Hợp lực để hàng xanh phát triển

author 13:07 17/12/2013

(VietQ.vn) - Làm thế nào để phát triển hàng xanh, giúp người có nhu cầu tiêu dùng xanh nhiều hơn, góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn sức khỏe là điều mà cơ quan chức năng và doanh nghiệp trăn trở.

Theo đánh giá của Mạng lưới Mua hàng xanh Việt Nam (VNGPN), so với các nước trong khu vực, yêu cầu về sản phẩm xanh trên thị trường tại Việt Nam cũng như nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Các sản phẩm dán nhãn môi trường cũng như cách nhận biết còn chưa rõ và phổ biến đối với người sử dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư, sử dụng công nghệ, phương thức quản lý và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm đáp ứng yêu cầu về dán nhãn. Hơn nữa, các tiêu chí về sản phẩm xanh còn rất hạn chế về mặt số lượng và chỉ mới sẵn có đối với một số chủng loại mặt hàng nhất định. 

Tiêu dùng xanh góp phần bảo vệ môi trường sống

Sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường là góp phần bảo vệ môi trường sống. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện VNGPN cho rằng, xu hướng thị trường trong nước và thị trường quốc tế đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và trong những năm tới cần tiếp tục mở cửa thị trường. Việt Nam cũng tham gia và cam kết trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà sẽ phải cạnh tranh trên chính thị trường trong nước nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về luật định và yêu cầu của thị trường về sản phẩm xanh. Việt Nam sẽ cần có các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hội nhập và nâng cao ý thức của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Đồng thời các chính sách và qui định của nhà nước rõ ràng và cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm xanh có chỗ đứng và phát triển.

Ông Akira Kataoka, Phó Tổng Thư ký Mạng lưới Mua hàng xanh quốc tế (IGPN) cho rằng, thúc đẩy việc phát triển nhãn xanh, mua hàng xanh ở Việt Nam đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mối quan tâm hàng đầu của họ thường là lợi nhuận và năng suất. Vì thế, khi phổ biến, tổ chức các chương trình tuyên truyền, quảng bá về mua hàng xanh, năng suất xanh, doanh nghiệp xanh, nên tập trung vào chia xẻ với các ví dụ điển hình. Thông qua những ví dụ đã thành công hoặc các cơ hội kinh doanh, lợi thế mà các doanh nghiệp nước ngoài họ đã tham gia vào chương trình hoặc áp dụng các chương trình sản phẩm xanh, sản xuất xanh và mang lại những hiệu quả, đó là những minh chức và là điểm thu hút các doanh nghiệp từ Việt Nam vào chương trình.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng ban Tổng hợp, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp cần có những định hướng phát triển xanh cho doanh nghiệp mình.

“Sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn tài nguyên ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới chung vẫn còn nhiều hạn chế. Làm sao để nâng cao hơn việc sử dụng các tài nguyên đó hiệu quả là điều rất quan trọng. Các công cụ áp dụng để hướng tới nâng cao hơn trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường cũng có nhiều và thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp đang xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường sống. Áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, cải tiến năng suất chất lượng sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt lợi ích kép từ việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và có vai trò trách nhiệm tốt hơn đối với môi trường”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, trong xu thế ứng phó biến đổi khí hậu, trách nhiệm của doanh nghiệp thế nào trong giảm thiểu những tác nhân gây ra xu thế đó. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được bằng sử dụng hiệu quả tài nguyên và trách nhiệm hơn trong đảm bảo phát thải môi trường, bằng cách giảm thải ô nhiễm ra môi trường sẽ làm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

3 vấn đề mà doanh nghiệp có thể tận dụng được từ việc áp dụng các công cụ tiên tiến đó là vừa tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng tài nguyên và một cách gián tiếp có thể là nâng cao trách nhiệm cộng đồng để cùng bảo vệ môi trường.

Cần nhiều cơ chế kích thích tiêu dùng xanh

Cần nhiều cơ chế kích thích tiêu dùng xanh. Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi của PV về việc, VPC là cơ quan đầu mối hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện Chương trình Quốc gia: Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 – Chương trình 712, việc thúc đẩy áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý đảm bảo môi trường, thân thiện môi trường, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm năng lượng… được thực hiện thế nào, bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Giám đốc VPC cho rằng, với vai trò là cơ quan đầu mối hỗ trợ thực hiện chương trình 712, VPC đã có nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến, các khóa đào tạo như hội nghị, hội thảo, qua các chia xẻ kinh nghiệm, đào tạo qua truyền hình, những chương trình trên sách báo… phổ biến tới doanh nghiệp để họ nắm được và triển khai thực hiện.

Đối với vai trò là đầu mối của Mạng lưới Mua hàng xanh, thời gian qua VPC cũng đã nỗ lực kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp về các công cụ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí, thân thiện với môi trường. VPC cũng đứng ra để tổ chức, mời các chuyên gia nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tới Việt Nam chia xẻ các kinh nghiệm, nhận các lợi ích khi tham gia các chương trình.

“Chúng tôi có các đề xuất với doanh nghiệp áp dụng các công cụ giảm thiểu lãng phí, tăng năng suất, cụ như sản xuất tin gọn, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, ISO 50001 – hệ thống sử dụng năng lượng hiệu quả… đó là mục tiêu chung của chương trình 712 nhưng cũng góp phần tiết kiệm năng lượng, nguồn tài nguyên, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của chương trình 712 sẽ được tư vấn đào tạo, tư vấn kỹ thuật, được các chuyên gia trong nước và ngoài nước tới hướng dẫn, áp dụng. Chương trình 712 được thực hiện trong những năm qua và tiếp tục thực hiện những năm tới. Lợi ích của chương trình thì nhiều nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng và tham gia đầy đủ vào các chương trình tư vấn, đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, để áp dụng hiệu quả, thành công trong doanh nghiệp mình”, bà Hiền cho biết thêm.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang