Huyền Như tiếp tục “xin” lại biệt thự 43 tỷ đồng

author 11:07 24/12/2014

Ngày 23/12, Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong đại án Huỳnh Thị Huyền Như để làm rõ các yêu cầu kháng cáo. Huyền Như khẳng định lại không xin giảm án, chỉ xin lại căn biệt thự 43 tỷ đồng do bà Nguyễn Thị Lang (SN 1950, mẹ Huyền Như) đứng tên.

Quang cảnh phiên tòa

Cấn trừ nợ

Tại phiên tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận đã mang giấy tờ căn biệt thự này đi thế chấp cho người khác để vay tiền. HĐXX hỏi: “Bị cáo xác định lại tài sản này của ai? Huyền Như trả lời: “Đó là tài sản của mẹ bị cáo”.

HĐXX hỏi tiếp: “Của mẹ bị cáo sao lại bán cho người khác?”. Huyền Như đáp lại: “Bị cáo không bán, bị cáo chỉ đem giấy tờ căn nhà này đi cầm cố cho bà Lê Thị Ngọc Nga (người đang bị cấp sơ thẩm kiến nghị khởi tố về hành vi cho vay lãi nặng trong vụ án này – PV). Tuy nhiên, khi HĐXX mời bà Nguyễn Thị Lang lên thẩm vấn, bà Lang không có mặt.

Trở lại căn biệt thự 43 tỷ đồng, người đại diện của bà Lê Thị Ngọc Nga cho rằng, do toàn bộ giấy tờ căn biệt thự trên do bà Nga nắm giữ vì trước đó đã có thực hiện giao dịch với Huyền Như. Do đó, đại diện bà này yêu cầu giải tỏa kê biên căn biệt thự này do bà Nga đang nắm giữ các giấy tờ pháp lý.

Một người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác là bà Vũ Thị Kim Thịnh có đơn kháng cáo yêu cầu giải tỏa kê biên căn hộ Orient Apartment tại số 331 Bến Vân Đồn (quận 4, TPHCM). Bà Thịnh cho rằng đây là căn nhà tài sản có giao dịch mua bán với Huyền Như từ tháng 9/2010, song chưa có giấy tờ chuyển quyền sở hữu.

Bà Thịnh trình bày, việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận miệng, không có giấy tờ mua bán. Tại phiên tòa, bà cho rằng đã chuyển tiền 2 lần qua ngân hàng cho Huyền Như, với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng.

Nhiều bị cáo không kháng án do được xử nhẹ?

Bị cáo Nguyễn Thị Lành cho rằng trong bản án sơ thẩm kết bị cáo 2 tội: Cho vay lãi nặng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo nộp lại 150 tỷ đồng là khoản thu nhập bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng.

Tuy nhiên, đại diện VKS trích bút lục lời khai của Lành, từ năm 2008 đến năm 2012, Lành cho Như vay 268 món với số tiền 7.800 tỷ đồng, Như đã trả 9.000 tỷ đồng. Phần chênh lệch thu lợi bất chính 1.200 tỷ đồng. 

“Vậy tại sao bị cáo Lành chỉ nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 150 tỷ? Bị cáo Lành trả lời: “Không biết rõ, phiên tòa sơ thẩm tuyên nộp lại bao nhiêu thì bị cáo nộp bấy nhiêu”. Đại diện VKS cho rằng: “Đây là con số quá nhỏ so với số tiền bị cáo thu lợi bất chính nên bị cáo không kháng cáo?”. “Bị cáo biết rõ tòa tuyên án bao nhiêu thì bị cáo chấp nhận bấy nhiêu, chứ không có tiền để nộp lại nữa. Nên bị cáo không kháng cáo”, bị cáo Lành cho biết.

Bị cáo Lành cho rằng mình chỉ là trung gian, vay người này với lãi suất thấp rồi đem cho vay lại Huyền Như với lãi suất cao hơn. HĐXX cho rằng sẽ xem xét lại số tiền lãi suất 150 tỷ mà bị cáo này thu lợi bất chính mà bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó. Trong quá trình xét xử sẽ xem xét khoản tiền thu lợi bất chính mà bị cáo nộp lại đã đúng hay chưa. 

Tương tự, bị cáo Phạm Văn Chí cũng không kháng cáo bản án sơ thẩm đã tuyên buộc bị cáo nộp lại 570 triệu đồng thu lợi bất chính. Tại phiên tòa, HĐXX hỏi thực tế bị cáo nhận số tiền chênh lệch bao nhiêu? Bị cáo Chí khai đã nhận 5.9 tỷ đồng nhưng số tiền thực tế nhận được chỉ là 0.05% (khoảng 570 triệu đồng) trên tổng số tiền này vì bị cáo là người trung gian.

HĐXX hỏi: “Thế tại sao trong bản án sơ thẩm lại quy bị cáo chỉ hưởng lợi bất chính hơn 570 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại thì sao? Ai nhận? Bị cáo Chí cho rằng vì bị cáo là người trung gian cho Huyền Như vay nên số tiền lãi suất nộp lại cho người khác. 

HĐXX cho rằng cần phải làm rõ số tiền này, bị cáo Chí đã đưa cho ai? Số tiền thu lợi bất chính trong hồ sơ điều tra là 5.9 tỷ mà tòa sơ thẩm chỉ tuyên bị cáo Chí nộp lại 570 tỷ đồng là chưa chính xác. Chủ tọa Quảng Đức Tuyên nói: “Xử thì phải xử cho rõ ràng, tới nơi tới chốn chứ, cần phải làm rõ số tiền này chứ!”.

Hôm nay, Tòa bước sang phần tranh luận.

HĐXX đã triệu tập những người có liên quan, nhất là trong nhóm bị xác định “giúp việc” cho Huyền Như. Tuy nhiên, họ đều vắng mặt. Do đây chỉ là những người “có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” nên Tòa không thể áp dụng biện pháp áp giải. HĐXX cho biết sẽ xem xét hành vi của những người này trong vai trò “giúp việc” cho Huyền Như, nếu thấy dấu hiệu phạm tội sẽ kiến nghị khởi tố.

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang