Hộp đen chỉ nhằm... đối phó

author 13:07 03/07/2013

Rất nhiều phương tiện giao thông vận tải buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình đều thực hiện nhưng chỉ để đối phó với cơ quan chức năng chứ không có giá trị sử dụng.

Sau 2 ngày ra quân (1 và 2-7) kiểm tra việc gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên các phương tiện vận tải ở tuyến Quốc lộ 1 và xa lộ Hà Nội, đoàn kiểm tra (Thanh tra Sở GTVT TP HCM phối hợp Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM) đã xử phạt 11 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 25 triệu đồng.

Tìm mọi cách né tránh

Theo đoàn kiểm tra, trong các phương tiện vi phạm có 2 trường hợp không gắn hộp đen, còn lại chủ yếu là gắn hộp đen nhưng không trích xuất được dữ liệu, không có cổng in hoặc in không có dữ liệu. Theo Thanh tra Sở GTVT TP, việc kiểm tra hộp đen sẽ được tiếp tục và lồng ghép với kiểm tra tải trọng xe.


Trong sáng 2-7, đoàn kiểm tra của Sở GTVT TP HCM do ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải Đường bộ, làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải tại 13 doanh nghiệp ở TP HCM. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư TMDV Vận tải Du lịch Diệu Minh (quận Bình Thạnh), qua kiểm tra 47 hộp đen trên các phương tiện vận tải đã phát hiện một số không hoạt động, thiếu thiết bị để trích xuất dữ liệu.
 

Kiểm tra hộp đen trên một phương tiện giao thông vận tải của Công ty Cổ phần Đầu tư TMDV Vận tải  Du lịch Diệu Minh. Ảnh: THU HỒNG


Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các bến xe khách thành phố, cho biết cơ quan này đã kiểm tra hộp đen trên từng xe khách trước khi xuất bến, không cho xuất bến đối với những phương tiện vi phạm. Hầu hết các phương tiện, qua kiểm tra, đều chấp hành tốt. “Việc kiểm tra hộp đen đã được ban quản lý thực hiện thường xuyên từ năm 2012 nên rất ít trường hợp vi phạm” - ông Hùng nói.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Châu An, Trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ - Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết trước tình trạng rất nhiều phương tiện vận tải hành khách lắp hộp đen chỉ để đối phó, giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các phòng - ban trực thuộc tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra 345 phương tiện có lắp hộp đen của 93 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và kinh doanh vận tải hành khách du lịch, chỉ có 27 đơn vị bố trí nhân viên thường xuyên theo dõi hoạt động của hộp đen. Đáng chú ý, trong tổng số 345 xe khách được kiểm tra, có 65 phương tiện (18,84%) lắp đặt hộp đen nhưng không hoạt động. Đặc biệt, có đơn vị có tới 91% hộp đen lắp đặt mang tính đối phó chứ không hoạt động. Theo ông An, đa số hộp đen không hoạt động là do hết thời hạn nhưng các chủ xe không kết nối thuê bao trở lại. “Nhiều xe còn thời hạn thuê bao nhưng hộp đen vẫn không hoạt động vì các tài xế không sửa chữa nhằm né tránh sự giám sát của nhà xe” - ông An nói.

Ông An cho biết sau khi có kết quả kiểm tra, giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để hậu kiểm tại 3 đơn vị có nhiều hộp đen không hoạt động nhất. Qua hậu kiểm, chỉ 1 đơn vị khắc phục 100%,  2 đơn vị vẫn còn 9 phương tiện lắp hộp đen nhưng không hoạt động và 6 phương tiện lắp hộp đen không phù hợp.

Thiếu hộp đen thì không được kiểm định

Tại Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có trên 50 đơn vị vận tải hàng hóa, hơn 100 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định với trên 1.100 đầu xe thuộc diện phải gắn hộp đen. Trong đó, gần 500 xe cố định, 500 xe hợp đồng, khoảng 100 xe buýt và hơn 30 xe container phải gắn hộp đen theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ quan này đã chỉ đạo đơn vị thanh tra kiểm tra hệ thống hộp đen trên các phương tiện giao thông buộc phải có của tất cả các doanh nghiệp, bến xe. “Chúng tôi đã chỉ đạo rất nghiêm việc đăng kiểm, nếu phương tiện phải lắp đặt hộp đen mà không có thì không được kiểm định” - ông Dần nhấn mạnh. Theo ông Dần, trước mắt, chủ yếu kiểm tra việc phương tiện có lắp đặt hộp đen và lắp đặt nhưng hoạt động hay không, còn việc trích xuất dữ liệu ở hộp đen thì phải cần máy móc, nhân lực nên Sở GTVT đang chờ văn bản hướng dẫn của Ban An toàn giao thông quốc gia để tiếp tục rà soát, xử lý.

Trao đổi với phóng viên, đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết trong ngày đầu tiên ra quân, đơn vị chức năng đã kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách, xe container… và chủ yếu cảnh cáo, nhắc nhở  chứ chưa xử phạt. “Bắt đầu từ tuần sau (ngày 8-7), chúng tôi sẽ chính thức xử phạt đối với các phương tiện vận tải buộc phải gắn hộp đen nhưng không thực hiện” - ông Bảo nói.
 

Mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng

Nghị định 91 của Chính phủ quy định các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, xe container phải gắn hộp đen và mức phạt cho vi phạm này từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng kèm theo hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh vận tải.

Hộp đen hợp chuẩn, hợp quy phải trích xuất được các thông tin chi tiết về hành trình xe, xe và tài xế; tốc độ của xe; số lần và thời gian dừng đỗ; vị trí xe lắp đặt thiết bị trên bản đồ; thông tin về số lần và thời gian đóng mở cửa xe, thời gian lái xe của tài xế (không lái xe liên tục 4 giờ và không quá 10 giờ/ngày)...

Theo Người lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang