"Hồi sức" cho thương mại điện tử

author 08:03 03/09/2013

Sau 2 tháng có hiệu lực, Nghị định 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử được nhiều doanh nghiệp đánh giá đã tạo đà cho thương mại điện tử phát triển đúng hướng.

Tiềm năng lớn

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Việt Nam tổng số lượng người dùng internet vào khoảng 35 triệu, trong đó có khoảng 15 triệu người dùng đã từng truy cập các website thương mại điện tử (TMĐT), chiếm 43% lượng người dùng internet. Người dùng truy cập các website TMĐT phần lớn để tra cứu thông tin sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, tham khảo giá, nơi bán… và số người đã từng tham gia đặt hàng và thanh toán online là khoảng 800.000 người. Lượng giao dịch online trung bình trên mỗi đầu người là 4 giao dịch/năm; giá trị trung bình mỗi giao dịch dao động trong khoảng 100.000 - 140.000 đồng. Theo dự đoán, năm 2013 thị phần TMĐT sẽ tăng trưởng khoảng 50% và sẽ có khoảng 3,4 triệu người hoạt động thường xuyên trên các website TMĐT.

Thời gian gần đây, lĩnh vực TMĐT gặp nhiều sóng gió khi các khiếu nại về sản phẩm, dịch vụ của khách hàng đối với hàng hóa mua bán qua mạng ngày càng gia tăng; thêm vào đó là một số doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng hình thức kinh doanh mới mẻ này để lừa đảo bán hàng đa cấp bất chính, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Từ tháng 7.2013, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định các website bán hàng, cung cấp dịch vụ TMĐT đều phải đăng ký rõ ràng, đầy đủ thông tin cho Cục Quản lý TMĐT (Bộ Công thương). Đến nay, đã có hơn 40 website mua bán, cung cấp dịch vụ TMĐT thực hiện việc đăng ký. Theo đánh giá của nhiều DN, Nghị định 52/2013/NĐ-CP được ban hành là điều rất cần thiết để hoạt động của các DN trong lĩnh vực này được pháp luật chứng nhận, đồng thời loại bỏ được các DN kinh doanh không lành mạnh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và cho người tiêu dùng.

Giao dịch điện tử có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh minh họa
Giao dịch điện tử có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh minh họa

Những nhân tố tích cực

Mới đây, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã tổ chức lễ ký kết đầu tư, hợp tác chiến lược với website TMĐT tiki.vn và sở hữu 30% cổ phần của công ty này. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc tiki.vn, cho biết: "TMĐT tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do còn mới mẻ, từ việc thanh toán đến giao hàng, chính sách nhà nước, niềm tin của khách hàng... khiến DN nhiều khi làm mà không biết tương lai ra sao. Tuy nhiên, việc các quỹ đầu tư nước ngoài quyết định hợp tác với website TMĐT của Việt Nam cho thấy tiềm năng rất lớn của lĩnh vực này. Với nguồn đầu tư này, chúng tôi sẽ liên tục cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng: mở rộng kho bãi, giao hàng tận nơi nhanh hơn, chính sách đổi trả hàng dễ dàng hơn...".

Công ty cổ phần VNG,  quản lý website 123.vn, cũng đang nỗ lực xây dựng uy tín trong lĩnh vực kinh doanh online. Ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó tổng giám đốc phụ trách khối TMĐT của VNG, nói: "Chúng tôi đang nỗ lực để đem lại nhiều tiện ích cho các khách hàng, từ khâu chọn lựa mua hàng đến thanh toán, giao nhận hàng… nhằm tiết kiệm tối đa thời gian công sức của họ. Trách nhiệm của chúng tôi bây giờ là cùng tạo ra một môi trường TMĐT lành mạnh, trong sạch và hoàn toàn đáng tin cậy với người tiêu dùng". Trong tháng 8.2013, trang TMĐT 123.vn chính thức ra mắt giao diện mới, cung cấp nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Song song đó, trang này cũng chính thức bắt tay với nhiều "ông lớn" công nghệ như: Samsung, HTC, Nokia, Acer, Asus, Toshiba, Lenovo, Dell nhằm đa dạng hóa ngành hàng công nghệ, đưa ra nhiều chọn lựa tốt cho người tiêu dùng.

Với nhiều quy định siết chặt quản lý từ phía cơ quan nhà nước cùng sự đầu tư nghiêm túc của nhiều DN, ngành TMĐT nhiều hy vọng lại đi đúng quỹ đạo, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Theo Thanhnien

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang