"Hủy diệt sức khỏe" vì tranh thêu chữ thập

author 15:01 28/03/2014

(VietQ.vn) – Người thêu tranh chữ thập có thể mắc các bệnh về mắt, về xương khớp, đau dây thần kinh tọa, đau lưng do ngồi nhiều, nhiễm các chất độc từ mầu nhuộm, phẩm mầu trên vải, trên chỉ thêu.

Trôi nổi, khó kiểm soát

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, tại thị trường Hà Nội ghi nhận có tới hàng trăm mẫu tranh thêu chữ thập được bày bán không có thông tin ghi nhãn đầy đủ bằng tiếng Việt, không biết nguyên liệu, thành phần chất lượng sản phẩm ra sao, cảnh báo an toàn thế nào. Tất cả các sản phẩm đều được in nhằng nhịt những chữ tiếng Trung Quốc. Mọi lời chỉ dạy, giới thiệu về hàng hóa, giá cả, chất lượng đều được người bán hàng bỏ qua và chỉ tập trung giới thiệu với người mua mẫu này, mẫu kia đang đắt hàng. Kinh nghiệm chọn hàng cũng chỉ là “truyền miệng”. Khi hỏi, không ít chủ cửa hàng cho biết, là hạng Trung Quốc 100% và chỉ cần alô là có người mang hàng tới, số lượng bao nhiêu cũng có và chẳng có cơ quan chức năng nào hỏi đến việc kinh doanh sản phẩm này.

Tranh thêu chữ thập không có nhãn phụ tiếng Việt bán tràn lan

Tranh thêu chữ thập không có nhãn phụ tiếng Việt bán tràn lan. Ảnh: K. C

Gặng hỏi mãi, chủ cửa hàng tranh thêu trên đường Xuân Đỉnh, Từ Liêm mới cho biết, cả phôi tranh và chỉ thêu đều được đóng gói trong một bao bì rất cẩn thận và gọn gàng. Chỉ thêu có nhiều màu, được bố trí theo các họa tiết trong tranh và mỗi tranh đều có chỉ số màu phù hợp. Theo chủ cửa hàng này, tranh thêu chữ thập có mấy trăm màu, hiển nhiên chỉ thêu phải được nhuộm. Tuy nhiên, quy trình, mức độ, thành phần phẩm màu nhuộm có đảm bảo hay không thì không ai dám chắc!

Khi được hỏi, nhiều người thừa nhận có thói quen cắn chỉ, ngậm chỉ thêu trong quá trình thêu tranh. Chị Phương, một người thêu tranh trên đường Cổ Nhuế, Từ Liêm cho biết, chị có kéo cắt chỉ hỗ trợ trong quá trình thêu, tuy nhiên ít khi chị dùng đến. Theo thói quen, chị thường cắn chỉ khi hết mối thêu. Điều này khiến chị cảm thấy mất vệ sinh và không an toàn nhưng đã là thói quen khó bỏ.

Cận nặng vì thêu tranh chữ thập

Cận nặng vì thêu tranh chữ thập. Ảnh: K. C

Phát biểu trước báo giới mới đây, ThS. Trần Thị Thu Dung - Giám đốc Trung tâm thí nghiệm Dệt may (Viện Dệt may) cho biết, hiện chưa có bất cứ đơn vị nào nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo bà Dung, các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo là các chất bị cấm có trong vải. Còn formandehyde cũng được xem là chất có nguy cơ gây ung thư, dị ứng cho người sử dụng.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tránh vuốt, mút chỉ thêu, sau khi thêu nên rửa sạch tay bằng xà phòng, tránh dùng tranh thêu cho các sản phẩm tiếp xúc bề mặt da.

Suy giảm sức khỏe

Như đã nói, tranh thêu chữ thập có một sức hút kỳ lạ, khiến nhiều người say mê tới quên ăn quên ngủ, ngồi một chỗ cả ngày trời để chăm chút cho từng đường kim mũi chỉ. Tuy nhiên, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người.

Nguy cơ mắc bệnh nan y từ thuốc nhuộm của chỉ thêu tranh chữ thập

Nguy cơ mắc bệnh nan y từ thuốc nhuộm của chỉ thêu tranh chữ thập. Ảnh: K. C

Bạn Thanh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội kể, bạn từng ấp ủ thêu một sức tranh tặng Mẹ nhân dịp 8/3. Để đảm bảo bức tranh được hoàn thành đúng hạn, bạn đã dành nhiều thời gian, công sức thêu tranh, có ngày ngồi 1 chỗ thêu cả chục giờ đồng hồ.

Bạn cho biết: “Sau giờ học trên lớp, tôi dành hết tâm trí cho bức tranh, hạn chế ngủ và thêu miệt mài trong nhiều đêm liền. Hơn 1 tháng sau, mắt tôi thâm quầng, thị lực suy giảm”. Thêu tranh với những họa tiết tỷ mỷ, nhiều màu sắc cần phân biệt, lại làm việc dưới ánh sáng đèn điện ban đêm không đủ sáng nên sau đó Thanh bị cận thị.

Không chỉ bị ảnh hưởng về thị lực, nhiều người còn mắc các chứng đau lưng, đau đầu, đau vai, gáy, cổ do ngồi nhiều một chỗ, ít di chuyển hoặc ngồi sai tư thế. Thậm chí, cô Hiền, một thợ thêu tranh chữ thập có tiếng khu Xuân La, Tây Hồ còn bị chai sạn, biến dạng đầu ngón tay sau thời gian dài thêu tranh. Cô cho biết, những ngày đầu tập thêu, mũi kim không nghe theo ý, cứ đâm xuyên bên nọ, chọc ngang sang bên kia khiến cô bị chảy máu đầu ngón tay là chuyện thường, Sau đó, đầu ngón tay chỏ là điểm tựa cho mũi kim nên lâu dần, nó chai sạn đi, biến dạng,

“Thêu tranh chữ thập đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và tinh thần, tuy nhiên những hậu quả mà nó gây ra thật không thể lường trước được, nếu mình không có biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân”, cô Hiền tâm sự,

Khổng Chiêm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang