Huy động nguồn trí thức kiều bào

author 15:39 19/03/2014

(VietQ.vn) - Đã có nhiều chính sách vận động, thu hút nhưng lượng trí thức, chuyên gia kiều bào về nước cống hiến vẫn chưa tạo thành động lực lực đáng kể cho sự phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) nước nhà.

Tiềm năng lớn cần được khai thác

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có khoảng 4,5 triệu người, tăng hơn 25 lần so với năm 1975, được phân bố không đồng đều tại 104 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, kể cả những khu vực nghèo, đang phát triển ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, hoặc các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.

Đặc biệt, trong số đó, hiện có khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức NVNONN, chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển như: Mỹ, Australia, Pháp, Nga, Canada, Đức... Đội ngũ trí thức kiều bào tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như: Tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, vật lý, quản lý kinh tế… Không ít người đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới. Đây là tài sản quý giá của đất nước ta, rất cần được phát huy và tạo điều kiện để họ góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Có thể khẳng định rằng, đại đa số trí thức NVNONN, dù sống xa Tổ quốc, nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa, luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có nhiều đóng góp vật chất, tinh thần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, họ luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn góp phần phát triển quê hương và sẵn sàng làm cầu nối giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Đội ngũ trí thức kiều bào luôn được tiếp cận môi trường khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Thêm vào đó, thế mạnh của đội ngũ trí thức NVNONN là được đào luyện, tiếp cận môi trường khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiếp cận và nắm bắt được phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và chuyên ngành. Họ có khả năng phát kiến sáng tạo, có năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất và tạo dựng mối quan hệ với các cơ sở khoa học, cơ sở kinh tế ở nước sở tại.

Như trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 200 trí thức kiều bào hợp tác trực tiếp với các trường Đại học, Cao đẳng, khu công nghệ cao, các bệnh viện. Hầu hết trong số này là các giáo sư, tiến sĩ đã có tuổi, sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu ở nước ngoài. Việc thu hút những nhà khoa học, trí thức trẻ dường như là bất khả thi vì như mọi người trẻ tuổi khác, họ cũng có những vướng bận cá nhân.

Dù lượng trí thức về làm việc trong nước chưa lớn nhưng lại có hiện tượng, sau một thời gian trở về làm việc, không ít chuyên gia đã không trụ được lâu dài do gặp nhiều khó khăn. Khu Công nghệ cao TP.HCM, có thời điểm tiếp nhận gần 30 chuyên gia Việt kiều đầu ngành tại Mỹ, Canada, Nhật… nhưng đến nay chỉ còn vài người tiếp tục cộng tác.

Là địa phương có liên hệ với hơn 50% người Việt Nam ở nước ngoài, mới đây, Thành ủy TP.HCM vừa tiếp tục chấp thuận việc thực hiện một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ và nhân lực chất lượng cao bằng thu nhập theo đề xuất của Ban Tổ chức Thành ủy. Đây được xem là chính sách đột phá hiện nay trong việc thu hút nhân tài, chuyên gia có trình độ chuyên môn, kỹ năng cao thuộc các lĩnh vực quan trọng mà TP.HCM đang quan tâm đầu tư phát triển.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiếp tục bổ sung, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đây là nguồn lực rất lớn và quý giá của đất nước cần được vận động, phát huy bằng nhiều cách. Về nước để cống hiến, nhưng trí thức Kiều bào còn cần môi trường sống thích hợp và môi trường làm việc đủ cởi mở để tự tin phát huy.

Chính sách tốt thu hút kiều bào

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, “việc củng cố và thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng NVNONN, đặc biệt là lực lượng doanh nhân, trí thức kiều bào đối với đất nước là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Đây là chủ trương đúng đắn bởi tiềm lực kinh tế, tri thức trong giới doanh nhân, trí thức kiều bào còn rất lớn”.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút đội ngũ trí thức NVNONN về nước hợp tác khoa học, kỹ thuật… đóng góp cho quê hương. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Số lượng trí thức NVNONN nói riêng và cộng đồng NVNONN nói chung trở về nước hoạt động ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sự gắn kết giữa lực lượng này với trong nước cũng như việc thu hút nguồn lực trí thức NVNONN đóng góp cho đất nước còn chưa được phát huy tối đa.

Tiến sĩ Trần Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại thành phố Košice, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Slovakia thì chia sẻ: “Tiềm lực khoa học và công nghệ của các thế hệ NVNONN không ngừng phát triển. (...) Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta chủ trương huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực chất xám của tri thức NVNONN phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách thu hút đội ngũ trí thức kiều bào về đóng góp cho quê hương.

Tuy nhiên, tiềm năng của đội ngũ trí thức kiều bào còn rất lớn. Vì vậy, cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của các cấp lãnh đạo, tiếp tục có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính,… để thu hút chất xám, phát huy sự đóng góp của đội ngũ trí thức NVNONN góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh”.

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang