Hợp tác về truy xuất nguồn gốc: Tìm lối đi cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc

author 17:09 07/09/2019

(VietQ.vn) - Với việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các nông sản nhập khẩu từ Việt Nam đang đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy xuất khẩu.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Hiện nay, nông sản Việt đứng trước khó khăn đó là việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang giảm mạnh. Trong khi, Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, có tới 60% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, từ tháng 5/2018, Trung Quốc bắt đầu siết chặt yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc, quy định dán nhãn truy xuất nguồn gốc đối với các hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gây nhiều khó khăn, ứ đọng trong việc thông quan.

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu tại hội thảo Các yêu cầu liên quan đến Truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tại hội thảo các yêu cầu liên quan đến Truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức ngày 6/9, ông Bùi Bá Chính, phụ trách Trung tâm cho biết, nhu cầu về truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi hoạt động này chính là nhu cầu tất yếu của thị trường.

Ở nhiều quốc gia, việc đòi hỏi phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp các bên liên quan truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác và còn giúp các doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm hàng hóa, giúp sự minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng, đồng thời chống gian lận thương mại.

“Việt Nam không nằm ngoài xu hướng tất yêu này, bởi truy xuất nguồn gốc chính là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam bước vào các thị trường khó tính”, ông Chính nhấn mạnh.

Gần đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam theo lộ trình là mít và dưa hấu, sau đó là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, chôm chôm, chuối, vải và năm 2020 là thủy sản đang đặt ra bài toán cho Việt Nam là làm thế nào để không chỉ giữ vững mà còn tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Năm 2019, Trung Quốc cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch: Dưa hấu, mít, vải, nhãn, thanh long, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt.

Từ tháng 01/2019, mặt hàng dưa hấu bắt buộc phải có Truy xuất nguồn gốc. Tháng 03/2019, đến lượt mặt hàng mít là loại trái cây thứ 2 bắt buộc phải có Truy xuất nguồn gốc

Các loại hoa quả Trung Quốc đã yêu cầu sẽ được áp dụng thực hiện theo lộ trình: thanh long, chôm chôm, xoài (tháng 8-9), sầu riêng (tháng 11-12)

Ông Bùi Bá Chính - Phụ trách Trung tâm Mã số mã số Quốc gia chia sẻ thông tin tại hội thảo. 

Để triển khai hoạt động hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, ngày 01/07/2019 Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia chủ trì đề án 100/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn chứng nhận và giám định Quốc gia Trung quốc (CCIC). Hai bên thống nhất thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau. Theo đó, Hai bên cùng nhau thúc đẩy nghiệp vụ quản lý truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, đồng thời kết nối hệ thống, cùng xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy hải quan hai bên công nhận toàn diện kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau, thực hiện thuận tiện giao dịch thương mại.

Đề cập đến hiệu quả của sự hợp tác giữa Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và CCIC, ông Chính cho biết: “Trước đây muốn thông quan 1 xe dưa hấu, hải quan thường mất 3-4 tiếng, nhưng khi có truy xuất nguồn gốc và dán tem thì thời gian thông quan của hải quan giảm xuống chỉ còn 5 phút. Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc và tin tưởng hơn”.

Toàn cảnh hội thảo. 

Đánh giá về triển vọng hợp tác giữa hai bên, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh nhấn mạnh, Việc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia bắt tay với CCIC là bước đi tích cực trong việc tìm lối đi cho hàng hóa xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp làm truy xuất nguồn gốc đúng theo tiêu chuẩn của Hải quan Trung Quốc. Từ đó hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn.

“Kết hợp giữ 2 nước trong lĩnh vực này sẽ mở cửa chính ngạch nhiều loại sản phẩm hàng hóa hơn nữa, giúp phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”, ông Vinh nói.

Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (NBC) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) thành lập từ năm 1995, tiền thân là Văn phòng Mã số, mã vạch thuộc Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, liên tục đổi mới và phát triển Trung tâm Mã số, mã vạch là Trung tâm duy nhất tại Việt Nam cấp và quản lý mã số mã vạch đồng thời là nơi cung cấp hệ thống Truy xuất nguồn gốc chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Theo quyết định số 100/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là chủ trì Đề án và Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia được giao phụ trách xây dựng và quản lý Hệ thống Truy xuất nguồn gốc Quốc gia tại Việt Nam.

 

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc (VietQ.vn) - Trong năm 2019, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang triển khai xây dựng 3 dự thảo TCVN và 1 dự thảo QCVN về truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang