Hốt hoảng với ca bệnh hiếm gặp: Ổ giòi to bằng đầu đũa ký sinh trong đầu

author 09:35 02/04/2015

(VietQ.vn) - Ổ mủ trên đỉnh đầu trái bệnh nhân vỡ ra và có rất nhiều giòi bên trong. Mặc dù được làm vệ sinh nhiều lần nhưng các bác sĩ vẫn không thể lấy hết giòi do chúng đã đào đường hầm rất sâu dưới vết mổ.

Ổ giòi to bằng đầu đũa trong đầu

Bệnh nhân Phạm Văn L., 28 tuổi, bị tai nạn lao động do thanh sắt rơi vào đầu và được mổ cấp cứu lấy máu tụ ghép titan tại Malaysia cách đây 3 năm. Sau đó bệnh nhân được chuyển về Việt Nam và chăm sóc tại Nghệ An. Theo thời gian, tri giác bệnh nhân khá hơn, vận động tốt hơn, có thể tự đi lại được mặc dù còn yếu nửa người trái.

Cách đây 1 năm, vết mổ cũ của bệnh nhân có biểu hiện sưng tấy, đỏ đau. Do điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn nên bệnh nhân không đi điều trị. Gần đây ổ mủ trên đầu vỡ ra và có nhiều giòi bên trong. Bệnh nhân ngay lập tức nhập viện Nghệ An rồi chuyển ra bệnh viện Việt Đức. 

Khi nhập viện Việt Đức (Hà Nội), anh L. tỉnh táo, không sốt, yếu nửa người trái. Xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu là 11.700. Ổ mủ trên đỉnh đầu trái đã vỡ ra và có rất nhiều giòi bên trong. Bệnh nhân được chuyển phòng tiểu phẫu làm sạch ổ mủ bằng các thuốc sát khuẩn như oxy già và betadin loãng, sau đó gắp ra rất nhiều con giòi to bằng đầu đũa. Mặc dù bệnh nhân được làm vệ sinh như vậy nhiều lần, nhưng không thể lấy hết giòi do chúng đã đào đường hầm rất sâu dưới vết mổ cũ. Bệnh nhân sau đó được chuyển mổ cấp cứu, mở rộng vết mổ cũ, làm sạch tổ chức mủ và giòi.

Hốt hoảng với ca bệnh hiếm gặp: Ổ giòi to bằng đầu đũa ký sinh trong đầu

Giòi được gắp ra sau khi phẫu thuật

Sau khi mổ phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện có nhiều giòi nằm phía ngoài mảnh titan đã cấy ghép khi bệnh nhân bị tai nạn trước đó 3 năm và đào hầm ở tổ chức mủn nát ngay dưới da đầu. Phía dưới mảnh titan là tổ chức mủ thối, không có giòi. Bệnh nhân được lấy bỏ mảnh titan, nạo sạch tổ chức mủn nát ngay dưới da đầu, lấy hết giòi, làm sạch tổ chức mủ dưới mảnh titan.

Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân ổn định, không sôt, vết mổ khô, dẫn lưu ra ít mủ. Bệnh nhân sau đó được chuyển về bệnh viện tỉnh Nghệ An điều trị.

Trong một số trường hợp, giòi cũng có tác dụng trị bệnh

Ấu trùng ký sinh trong cơ thể động vật có vú còn được gọi là myiasis. Ký sinh trùng này dễ xuất hiện ở các vết thương hở. Ở các nước phát triển, chúng thường xuất hiện ở vật nuôi và gây nhiều thiệt hại về kinh tế, còn ở người rất hiếm gặp.

Bệnh thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi điều kiện sống thấp và khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Bệnh xuất hiện khi côn trùng có cách đẻ trứng vào vết thương hở. Cho đến nay, ấu trùng ký sinh trong não người là bệnh rất hiếm gặp, mới chỉ có 8 trường hợp được mô tả trong y văn thế giới. Tuy nhiên, cả 8 trường hợp này đều tử vong sau khi phát hiện ra bệnh dù được điều trị và phẫu thuật.

Việc sử dụng giòi trong điều trị đã được biết đến từ lâu. Đến năm 2004, hiệp hội an toàn thực phẩm của Mỹ (FDA) đã chính thức công nhận giòi như một liệu pháp điều trị cho một số bệnh như vết thương hoại tử da và phần mềm, loét tì đè, loét do nhồi máu, loét bàn chân thần kinh do tiểu đường và các vết thương khó liền sau chấn thưng hoặc sau phẫu thuật.

Cơ chế tác dụng của giòi cũng đã được một số nghiên cứu chỉ ra rõ như làm sạch tổ chức mủn nát hoại tử, kháng khuẩn và kích thích quá trinh liền sẹo. Với lượng lớn giòi nhỏ kích thước 1-2 mm có thể dọn dẹp sạch sẽ ổ mủ hoặc hoại tử chỉ trong vòng 48-72 giờ trước khi đạt đến kích thước 8-10 mm. Ngoài ra giòi còn có tác dụng chống nhiễm khuẩn với nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu nhóm A, B, vi khuẩn kị khí và ái khí Gram dương…

Theo ThS. BS Nguyễn Đức Anh - khoa Phẫu thuật Thần kinh, BV Việt Đức, trường hợp bệnh nhân này do sự kết hợp giữa yếu tố nhiễm trùng vết mổ làm cho vết mổ mưng mủ và vỡ ra với yếu tố vệ sinh thân thể và điều kiện sống nghèo nàn nên ruồi đẻ trứng vào ổ mủ ở trên đầu bệnh nhân.

"Rất may cho bệnh nhân này là ổ nhiễm trùng và giòi nằm hoàn toàn ngoài màng cứng ngay dưới da đầu. Chỉ đến khi bệnh nhân và người nhà thấy có giòi bò ra từ vết nhiễm trùng mới vào viện. Khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, điều ngạc nhiên là trên đầu bệnh nhân rất nhiều giòi, đến nỗi mà chúng tôi không thể nào gắp hết ra được ở phòng tiểu phẫu. Tuy nhiên thể trạng bệnh nhân rất tốt, không có biểu hiện nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, sẹo mổ liền tốt", bác sĩ Nguyễn Đức Anh cho biết.

 

Phương Phương

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang