Hương vị đồng quê trong những thức quà xưa

author 07:59 30/07/2014

(VietQ.vn) – Hương vị hiền lành của những thức quà quê dân giã hòa quyện vào tuổi thơ của đứa trẻ nông thôn một thời nghèo khó và bám riết cho đến tận lúc trưởng thành.

Những chiếc bánh sinh ra từ làng quê mộc mạc như bánh đúc, bánh giò, cơm nắm trông giản dị nhưng thấm đẫm nghĩa tình như chính tình dân quê, chính bởi vậy mà những thức quà quê ấy luôn giữ chân lòng người xa xứ để gợi nhắc về một thời lam lũ nơi trên cánh đồng ngày vụ.

Bánh đúc thâm trầm

Bánh đúc thâm trầm

Bánh đúc thâm trầm

Bánh đúc là món quà quê dùng để ăn sáng hay ăn lúc xế chiều như một thức quà vặt, tạo cảm giác mới lạ cho người thành phố bởi vị béo ngậy, trơn mượt của bánh cùng với mùi thơm ngọt của tương khiến ai khi thưởng thức cũng phải xuýt xoa vì lạ miệng.

Được chế biến từ bột gạo xay nhuyễn, pha với nước vôi trong để bánh có màu trắng ngà, lại thêm màu nâu sẫm của mấy hạt lạc rải lên trên khiến cho mùi vị của bánh đúc thêm đa dạng với vị bùi béo của lạc.

Người nhà quê thưởng thức bánh đúc, thường chấm cùng nước tương cho đúng chất dân giã của nó, khi lên đến thành phố, bánh đúc được biến tấu với nhiều loại nước dùng khác nhau hoặc dùng ăn kèm với nộm, với đậu phụ. Nhưng cho dù là thưởng thức theo cách nào đi chăng nữa thì trong từng chiếc bánh trắng mỏng, mịn màng vẫn cảm thấyhương vị đồng quê, sự thanh khiết, nhẹ nhàng của ẩm thực truyền thống.

Bánh giò mộc mạc

Bánh giò mộc mạc

Bánh giò mộc mạc

Ở nhiều vùng quê, bánh giò vẫn thường được gọi là bánh gói, bởi nó được gói trong cẩn thận trong những chiếc lá chuối tươi mang dáng dấp tỉ mỉ, cẩn thận của những người dân quê.

Được làm từ bột gạo pha chút bột nếp, nhân bánh giò là hỗn hợp của thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, hạt tiêu, muối và nếu cầu lỳ hơn có thể cho thêm trứng cút.

Chiếc bánh giò lúc nào cũng nóng hổi và nhiều khi còn bốc khói trắng, không gì bằng những buổi sớm mai, ngồi thưởng thức bánh giò nóng, cảm nhận vị mềm của bánh, vị béo dai của thịt, vị thơm của hành khô và vị cay nồng của hạt tiêu, thỉnh thoảng lại bắt gặp mấy miếng mộc nhĩ sần sật thì quả là điều tuyệt vời.

Bánh giò từ chốn làng quê đã mon men ra chốn thị thành, để rồi trở thành món ăn sáng đặc sắc với nhiều khúc biến tấu khác nhau, nhưng những mùi vị dân giã của “cái thuở ban đầu” ấy vẫn là dư vị khó quên trong lòng thực khách.

Cơm nắm ấm lòng thực khách

Cơm nắm ấm lòng thực khách

Cơm nắm ấm lòng thực khách

Những miếng cơm nắm trắng phau, chưa đưa lên miệng đã cảm nhận thấy mùi hương thơm của lúa chín, của phù sa, của mồ hôi người nông dân chân lấm, tay bùn và còn thấy cả một hình bóng quê nhà.

Cơm nắm thường ăn với muối vừng, như thế mới càng làm dậy nên hương vị của cơm nắm, ngoài ra nhiều người còn ăn cơm nắm với ruốc, với giò, với chả. Những nắm cơm trắng mịn, tròn tròn, dẹt dẹt, được cắt đều tăm tắp, xếp trong những chiếc mẹt được bày bán nơi góc phố hay hẻm chợ.

Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo nấu thành cơm rồi nắm lại, nhưng để có được những miếng cơm trắng tinh, mềm dẻo và bùi thì cần có sự khéo léo của những người đầu bếp, để cơm nắm có vị đậm đà hơn.

Người dân thành thị đã quen với những tiếng rao sáng sớm cơm nắm muối vừng, thứ quà quê thơm ngon và tinh tế, để đến ngày hôm nay cơm nắm vẫn có những vị riêng mang những tâm tư của người dân phố thị.

Cao Huyền


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang