Hy Lạp kỳ vọng gì ở thủ tướng mới?

author 16:06 21/06/2012

(VietQ.vn) - Ngày 20-6, ông Antonis Samaras đã chính thức được tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp trước Tổng thống Carolos Papoulias tại dinh tổng thống.

Ông Antonis Samaras, 61 tuổi, cựu Ngoại trưởng Hy Lạp, đã cam kết duy trì vị thế thành viên của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lễ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng của ông Samaras diễn ra ngay sau khi các chính đảng ủng hộ kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" trong Quốc hội mới được bầu của Hy Lạp đã ký thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp với quyết tâm xem xét lại thỏa thuận nhận cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời đưa nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế.

Chính phủ mới sẽ đối mặt với sức ép phải giảm nhẹ những biện pháp khắc khổ, điều khoản trong gói cứu trợ 130 tỷ euro mà nước này đã nhất trí với IMF và EU hồi tháng 3 năm nay. Ông Venizelos cho biết, chính phủ cũng sẽ thành lập nhóm đàm phán lại về các điều kiện hà khắc trong gói cứu trợ với các nhà cho vay quốc tế.

Ông Antonis Samaras tuyên thệ nhậm chức và gánh vác sứ mệnh lịch sử 

Ông Evangelos Venizelos, Lãnh đạo đảng Xã hội Pasok phát biểu: “Hy Lạp đã có chính phủ. Đảng Dân chủ mới, đảng Pasok và đảng Dân chủ cánh tả đã thực hiện trách nhiệm của mình xem xét lại thỏa thuận cứu trợ tài chính và việc làm nhằm cứu Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Chúng tôi đang chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ của mình, đó là nghĩa vụ đối với quốc gia của chúng tôi”.

Ông Venizelos cũng cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến vào tuần tới, chính phủ mới của Hy Lạp sẽ bắt đầu "trận chiến lớn" nhằm xem xét lại kế hoạch vay mượn và thương lượng một khuôn khổ sao cho Athens có thể thúc đẩy đà phục hồi kinh tế song song với chống thất nghiệp, những vấn đề từng là nguyên dẫn đến thất bại trong thành lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn đầu tháng này, buộc Hy lạp phải bầu lại cơ quan lập pháp.

Theo Đài truyền hình nhà nước, Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Vassilis Rapanos, cựu giáo sư kinh tế từng là thành viên chính phủ khi Hy Lạp gia nhập Khu vực đồng euro năm 2001, có thể làm bộ trưởng tài chính.

Sau cuộc bầu cử lại cơ quan lập pháp Hy Lạp, ND giành 129 ghế trong Quốc hội 300 thành viên, bao gồm 50 ghế dành cho đảng về nhất. Đảng Syriza phản đối kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" chiếm 71 ghế, Pasok 33 ghế và đảng Dân chủ Cánh tả 17 ghế. Với kết quả này, chính phủ liên hiệp tạo thành liên minh đa số quá bán tới 29 ghế để thông qua những kế hoạch có thể gây tranh cãi.

Vũ Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang