Kẽ hở tiếp tay nạn buôn lậu

author 06:57 18/12/2012

(VietQ.vn) - Hàng lậu tuồn qua biên giới bằng đường mòn, lợi dụng chính sách ưu đãi trao đổi hàng hóa cư dân biên giới được xé lẻ vận chuyển vào chợ, vào các điểm tập kết, rồi hợp thức bằng viết hóa đơn, chứng từ của các hộ kinh doanh, sau đó ung dung vào nội địa. Thủ đoạn này đã khiến cho công tác đấu tranh chống buôn lậu như bị “chặt tay”

Ở hai bên cánh gà cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) lau sậy um tùm. Với những người không có sổ thông hành thì họ lại tìm mọi cách “cắp” hàng vượt qua. Giờ đi của họ thường là buổi trưa (lúc giao ca) hoặc đêm tối. Do cổng 1 của Cửa khẩu Cốc Nam đang trong quá trình xây dựng nên các đối tượng vận chuyển hàng lậu đã lợi dụng vào đây để trà trộn, trốn tránh sự kiểm soát của Hải quan như đi ra ngoài luồng hoặc khoác hàng phóng vụt qua.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết: “Mới hôm trước chúng tôi phát hiện một đối tượng ôm cả bọc hàng cấm vượt qua cánh gà nên đã rượt đuổi nhưng đối tượng mất hút vào đám lau tốt um tùm”. Do hai bên cánh gà đường núi khá hiểm trở, việc truy đuổi gặp rất nhiều khó khăn. Có khi đuổi gần tới nơi thì đối tượng đã có xe ôm chờ sẵn và phóng vụt đi.
 
Tại cửa khẩu Tân Thanh, hàng lậu hiếm khi tuồn qua hai bên cánh gà nhưng lại được giấu giếm, độn vào hàng hóa khác. Theo ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh thì đơn vị đã phát hiện nhiều lái xe lợi dụng việc xếp dỡ hàng hóa bên Trung Quốc để găm, vùi trên các phương tiện chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Có ôtô chở dưa hấu xuất sang Trung Quốc khi về đã độn 2 tấn pháo dưới lớp rơm. Cuối năm, hàng hóa nhập lậu chủ yếu vẫn là các mặt hàng có thuế suất cao, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện như hàng điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, đồ gia dụng, bát, đĩa, đồ chơi trẻ em và hàng cấm…
Cửa khẩu Cốc Nam
 
Theo nhận định của lực lượng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn thì do một số đường mòn biên giới bị chốt chặt đã làm giảm lượng hàng lậu vận chuyển vào nội địa. Nhưng với 231km đường biên, 2 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia, 7 cặp chợ biên giới, hàng lậu vẫn bằng nhiều con đường, nhiều thủ đoạn để lọt vào nội địa. Khi chặn đường biên thì hàng lậu lại vào bằng đường cửa khẩu. Hầu hết hàng hóa do cư dân biên giới khai báo qua cửa khẩu sau đó giao lại cho một số đối tượng đầu nậu và hợp thức bằng hóa đơn trên khâu lưu thông để đưa vào nội địa, làm rối loạn thị trường trong nước dịp cuối năm.
 
Theo một cán bộ của Đội chống buôn lậu, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, các đối tượng “đầu nậu” hiện nay đang sử dụng thủ đoạn dùng hóa đơn, chứng từ để hợp thức hàng lậu. Chủ đầu nậu chỉ cần thuê cư dân biên giới mang hàng qua cửa khẩu hoặc thuê cửu vạn vác hàng qua đường mòn, sau đó hàng này được xé lẻ vào chợ rồi thu gom, mua hóa đơn của các doanh nghiệp hay chủ kinh doanh để hợp pháp lô hàng.
 
Theo Thông tư liên tịch số 06 (liên Bộ: Tài chính, Công thương, Công an) khi hàng hóa đã được hợp thức bằng hóa đơn, chứng từ thì việc xử lý rất khó khăn. “Lợi dụng chính sách hóa đơn chứng từ lưu thông trên đường theo Thông tư 06, cả 1 xe hàng lậu họ khai giá trị thấp, viết hóa đơn chỉ mất vài triệu tiền thuế là thành hàng hợp pháp. Việc mua hóa đơn hiện nay rất dễ. Để làm rõ được việc hợp thức hóa này chỉ có lực lượng Công an đi truy nguồn gốc nơi viết hóa đơn” – ông Nguyễn Quang Bách cho biết.
 
Tuy nhiên, việc truy nguồn gốc hiện rất phức tạp và mất thời gian. Bởi theo đại diện của Đội chống buôn lậu, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Lạng Sơn thì để chứng minh hóa đơn đó bất hợp pháp đòi hỏi các lực lượng xác minh phải rất tỉ mỉ. Hàng mua trôi nổi, hàng mua của cư dân được hưởng chính sách 254 thì rất khó xác minh được từng người vận chuyển. Có người vận chuyển ghi tên tuổi, không ghi địa chỉ nên rất khó xác định địa chỉ từng người bán hàng. Biện pháp hữu hiệu nhất đối với lực lượng chống buôn lậu được đặt ra lúc này là bắt giữ hàng khi vừa vượt qua cửa khẩu. Tuy nhiên, phương án cũng đang vấp phải khó khăn là lực lượng chống buôn lậu mỏng, trong khi cửu vạn đông hơn gấp nhiều lần, rất manh động và sẵn sàng chống trả. Cách đây chưa lâu tại huyện Văn Lãng đã xảy ra việc huy động gần 1.000 cửu vạn ra chống trả, cướp hàng lậu khi bị lực lượng chức năng truy bắt.
 
Theo ông Nguyễn Quang Bách thì các ngành đã có kiến nghị sửa đổi Thông tư 06 bằng cách siết chặt như: ngành Thuế phải hạn chế bán hóa đơn; tăng thuế nội địa; sửa đổi Quyết định 254 như một gia đình chỉ được cấp một sổ thông hành cho cư dân biên giới và áp dụng tính định lượng hàng hóa cụ thể chứ không tính mức 2 triệu đồng/ngày như hiện nay (giá hàng hóa thay đổi theo ngày nên rất khó thẩm định). Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cũng bày tỏ: “Có hàng nghìn mặt hàng, việc thẩm định trị giá tiền hàng rất khó để xác định lô hàng này có vượt quá 2 triệu hay không, nên cư dân tự khai giá là chính. Do vậy, biện pháp trước mắt để chống buôn lậu là đơn vị đang đề nghị Cục Hải quan xây dựng bảng giá chung sát với giá thực tế”.
 
Từ nay đến Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu còn diễn biến nóng bỏng. Để hạn chế tình trạng này, theo Cục Hải quan Lạng Sơn nếu trong chiều hướng tại cửa khẩu Cốc Nam tiếp tục diễn biến phức tạp thì sẽ tiếp tục tạm dừng việc lợi dụng chính sách để trao đổi hàng hóa theo QĐ 254. Hiện tại cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng, tuy nhiên những trường hợp thiết yếu thì vẫn cho cư dân đi và sau này tình hình ổn định sẽ cho cư dân xuất nhập cảnh trở lại. Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn cần chỉ đạo các cơ quan cấp Giấy thông hành đúng đối tượng, chống việc lợi dụng chính sách để buôn lậu. Đồng thời các lực lượng chống buôn lậu phải tăng cường phối hợp nhằm xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách Thuế, chính sách ưu đãi 254 để buôn lậu.
Đại tá Nông Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn:
 
Hàng hóa Trung Quốc đang có xu hướng bão hòa. Trong năm vừa qua, công tác chống buôn lậu tương đối tốt. Do giữa quy định và chế tài chưa hợp lý nên các đối tượng lợi dụng để kê khai giá. Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể về giá. Ví dụ, cơ quan Công an từng gặp những trường hợp chủ hàng xuất hóa đơn: quần bò người lớn 20.000đ/chiếc; quần bò trẻ em 5.000đ/chiếc... Thực tế, có những lô hàng trị giá 3-4 tỷ đồng nhưng trên hóa đơn chỉ kê khai chưa đến 1 tỷ. Thất thu thuế là ở đây.
 
Lê Ngọc
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang