Hơn 3.000 cơ sở sản xuất nông lâm thuỷ sản tham gia truy xuất nguồn gốc

author 11:20 31/01/2021

(VietQ.vn) - Năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội cũng đã hướng dẫn và cấp tài khoản cho 3.040 cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản tham gia quản lý và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã lấy 1.765 mẫu giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Trong đó có 103 mẫu vi phạm chiếm 5,83%, giảm 6,8% mẫu vi phạm so với năm 2019.

Cụ thể, Chi cục đã thẩm định, xếp loại 416 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản trên địa bàn Thành phố. Để giám sát cảnh báo chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản, Chi cục đã lấy 1.765 mẫu giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thuỷ sản. Trong đó có 103 mẫu vi phạm chiếm 5,83%, giảm 6,8% mẫu vi phạm so với năm 2019. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng đã hướng dẫn và cấp tài khoản cho 3.040 cơ sở sản xuất nông lâm thuỷ sản tham gia quản lý và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động đến lưu thông, vận chuyển, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm… tạo khó khăn cho công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó người nông dân còn hạn chế trong việc ghi chép sổ sách nhật ký truy xuất nguồn gốc...

Vì vậy, theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để tăng cường quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Trong đó tập trung tới việc xây dựng, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản cần tiếp tục làm tốt công tác thẩm định xếp loại cơ sở đăng ký kiểm tra, chứng nhận cơ sở đăng ký kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chủ động lấy mẫu kiểm tra nhất là các sản phẩm rau, thịt, thuỷ sản.

Ảnh minh họa 

Trước đó, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong năm 2020, Sở đã phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 327 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua thanh tra đã phát hiện 90 tổ chức, cá nhân có vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 988,4 triệu đồng.

Cụ thể, Thanh tra Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm và xử lý triệt để các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành, như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; vi phạm Luật Đê điều và vi phạm Pháp Lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi,...

Kết quả trong năm đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 327 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua thanh tra đã phát hiện 90 tổ chức, cá nhân có vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 988,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang