Hôm nay Hà Nội "tổng tấn công" dịch vụ đổi tiền lẻ

author 22:00 15/01/2014

Từ hôm nay (16/01), Hà Nội tổ chức tổng tấn công dịch vụ "buôn tiền" lẻ trái phép. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chỉ đạo lãnh đạo các ngân hàng thương mại xử lý nghiêm cán bộ tuồn tiền lẻ ra thị trường.

Chợ đen tiền lẻ ngang nhiên hoành hành

Ngày 15/1, trong vai người dân cần đổi tiền lẻ, chúng tôi đã tiếp cận rất nhiều ngân hàng như BIDV, Techcombank, Vietcombank, VPBank, nhưng đều nhận được câu trả lời chung là: không có tiền lẻ để đổi.

Nhân viên các ngân hàng cho hay, năm nay, NHNN không in tiền lẻ nên các ngân hàng thương mại không có nguồn. Thêm vào đó, ngân hàng nếu có tiền lẻ dự trữ thì cũng chỉ đổi cho khách hàng doanh nghiệp, tổ chức hoặc khách VIP.

Tuy ngân hàng khó khăn, song đảo qua các điểm nóng về đổi tiền như khu vực gần phố Đinh Lễ, gần chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ, chợ Quang Trung (Hà Đông)… hoạt động đổi tiền diễn ra công khai. Tuy từng loại tiền mà giá đổi có mức khác nhau, dao động từ 10 ăn 5 đến 10 ăn 9. Trong đó, loại tiền lẻ mệnh giá 500 đồng có giá đắt nhất (10 ăn 5).

Câu hỏi đặt ra là tại sao NHNN tuyên bố không in thêm tiền lẻ mới nhưng lượng tiền lẻ có trên thị trường vẫn rất nhiều. Và phải chăng, có hiện tượng nhân viên các ngân hàng tuồn tiền lẻ ra thị trường để ăn chênh lệch?

Đổi tiền lẻ để thu lời sẽ bị xử phạt

Dịch vụ đổi tiền lẻ sẽ bị hạn chế hoạt động. Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường, mỗi năm, vào trước Tết nguyên đán, các ngân hàng dành một lượng tiền lẻ dành cho nhân viên và khách VIP. Cán bộ một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, năm ngoái, hạn mức đổi tiền theo tiêu chuẩn của mỗi nhân viên thường vào khoảng 10-20 triệu đồng, bao gồm các loại mệnh giá từ 1.000 đồng đến cao hơn.

Ngoài ra, hạn mức cũng sẽ được phân bổ theo vị trí, chức vụ công việc. Mỗi ngân hàng chỉ được cung ứng một số lượng tiền mới nhất định. Tuy nhiên, năm nay, do tiền lẻ mệnh giá nhỏ không in ra nên nguồn tiền trên thị trường là nguồn dự trữ từ trước.

Tấn công nhưng thiếu "gậy" xử lý

Số liệu của NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, trong năm 2013, Chi nhánh này đã thu về tiêng loại mệnh giá 500 đồng khoảng 900 bao tiền (9 tỷ đồng). trong khi chi phí in ấn và phát hành số tiền này vào khoảng 30 tỷ đồng, gấp 3 lần mệnh giá.

Tính đến cuối ngày 14/1, số tiền mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống chiếm gần 50% diện tích kho tiền nhưng giá trị chỉ khoảng 5% so với tổng giá trị tiền tại kho, gây khó khăn cho việc sắp xếp kiểm kê, kiểm đến và xuất nhập tiền. Trong khi đó, nhu cầu tiền lẻ mệnh giá nhỏ là chủ yếu phục vụ nhu cầu chùa chiền, tín ngưỡng.

Đứng trước tình trạng này, ngày 15/1, NHNN Chi nhánh Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Thông tin và Ttruyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an Hà Nội… đã cùng ngồi lại để bàn cách hạn chế thói quen dùng tiền lẻ đi lễ chùa.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Thành phố Hà Nội cho hay, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, NHNN phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, ngành công an và ngành văn hóa thể thao du lịch tổ chức những đoàn kiểm tra liên ngành, nhằm phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm tại các điểm nóng về đổi tiền lẻ.

NHNN cũng chỉ đạo lãnh đạo các ngân hàng xử lý nghiêm cán bộ ngân hàng lấy tiền lẻ để cung ứng cho dịch vụ đổi tiền. Nếu phát hiện sẽ xử lý, kỷ luật nghiêm khắc.

Tuy rất quyết tâm, song việc phát hiện, xử lý dịch vụ đổi tiền trái phép gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của những người trong cuộc, hầu hết các dịch vụ đổi tiền đều rất "cơ động", không cố định một chỗ, ngày càng hoạt động kín đáo… nên khó xử lý.

Ông Tào Ngọc Hải, Phó trưởng phòng Phòng An ninh Tài chính - Tiền tệ - Đầu tư (PA84) - Công an Hà Nội cho hay, hàng năm, PA84 và NHNN Chi nhánh Hà Nội đều phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra các hoạt động mua bán tiền lẻ. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn hạn chế, chủ yếu dừng ở mức nhắc nhở là chính. Nguyên nhân là vẫn thiếu chế tài để xử lý vi phạm này. Các quy định hiện tại chưa có quy định về mức xử phạt cụ thể việc kinh doanh lấy lãi tiền lẻ này.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho rằng, dù sẵn sang phối hợp, song cơ quan này cũng gặp khó khăn vì chế tài xử lý hành vi kinh doanh đổi tiền là chưa có.

"Nếu chỉ diễu võ giương oai thì hiệu quả không cao, phải có chế tài xử lý", đại diện này kiến nghị.

Trước lo lắng của các ban, ngành, bà Nguyễn Thị Mai Sương khẳng định: "Chúng tôi chú trọng tuyên truyền chứ không nặng về bắt bớ. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là NHNN không có biện pháp xử lý. Các hoạt động kinh doanh tiền tệ đều phải có phép. Nếu đổi tiền lẻ không phép là sai quy định và sẽ bị xử lý nghiêm khắc".

Theo Đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang