Hướng đến bộ máy quản lý tinh gọn, thông suốt và hiệu quả

author 16:21 28/04/2015

(VietQ.vn) - “Không thể nào hành động với bộ máy của ngành lủng củng như hiện nay, chúng ta phải chấn chỉnh lại”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy trước gần 500 cán bộ chuyên ngành ở các địa phương tham dự Hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 14/2015, Thông tư 15/2015 và Đề án kiện toàn tổ chức ngành.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho hay, hội nghị trên diễn ra ngày 24/4/2015, tại Hà Nội.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang triển khai hai chương trình lớn là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng nông thôn mới. Và để thực hiện được chủ trương này thành công, yếu tố quan trọng hàng đầu là khâu tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp. Chính vì thế, Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV (có hiệu lực từ ngày 11/5/2015) quy định rõ về cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, thống nhất giữa các địa phương và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính Nhà nước, cải cách công vụ của Chính phủ. Một trong những điểm mới của Thông tư quy định thống nhất mỗi Sở NN&PTNT có không quá 6 Phòng và 7 Chi cục quản lý chuyên ngành. So với trước giảm 2 phòng và từ 1 đến 3 Chi cục ở địa phương… Về số lượng cấp phó Sở và Chi cục, Thông tư quy định rõ không quá 3 Phó Giám đốc Sở; không quá 2 Phó Chi cục trưởng các Chi cục quản lý chuyên ngành.

Bộ NNPTNT hướng đến bộ máy quản lý tinh gọn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ NN-PTNT

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu thực hiện đúng theo Thông tư Liên tịch số  14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV thì cả nước sẽ giảm được hơn 300 Chi cục và phòng. Đó là chưa kể số lượng cán bộ cấp phó ở cấp Sở, Chi cục sẽ giảm đáng kể so với hiện nay. Theo đánh giá của các đại biểu, việc thực hiện thông tư này không chỉ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về quản lý ngành ở địa phương mà còn phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giúp tinh giảm biên chế theo chỉ đạo của Đảng cũng như của Chính phủ đã đề ra.

Bên cạnh đó, triển khai “Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính”, ngành nông nghiệp tập trung xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc hệ thống đảm bảo không chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ được giao, đảm bảo tinh gọn theo hệ thống và thống nhất theo hướng quản lý theo chuỗi sản xuất, trong đó có tính đến đặc thù của từng chuyên ngành và một số địa phương. “Chúng tôi sẽ rà soát, sắp xếp lại hệ thống bộ máy của các Sở Nông nghiệp và PTNT, các phòng quản lý Nhà nước về phát triển Nông nghiệp và PTNT ở các huyện theo hướng rút gọn bộ máy nhưng làm cho nó hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn. Đồng thời, chúng tôi sẽ sắp xếp lại bộ máy về cán bộ theo hướng xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của từng vị trí công việc trên cơ sở đó bố trí cán bộ phù hợp theo hướng tinh giảm mà Đảng và Chính phủ đang chỉ đạo” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Trần Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang