Hủy kết quả thi nếu đưa lên mạng video tố cáo tiêu cực?

author 08:19 28/02/2013

(VietQ.vn) - Dù cho thí sinh mang máy ghi âm, máy quay vào phòng thi nhưng Bộ Giáo dục lại cấm các em phát tán trên mạng.

Quy chế thi tốt nghiệp mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu, người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào.
 
Sau sự cố Đồi Ngô, học sinh được mang camera vào phòng thi.
Sau sự cố Đồi Ngô, học sinh được mang camera vào phòng thi
 
Nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và ban thanh tra giáo dục các cấp. Những đơn vị này có nhiệm vụ xác minh lại tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết.
 
Tuy nhiên, nếu các cơ quan này không xử lý hoặc "thu vén" nội bộ thì sẽ ra sao? Nếu có video gian lận, sao lại cấm học sinh đưa lên mạng?
 
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS Bùi Văn Ga cho rằng, việc cho học sinh được mang máy ghi âm, ghi hình không có chức năng nhận thông tin là để góp phần chống tiêu cực.
 
Tuy nhiên, nếu các em phát tán các video này sẽ gây loạn thông tin, làm khó khăn cho cơ quan điều tra.
 
Nếu học sinh nào cố tình vi phạm, có thể sẽ bị hủy kết quả thi vì vi phạm quy chế, GS Ga khẳng định.
 
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương phải tiếp nhận và xử lý đến nơi, đến chốn những thông tin mà người dân cung cấp, để tránh tình trạng bưng bít thông tin, che giấu sai phạm.
 
Tuy nhiên, thầy giáo nổi tiếng Đỗ Việt Khoa khi trả lời báo Lao Động lại phản đối vì quy định này vi phạm Luật Báo chí, Luật Khiếu nại tố cáo khi đưa ra quy định khống chế thời gian nộp bằng chứng vi phạm trong vòng 7 ngày, trong khi theo các điều luật nêu trên thời gian tố cáo từ 3 tháng – 2 năm trở lên. Việc này cũng vi phạm quyền dân sự của người dân.
 
"Trở lại vụ việc của tôi năm 2006, khi quay được 2 clip tiêu cực, tôi có hỏi ý kiến thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Bành Tiến Long thì được khuyến khích tiếp tục. Nhưng khi gửi lên Sở GD&ĐT Hà Tây thì không nhận được câu trả lời. Tôi tiếp tục gửi lên Bộ thì được Chánh thanh tra giáo dục khi đó khuyên là nên chuyển cho các cơ quan báo chí để gây sức ép cho địa phương giải quyết chứ chỉ Bộ GD&ĐT thì không làm được. Và chỉ khi có sức ép mạnh mẽ của dư luận thì địa phương mới xử lý vụ việc. 

Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT là thuộc quyền tổ chức của UBND, sở GD&ĐT địa phương, Bộ không có thực quyền. Điều này tiếp tục lặp lại trong vụ tiêu cực Đồi Ngô năm 2012. Vụ việc cũng do Bắc Giang giải quyết.

Nói ngắn gọn: ngành giáo dục là dạy người, phải gương mẫu hơn các ngành khác ở chỗ phải công khai, minh bạch, dân chủ. Sai thì phải công khai để mà sửa chứ giấu đi thì làm sao mà dạy được ai nữa?

Bộ phải xem lại quy định này. Muốn nhân dân chống tiêu cực thật sự hay không thì phải bảo thật chứ đừng cho mọi người ăn bánh vẽ nữa", người thầy giáo nổi tiếng này đề nghị.
 
Hồng Hạnh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang