Hủy tư cách ĐB Quốc hội đối với 2 người: Tiếc xong mới thấy mừng!

author 07:11 24/07/2016

(VietQ.vn) - Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc hủy tư cách đại biểu Quốc hội đối với 2 người trúng trước khi Quốc hội khai mạc là đáng tiếc nhưng vẫn đáng mừng…

Sáng qua 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi gặp mặt với các cơ quan thông tấn báo chí sau khi vừa nhậm chức.

Lời mở đầu, Chủ tịch Quốc hội thay mặt lãnh đạo Quốc hội khóa 14 gửi lời cảm ơn sâu sắc đến báo chí đã quan tâm theo dõi, đưa tin về hoạt động của Quốc hội suốt thời gian qua, cũng như sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quốc hội khóa 14 để kịp thời đưa thông tin đến đồng bào cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hôi Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí.

“Chúng tôi ý thức được trách nhiệm nặng nề khi được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội và được Quốc hội bầu vào các vị trí lãnh đạo. Cá nhân tôi sẽ phát huy kinh nghiệm của các chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm, thực hiện tốt thẩm quyền trách nhiệm của mình”, bà Ngân nói.

Tại buổi gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên quan tâm: Vì sao lùi luật Biểu tình; vấn đề chủ quyền biển đảo; vấn đề nợ công có khả năng vượt giới hạn; việc thảo luận tại hội trường;…

Cần nghiên cứu thêm Luật Biểu tình

Với Luật Biểu tình, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc lùi lại là cũng để nghiên cứu một cách thấu đáo. Nhiều nơi, tình hình thực tiễn diễn ra khiến nhà nước rất lo lắng. Đảm bảo quyền của công dân nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa với lợi ích của đất nước. Vậy nên đảm bảo quyền biểu tình của nhân dân cũng phải dựa trên sự đảm bảo, kiểm soát của nhà nước chứ không ai muốn người dân thực hiện quyền biểu tình mà lại làm náo loạn đất nước.

Cần khôn khéo, không nên hô hào kích động

Vấn đề chủ đề chủ quyền biển đảo sẽ được đề cập thế nào ở khóa 14? bà Ngân nhấn mạnh lập trường nhất quán không đổi của Việt Nam về chủ quyền: "Đó là điều thiêng liêng đối với mỗi người dân. Người Việt hơn ai hết mong muốn, yêu chuộng hòa bình.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là trong điều kiện tranh chấp 4 nước 6 bên, chúng ta phải có biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao và thực địa, tôn trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, để dân ta yên ổn làm ăn, sinh sống, kinh tế phát triển. Ta không hiếu chiến, đe dọa vũ lực, ta cũng đề nghị các nước không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nước ta cần khôn khéo, không nên hô hào kích động, làm rối tình hình, ảnh hưởng ổn định. Chúng ta không muốn rối ren, giữ được chủ quyền biển đảo mà cũng giữ được hòa bình”.

Nợ công vẫn kiểm soát được

Về vấn đề nợ công, Chủ tịch Quốc hội nhận định, Việt Nam hiện vẫn kiểm soát tốt tỉ lệ nợ công nhưng đến lúc trả nợ thì có khó khăn, có hiện tượng phải vay để đảo nợ.

Theo bà Ngân, để đảm bảo áp lực trả nợ, không thay đổi cơ cấu nợ, không đổi vay ngắn hạn sang trung hạn và dài hạn. Xu hướng này đang diễn ra tốt để đảm bảo Việt Nam không dẫm theo vết xe đổ của những quốc gia đi trước ở châu Âu, ở Trung Phi.

“Quốc hội sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công. Trong thẩm tra các báo cáo tài chính, các cơ quan của Quốc hội nhất định kiểm tra chặt chẽ, không để bội chi tăng lên. Khoá trước chưa làm được nhưng khoá này chắc chắn phải làm, để đảm bảo nợ thực sự an toàn chứ không chỉ là dưới 65%”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Việc nào dân quan tâm sẽ dành nhiều thời gian để tranh luận

Về việc thảo luận tại hội trường, bà Kim Ngân cho biết, hiện cách làm là đảm bảo các đoàn đều được phát biểu. Nhưng một ngày cũng không được quá 55 ý kiến, nhiều ý kiến trùng nhau trong khi có những người am hiểu vấn đề muốn nói thêm lại không được.

“Theo tôi, vấn đề nào cử tri bức xúc thì nên để tranh luận, tránh việc dân ít quan tâm thì nói nhiều, việc dân quan tâm nhiều lại nói ít. Đổi mới là có thể gợi ý luôn vấn đề cần tranh luận tại tổ và trong điều hành, mời những đại biểu có hiểu biết sâu nói, có thể thêm thời gian phát biểu cho họ”, bà Ngân nói.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh đã bị hủy tư cách đại biểu

Việc hủy tư cách đại biểu Quốc hội đối với hai người trúng cử chỉ 2 ngày trước khi Quốc hội khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét là "đáng tiếc", nhưng vẫn đáng mừng vì đã sớm phát hiện và không công nhận.

“Còn hơn là để họ có tư cách, vào Quốc hội nói thế này thế nọ trước nhân dân, cử tri rồi mới làm thủ tục bãi nhiệm. Như thế còn đáng tiếc hơn”, bà Ngân chia sẻ.

Khẳng định Quốc hội sẽ giám sát, Chủ tịch Quốc hội nhắn nhủ mỗi đại biểu phải ý thức trách nhiệm trước cử tri, rèn luyện đạo đức của người đại biểu cho dân. Quốc hội sẽ đánh giá đại biểu thông qua tất các các hoạt động như phát biểu, họp tổ, tham gia đoàn giám sát..., nhưng khuyến khích đại biểu phát biểu tại hội trường để có cơ sở cho cử tri đánh giá.

VŨ NGUYÊN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang