Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh về chất và lượng?

authorUyên Chi 22:17 02/06/2015

(VietQ.vn) - Những năm gần đây cũng đã cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong cải thiện năng suất chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường đầy thách thức và những biến động không thuận lợi.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh về chất và lượng?Ngân hàng ABBANK và Tổ chức Tài chính Quốc tế khởi động dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cải tiến năng suất và yếu tố sống sống còn

Nhìn lại lịch sử những năm đổi mới quản lý kinh tế cho thấy hàng hóa Việt Nam từ chỗ bị thua ngay trên sân nhà khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường nội địa trong một thời kỳ nhưng nay phần lớn sản phẩm hàng hóa Việt Nam tạo ra đã lấy lại được niềm tin về chất lượng, đẩy lùi được hàng hóa Trung Quốc. 

Tuy nhiên những thách thức lớn đang hiển hiện trước mắt, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước ASEAN mà trực diện nhất là hàng hóa Thái Lan. Phải thừa nhận, so với người Thái, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở thế bất lợi cả về chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy việc triển khai áp dụng các hệ thống, mô hình và công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong các  doanh nghiệp Việt Nam đang cấp bách và đặt ra đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc rộng rãi hơn bao giờ hết.

Theo quan điểm của PGS-TS Trương Đoàn Thể - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, bài học từ quốc gia châu Á – Nhật Bản trong việc cải tiến năng suất và chất lượng thì Việt Nam cần rất nhiều những cải tiến cả môi trường vĩ mô và bản thân các doanh nghiệp. 

Môi trường vĩ mô là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động có năng suất, chất lượng hay không bởi giá thành sản phẩm hàng hóa không chỉ bao gồm những chi phí do tổ chức hoạt động của doanh nghiệp tạo ra mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những chi phí giao dịch của nền kinh tế. 

Năng suất theo cách tiếp cận mới chính là một đơn vị chi phí đầu vào tạo ra được nhiều hơn sản phẩm đầu ra được khách hàng chấp nhân hoặc để tạo ra một đơn vị giá trị đầu ra cần ít chi phí đầu vào hơn. Với cách tiếp cận đó để cải tiến năng suất chất lượng cần sự nỗ lực của cả Chính phủ và các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. 

“Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài nếu nhanh chóng tiếp cận và triển khai áp dụng các hệ thống, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến trên thế giới. Những bài học về một số ngành như đồ uống, xe máy điện tử… đã cho thấy rõ điều đó”, ông Thể nêu quan điểm. 

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh về chất và lượng?Doanh nghiệp chỉ có thể cạnh tranh bằng việc cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa

Hướng đi nào?

Nhận định về sự yếu kém về năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua có nguyên nhân trước tiên thuộc về các doanh nghiệp mà nguyên nhân lớn nhất là vẫn quản lý nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm, chậm tiếp thu các hệ thống quản lý mới. 

Để đạt được những mục tiêu phát triển đề ra, theo ông Thể các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến vai trò, sự hiểu biết và quyết tâm nhất quán của đội ngũ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là các giám đốc doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng nếu không muốn nói là quyết định đến sự thành công của việc thực hiện Chương trình nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa Việt Nam đến năm 2020.

Xây dựng được đội ngũ chuyên gia tư vấn có năng lực và kiến thức chuyên sâu về các hệ thống quản lý và cải tiến chất lượng. Đội ngũ này cần liên tục cập nhật kiến thức thông tin về hệ thống quản lý và cải tiến năng suất chất lượng.

Sự tuyên truyền quảng bá rộng rãi về năng suất chất lượng đóng vai trò mở đầu để nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các doanh nghiệp đến các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Triệt để và nghiêm túc triển khai áp dụng hệ thống, công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong từng doanh nghiệp để tạo thói quen làm việc theo quy trình, thủ tục, xóa bỏ lề lối làm việc tự do của cả đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động Việt Nam. Đây là một trong những nhược điểm cản trở sự triển khai thành công các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Cần tổ chức điều tra khảo sát đánh giá tổng thể về tình hình áp dụng hệ thống, công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp bao gồm cả những công ty tham gia và không tham gia chương trình, để có cơ sở dữ liệu thực tế về nhu cầu áp dụng, sự hiểu biết về hệ thống, công cụ, hiệu quả của chương trình đặt trong tổng thể chung của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, sự tác động lan tỏa của việc triển khai chương trình. Trên cơ sở đó xác định các doanh nghiệp cần hỗ trợ công cụ và  hệ thống một cách hợp lý.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang