Hợp tác win-win giúp các kênh phân phối cùng phát triển

author 06:25 05/09/2019

(VietQ.vn) - Chính sách hợp tác win - win nhằm nâng cao cạnh tranh và phát triển trong ngành công nghiệp phân phối tại Việt Nam, giúp các kênh phân phối cùng phát triển.

Cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và chợ, giữa bán hàng trực tuyến và truyền thống là giải pháp giúp ngành phân phối phát triển bền vững. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Định hướng chính sách hợp tác win-win trong ngành phân phối giữa Việt Nam – Hàn Quốc” diễn ra ngày 4/9 tại Hà Nội.   

Hội thảo “Định hướng chính sách hợp tác win-win trong ngành phân phối giữa Việt Nam – Hàn Quốc.

Tăng cường hợp tác win-win

Trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực nhằm phát triển toàn diện ngành công nghiệp phân phối Việt Nam”, nhóm các nhà nghiên cứu từ Hàn Quốc và Việt Nam đã tiến hành công bố Báo cáo “Nghiên cứu các chính sách hợp tác win - win và trường hợp cụ thể nhằm nâng cao cạnh tranh và phát triển trong ngành công nghiệp phân phối Việt Nam” để xác định các vấn đề liên quan đến tốc độ phát triển thị trường phân phối Việt Nam.

Từ kinh nghiệm của thị trường phân phối Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu cho rằng, xung đột giữa phân phối hiện đại và chợ truyền thống là vấn đề cốt lõi. Do vậy, để phát triển và quản lý ngành phân phối, bên cạnh việc tìm giải pháp dung hòa về tăng trưởng giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì cần phát huy vai trò của chợ truyền thống trong tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.

Ông Phan Trọng Nhân- Giảng viên trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, Hàn Quốc và Việt Nam có 3 điểm tương đồng, đó là: Tăng năng suất của ngành công nghiệp phân phối thông qua đầu tư nước ngoài; Mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong nước và tăng lợi ích cho người dân; Chính sách hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp nhỏ.

 
Việc hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam thông qua Dự án “Xây dựng năng lực nhằm phát triển toàn diện ngành công nghiệp phân phối Việt Nam”, được kỳ vọng sẽ giúp các kênh phân phối cùng phát triển.
 

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Kim Min Seop- Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) cho biết, cách đây vài năm, sự phát triển của thương mại điện tử, giao hàng trực tuyến đã từng khiến chợ truyền thống bị giảm sức cạnh tranh. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã có chính sách giúp tăng tính cạnh tranh của chợ truyền thống như cải tạo lại cơ sở hạ tầng, bố trí bãi đỗ xe, dành không gian riêng cho lực lượng doanh nhân trẻ, phát hành thẻ ưu đãi mua hàng (voucher) để khuyến khích người tiêu dùng, xây dựng cơ chế tiểu thương tự chủ… Những chính sách này đã mang lại kết quả khả quan, doanh thu tăng đều từ năm 2014 đến nay, số gian hàng bỏ trống giảm…- ông Kim Min Seok cho hay.

Phát triển toàn diện ngành phân phối Việt Nam

Với dân số trên 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao, ngoài ra nền kinh tế đang trên đà hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhanh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự xuất hiện những xu hướng mới như bán hàng trực truyến, bán hàng đa kênh (omni channel)..., thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty tư vấn A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và nằm trong top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

Theo báo cáo của Công ty CP báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm (2014 – 2018) dẫn đầu là yếu tố tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (60,7%), theo sau là sự mở rộng thị trường hiện có (42,9%) và cải thiện cơ sở hạ tầng (39,3%).

Để phát triển toàn diện ngành phân phối tại Việt Nam, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cần giải quyết 4 vấn đề. Thứ nhất, giải quyết sự mâu thuẫn của phân phối hiện đại và phân phối truyền thống. Thứ hai, giải quyết sự phát triển hài hòa giữa doanh nghiệp lớn với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp FDI với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ ba, phát triển hài hòa giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến. Thứ tư, mâu thuẫn cũng như yêu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đó là tổ chức tiêu thụ hàng hóa trong một đất nước phần lớn là nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hội- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương thì hiện nay, Việt Nam còn thiếu các kho đông lạnh và phương tiện vận chuyển để phân phối và lưu trữ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi. Do vậy, khi xây dựng chính sách phát triển toàn diện ngành phân phối, cần phải xem xét việc phát triển các trung tâm phân phối nông sản tổng hợp, trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu lưu thông phân phối hàng hóa trên cả nước.

Trao đổi về hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam thông qua Dự án “Xây dựng năng lực nhằm phát triển toàn diện ngành công nghiệp phân phối Việt Nam”.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang