng rất nhiều thủ đoạn để tham nhũng, thì để đối phó, cũng phải có những thủ đoạn tùy từng thời điểm nhất định. 


- Từ trước đến nay thì những người nào dám đứng ra tố cáo tham nhũng?

 

Chỉ những người có bản lĩnh thực sự, nghĩ đến quyền lợi của cái chung, của tập thể, vì cái đúng đắn... Chứ còn những người có quyền lợi cá nhân trong đó thì họ không dám đâu.


- Đã bao giờ người đứng ra tố cáo tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự chưa?

 

Tôi nghĩ kể cả trách nhiệm hình sự cũng không nặng nề bằng việc sự trù dập, đe dọa, cả đời khốn khó. Bản thân tôi bị chúng nó hành đủ trò, thậm chí là chúng nó cho giang hồ đến nhà dọa giết. Tôi biết thậm chí có những người từ người tố cáo trở thành người mang tội vu khống. Ví dụ như ông cựu chiến binh Đinh Đức Hiếu ở Ninh Bình đấy. Ông ấy tố cáo xong thì bị trù dập đến chết đi sống lại. Nhiều người khốn khổ vì tố cáo tham nhũng lắm.


- Nhìn những người tố cáo tham nhũng như chị Nguyệt (Bệnh viện Hoài Đức) hay thầy Đỗ Việt Khoa (trường THPT Vân Tảo), tôi thực sự thấy thương cảm với những khó khăn họ gặp phải sau đó?

 

Người ta cứ nói cơ chế bảo vệ người tố cáo này nọ, nhưng theo tôi chỉ là lý thuyết hết. Như chính tôi đây, công an, chính quyền địa phương cũng bắt tay cấu kết với kẻ tham nhũng để trù dập, đe dọa tôi. Họ chỉ nói mồm thế thôi chứ làm gì có chuyện bảo vệ. Ở các cơ sở hiện nay phức tạp lắm. Đi tố cáo cũng phức tạp, mỏi mệt lắm chứ không đơn giản đâu. Dù có không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hệ lụy họ phải chịu cũng rất lớn. 


- Xin cảm ơn ông!

 

 

Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng biện pháp không xử lý người đưa hối lộ như Hàn Quốc, Singapore. Hiệu quả mang lại rất lớn, tại các nước này, có tới 90% vụ án tham nhũng là thông qua tố cáo của người dân. Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ nghiêm, bảo vệ tính mạng và tài sản và được cơ quan chức năng xem họ là thông tin bí mật quốc gia. Bên cạnh đó, người tố cáo tham nhũng còn được hưởng 20% giá trị tài sản thu hồi từ vụ tham nhũng.

Theo Kiến thức


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang