Hỏng hệ tiêu hóa vì sữa có năng lượng quá cao

author 14:03 09/05/2013

(VietQ.vn) - Dùng sữa chất lượng cao, năng lượng cao, nhiều thành phần cao đạm, không thận trọng, không tư vấn rõ ràng từ chuyên gia y tế, rất có thể mang bệnh vào người, thậm chí tử vong.

Thận trọng khi dùng sữa có năng lượng cao

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, nếu dùng các sản phẩm chứa chất béo thẩm thấu nhanh, độ ngọt cao sẽ phá huỷ hệ tiêu hoá của trẻ.

Câu chuyện nhập nhèm chất lượng sữa bột thời gian qua đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng khi chọn tìm mua sữa cho trẻ.

Bác sĩ Phạm Gia Khải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Nam cho biết, sữa bột, bột dinh dưỡng, vitamin, ngũ cốc… là nhóm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Trong nhóm này, bột dinh dưỡng được làm từ ngũ cốc như lúa mì, ngô, gạo và bổ sung các loại vitamin. Sữa bột được làm từ sữa tươi bay hơi nước. Trong quá trình làm bay hơi nước, nhà sản xuất bớt đi một số thành phần không phù hợp với trẻ em, một số thành phần dinh dưỡng mất đi hoặc do chất lượng sữa không tốt, nhà sản xuất bổ sung thêm vitamin.   

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tiêu chuẩn sữa bột phải có hàm lượng đạm đến 34% thì mới được gọi là sữa. Nhưng trong sữa mẹ, chất béo cũng không được 34%. Nếu đạt theo tiêu chuẩn này trẻ em dưới 1 tuổi không dùng được, vì nó sẽ dẫn đến suy thận. Thông thường sữa bột dành cho trẻ dưới 1 tuổi hàm lượng đạm từ 12-19%.

Sữa chất lượng cao được nhập lậu tràn lan, không rõ nguồn gốc. Ảnh: D. Trí
Sữa chất lượng cao được nhập lậu tràn lan, không rõ nguồn gốc. Ảnh: D. Trí

Sữa bột vướng theo tiêu chuẩn của WHO, nếu không đạt độ đạm 34% thì không được gọi là sữa bột. Nhưng bản chất của nó là sữa, chứ không phải bột dinh dưỡng.  

“Ở xã hội văn minh, mọi người ngầm quy ước với nhau đây là sữa, không gọi là bột dinh dưỡng. Nhiều công ty nhập khẩu sữa, đưa ra quảng cáo là sữa, nhưng khi đăng ký nhập khẩu với cơ quan chức năng đưa vào nhóm bột dinh dưỡng để không bị quản lý về giá. Chúng ta không nên đăng ký một đằng, làm một nẻo làm cho người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin vào các công ty nhập khẩu” – ông Khải nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, sữa bột được đóng trong lon, làm sao để người tiêu dùng nhận biết được đâu là sữa chất lượng tốt? Bác sĩ Phạm Gia Khải cho biết: Thực ra, nếu để ý và xem xét kỹ người tiêu dùng sẽ nhận biết được chất lượng sữa, mặc dù đã đóng trong lon. Khi mua sữa, chúng ta nên lắc lon sữa đó. Nếu chất lượng tốt, lượng sữa trong lon sẽ đầy, sữa khô, tơi, xốp, nghe thấy tiếng rào rào nhẹ, điều này chứng tỏ sữa không có đường.

Nếu lượng đường nhiều, sữa sẽ không đầy lon, vì đường bao giờ cũng nặng hơn sữa, giá thành của đường thì rẻ hơn sữa rất nhiều. Nhà sản xuất trộn thêm đường cho nặng cân, tăng độ ngọt để trẻ thích uống. Nhiều bà mẹ, thấy con thích uống những loại sữa ngọt thì hào hứng mua về.

"Theo tôi, đây là một việc làm rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ", bác sỹ Khải nói.

Đối với các loại được quảng cáo là sữa cao năng lượng cho trẻ em suy dinh dưỡng và người già ốm yếu, ông Khải cho rằng, theo tiêu chuẩn do Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO) và WHO đưa ra, hàm lượng chất béo sữa đạt từ 26-42%, độ ẩm ≤ 5%, hàm lượng protein trong sữa đã loại chất béo ≥ 34%.

Một số sản phẩm sữa cao năng lượng trên thị trường Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn về độ ẩm, vì vậy các sản phẩm đó là bột bổ sung cao năng lượng. Các thành phần chủ yếu tạo ra bột bổ sung cao năng lượng là các chất béo thẩm thấu nhanh. Chúng được chiết xuất, tinh chế, phân lập từ dầu dừa, dầu cọ… Những chất béo này sẽ làm các nhung mao và vi nhung mao của đường ruột thoái hoá, không phát triển, từ đó phá huỷ các enzyme và hệ thống vận chuyển các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hoá.

Trẻ em có hệ tiêu hoá đang phát triển, nếu dùng các sản phẩm chứa chất béo thẩm thấu nhanh, độ ngọt cao, sẽ phá huỷ hệ tiêu hoá của trẻ, tăng nguy cơ tiểu đường, tim mạch, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, còi xương không thể hấp thu được dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất. Người già, người ốm khi dùng các sản phẩm này, sau một thời gian hệ tiêu hoá cũng sẽ bị phá huỷ, dẫn tới giảm hấp thu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.

Tràn lan sữa năng lượng cao không rõ nguồn gốc

Báo Thanh niên dẫn nguồn tin từ lực lượng Quản lý thị trường TP. HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2013 đã phát hiện, thu giữ đến hơn 10.700 lon sữa Ensure trôi nổi. Trong khi đó, cả năm 2012 lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện, tịch thu 17.126 lon sữa Ensure nhập lậu. Điều này cho thấy đang có hiện tượng "bùng phát" sữa ngoại nhập lậu vào Việt Nam. Người tiêu dùng có nhu cầu về sữa chất lượng cao cần được thông tin đầy đủ về các kênh cung cấp chính thống nhằm tránh mua phải mặt hàng sữa trôi nổi này.

Theo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP. HCM đã liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển sữa "chui". Phần lớn là sữa ngoại nhập lậu từ hướng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) theo xe buýt, xe khách thông qua quốc lộ 22 vận chuyển về TP. HCM tiêu thụ. Theo Chi cục QLTT TP.HCM,  từ ngày 17 - 24.4 các đội đã kiểm tra, phát hiện tạm giữ 702 chai sữa nước Ensure trên xe khách tuyến quốc lộ 22 (thuộc địa phận H.Hóc Môn). Tổng cộng chỉ trong tháng 4.2014, riêng tuyến quốc lộ 22 (thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn) lực lượng QLTT TP.HCM đã phát hiện, tạm giữ đến 7.600 chai sữa nước hiệu Ensure. Đáng chú ý, trong đó Đội QLTT Củ Chi phát hiện một xe khách vận chuyển đến 4.680 chai sữa Ensure trôi nổi. Khi bị kiểm tra, đối tượng "biến mất", không ai chịu nhận hàng. Lực lượng kiểm tra đã tịch thu, xử lý.

Cũng theo Chi cục QLTT TP.HCM, quý 1/2013 qua kiểm tra đã thu giữ 3.106 lon sữa nước Ensure. Tất cả đều là hàng trôi nổi, vô thừa nhận, hàng hết hạn sử dụng... Trước đó, Đội QLTT Củ Chi đã phối hợp lực lượng CSGT kiểm tra 3 chiếc xe khách lưu thông trên quốc lộ 22, tạm giữ 2.268 chai sữa Ensure nước nhập lậu.

Nhà phân phối chính thức sản phẩm sữa Abbott tại Việt Nam cũng xác nhận, các sản phẩm sữa Ensure nhập lậu thời gian qua lực lượng QLTT phát hiện thì hoàn toàn không phải hàng chính hãng. "Việc vận chuyển sữa nước ngoại nhập lậu tăng", đại diện Chi cục QLTT TP.HCM nhận xét. Trước đó, báo cáo tổng kết năm 2012 Chi cục QLTT TP.HCM cũng đã cho biết: "Trong năm nổi lên tình hình rượu, bia, sữa nhập lậu vận chuyển trên xe khách công cộng tuyến quốc lộ 22 từ Tây Ninh về TP.HCM".

Nhiều sản phẩm cùng công năng, tác dụng nhưng lại có tên gọi khác nhau, người tiêu dùng không biết nên hiểu các sản phẩm đó như thế nào. Ảnh minh họa
Nhiều sản phẩm cùng công năng, tác dụng nhưng lại có tên gọi khác nhau, người tiêu dùng không biết nên hiểu các sản phẩm đó như thế nào. Ảnh minh họa

Loạn giá và tên gọi

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại sản phẩm có sữa, bổ sung sữa, bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, sản phẩm bổ sung vi chất.... Các sản phẩm đó đều có thể gọi chung thành những tên khái quát. Hiện nay, Codex, WHO, FAO cũng đã có những khái quát cơ bản về những sản phẩm không rõ ràng và cách gọi tên như vậy. Tuy nhiên, thực tế biến tấu và sử dụng từ ngữ ở Việt Nam đang làm khó cho các cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Việc thống nhất gọi thên sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm rõ ràng hơn, cơ quan chức năng quản lý tốt hơn về thị trường, giá cả và chất lượng.

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam mới đây, đại diện Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, cơ quan chức chăng cũng đang triển khai nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý để có sự thống nhất về tên gọi; phân loại từ khâu nhập khẩu tới lưu thông tại thị trường trong nước để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế; bổ sung đưa vào đối tượng thuộc dạng kê khai giá, bình ổn giá; thống nhất về việc ghi nhãn trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan; kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan, vi phạm về thông tin quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm…  

Trước đó, tổ điều hành thị trường trong nước đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về thực trạng nhiều sản phẩm sữa đồng loạt tăng giá và các sản phẩm có thành phần sữa nhưng đăng ký là thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, thu giữ 49.781 chai, hộp, lon sữa. Vi phạm chủ yếu là sữa nhập lậu, sữa quá hạn sử dụng, mập mờ tiêu chuẩn hàm lượng dinh dưỡng để gian lận về thuế trong kinh doanh sữa, mập mờ nguồn gốc xuất xứ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…

Đáng chú ý là vụ kinh doanh sữa nhãn hiệu Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm (trụ sở tại Hà Nội); phát hiện, tạm giữ 7.600 chai sữa nước hiệu Ensure loại 237 ml do Mỹ sản xuất không người nhận trên quốc lộ 22 thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP HCM; sản phẩm sữa dê GmB có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, nhập nguyên liệu sữa từ Hà Lan rồi sản xuất đóng gói tại quận 9, TP.HCM, tuy nhiên vẫn ghi nhãn xuất xứ tại Hà Lan (made in Netherlands) gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tại họp báo quý I/2013 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, trước tình hình một số doanh nghiệp tăng giá sữa, ngày 12/3/2013 Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3181/BTC-QLG đề nghị Sở Tài chính các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; đồng thời có Công văn số 3080/BTC-QLG gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và kiểm tra.

Tại buổi họp tổ điều hành mới đây, Cục Quản lý giá đã kiến nghị trên cơ sở thông tin, kiến nghị Bộ Công thương nên có cuộc họp để bàn quản lý giá đối với mặt hàng trước đây gọi là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, nay theo quy chuẩn y tế, sang là sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung, thức ăn công thức có pha chế.

Cục Quản lý giá cũng kiến nghị không chỉ riêng với mặt hàng này mà còn các mặt hàng khác có tác động đến đời sống của đông đảo người tiêu dùng cần xem xét nghiêm túc về tên gọi. Được biết, Bộ Công thương đã có cuộc họp với các bộ liên quan để bàn về vấn đề này liên quan đến thương phẩm, chất lượng và giá cả.

“Trên cơ sở kiến nghị lại các bộ ngành xem xét. Nếu mặt hàng này ảnh hưởng lớn đến người dân sẽ đưa vào diện bình ổn giá” – ông Tuấn nói.

Ở nước ngoài mặt hàng sữa được quản lý rất chặt chẽ bởi sữa là mặt hàng đặc biệt, là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Ngoài việc kiểm soát gắt gao khâu sản xuất, các nước tiên tiến còn giám sát chặt chẽ khâu phân phối. Tất cả các loại sữa cận hạn sử dụng đều bị yêu cầu tịch thu, tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy rất cao. Vì thế, nhiều người bán đã "né" bằng cách bán tống bán tháo, thậm chí bán giá tượng trưng các hộp sữa cận hạn sử dụng.

Các "con buôn" thu gom loại sữa này đưa sang thị trường các nước khác, trong đó có Việt Nam, sau đó "hóa kiếp", "phù phép" thành hạn sử dụng mới, và tung ra thị trường với giá hấp dẫn. Loại sữa nhập lậu này thường được chào mời là sản phẩm chính hãng "xách tay".  Người tiêu dùng có thể nhận diện được sữa "xách tay" này chính là sữa "trôi nổi" vì chúng không có giấy tờ nào chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng như không được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng.

Theo Thanh niên

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang