“Hút” khách teen bằng dịch vụ "độc" trên “dế”

author 14:03 20/05/2013

(VietQ.vn)- Để “chiều lòng” những thượng đế tuổi teen đầy tiềm năng, các nhà mạng đều cố gắng tung ra nhiều dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) giải trí hấp dẫn độc đáo ngay trên “dế”.

"Chạy đua" dịch vụ GTGT

Hiện nay, độ tuổi người dùng di động ngày một trẻ hơn. Đặc biệt hình ảnh những em học sinh tuổi teen xài “dế” là chuyện khá bình thường.

Xu hướng cạnh tranh “giành giật” khách hàng trẻ của các nhà mạng chủ yếu đánh vào tâm lý của teen như đưa ra các dịch vụ giải trí hấp dẫn, những bản nhạc chuông, nhạc chờ sáng tạo vui nhộn hay những dịch vụ hấp dẫn như lướt web, xem You Tube, đọc truyện tranh, tạo status (trạng thái)… ngay trên “dế”.

Ngoài ra, các hãng viễn thông di động đang muốn tạo dựng hình ảnh trẻ trung, sôi động khi chạy đua mời các hotgirl hay hotboy nổi tiếng tham gia các chương trình quáng cáo, tiếp thị.

Luôn đứng đầu trong việc dành thuê bao và tạo xu thế sử dụng di động tối tân nhất, ba nhà mạng đại gia không nằm ngoài cuộc chạy đua này.

VinaPhone cung cấp tới khách hàng hơn 80 dịch vụ giá trị gia tăng tiện ích với đầy đủ các tính năng phục vụ cho nhu cầu giải trí của giới trẻ.

Giới trẻ thích thú trải nghiệm các dịch vụ tiện ích ngay trên di động
Giới trẻ thích thú trải nghiệm các dịch vụ tiện ích ngay trên di động

Hiện các dịch vụ giá trị gia tăng trên di động do Viettel cung cấp cũng rất đa dạng như Imuzik nhạc chờ, MCA thông báo cuộc gọi nhỡ, đọc báo trên “dế” thông qua DailyExpress, Mbook, Mobile Newspaper, xem tivi MobiTV, sử dụng Yahoo chat, Chat1338, check mail Imail, Vmail, đọc truyện tranh  Icomic.

Nhiều dịch vụ giá trị gia tăng, đặc biệt là các dịch vụ trên nền 3G, tiếp tục được triển khai cung cấp tới khách hàng.

Ngoài các dịch vụ cơ bản như check mail, thông báo cuộc gọi nhỡ, nhạc chuông, nhạc chờ, xem tivi, chat tán gẫu, facebook như các nhà mạng khác, ngày 15/5, MobiFone đã ra mắt 3 dịch vụ GTGT khá mới mẻ và hấp dẫn là mStatus, mWin và FunClass.

Trong đó, mSatus là dịch vụ giúp khách hàng tự biên soạn và trao đổi các thông điệp thể hiện tậm sự, cảm xúc hoặc một thông báo khi gọi hoặc nhận cuộc gọi từ các thuê bao khác.

Dịch vụ mWin cung cấp các kiến thức về y tế, giáo dục, âm nhạc, thể thao, điện ảnh, showbiz, tham gia bình chọn, dự đoán kết quả các gameshow trên truyền hình, kết bạn, chơi các trò chơi… cùng cơ hội giành các giải thưởng theo ngày, theo tuần và theo tháng.

Dịch vụ FunClass, người dùng sẽ có những bài học tiếng Anh phù hợp với trình độ gửi qua SMS.

Các thuê bao là thành viên của FunClass vừa có thể trau dồi và nâng cao kiến thức tiếng Anh, vừa tích điểm trong suốt thời gian sử dụng, vừa tăng cấp độ và có cơ hội giành giải thưởng hàng tháng là một máy tính xách tay cao cấp MACBOOK AIR 13.3 inch.

Nội dung dịch vụ GTGT liên tục thay đổi

Phần đông các đối tượng khách hàng “teen” đều sử dụng các dịch vụ tiện ích thông qua công nghệ 3G như đọc báo, đọc truyện tranh, chat yahoo, lướt web, download nhạc, xem YouTube…

Em Phương Anh, học sinh lớp 10 trường Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), cho biết “Dùng di động chỉ để nghe gọi bây giờ là quá “quê”. Với hàng loạt các dịch vụ di động tiện ích mà nhà mạng cung cấp. Một chiếc di động có thể đa dạng tính năng không kém gì một chiếc laptop”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm GTGT của MobiFone cho biết trong xu thế hiện nay, các dịch vụ giải trí đang bão hòa và các nhu cầu thiết thực của cá nhân trong cuộc sống được quan tâm nhiều hơn, cùng với sự phát triển của các trang mạng, nên các dịch vụ GTGT hiện cũng đi theo xu hướng này, đến nay đã cho doanh thu khoảng 32,6% trên tổng doanh thu các dịch vụ của MobiFone.

Tuy nhiên, ông Linh cũng cho biết, “vòng đời” của các dịch vụ GTGT không dài. Các nhà mạng luôn nỗ lực phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến giúp cải tiến dịch vụ mới thay thế cho các dịch vụ cũ để hấp dẫn các thuê bao hơn.

Nhiều chuyên gia về viễn thông nhận định, việc đua nhau giảm giá cước cũng tạo được sự cạnh tranh lớn giữa các nhà mạng.

Tuy nhiên, phần nhiều khách hàng hiện nay lại có xu hướng chọn mạng di động căn cứ vào đẳng cấp thương hiệu và chất lượng dịch vụ hơn là giá cước.

Thanh Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang