Kem 'nhái', kem giá rẻ kém chất lượng tràn ngập thị trường

author 05:41 21/05/2016

Kem nhái thương hiệu nổi tiếng, kem giá rẻ không rõ nguồn gốc, chất lượng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hiện nay đã xuất hiện trên thị trường...

Ảnh minh họa

Những ngày đầu hè, một số tuyến phố chuyên phục vụ kem tại Hà Nội như Tràng Tiền, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tấp nập khách hàng đến mua và sử dụng kem để giải nhiệt.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường– chủ cơ sở bán lẻ kem tại phố Hàng Bông, vào những đợt cao điểm nắng nóng hoặc có sản phẩm mới được nhiều bạn trẻ yêu thích trung bình một ngày cửa hàng bán được 200 chiếc kem, một số loại kem được người tiêu dùng yêu thích như kem Kikat hay Milo có thời điểm “cháy” hàng, các cửa hàng phải tranh nhau nguồn hàng để bán, thậm chí mua lại của nhau với giá đắt hơn. Tương tự như trên, tại phố Tràng Tiền quang cảnh tấp nập cũng diễn ra, các quầy hàng bán kem luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất. Theo ghi nhận của phóng viên lúc 23 giờ ngày 14/5, tại phố Tràng Tiền người mua kem vẫn rất đông dọc tuyến phố.

Nhu cầu sử dụng kem tăng cao vào mùa hè là cơ hội để các thương hiệu kem nổi tiếng tăng doanh thu nhưng cũng là miếng mồi béo bở cho các đối tượng, cơ sở sản xuất, kinh doanh kem nhái thương hiệu nổi tiếng.

Liên hệ đến Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền (đơn vị sản xuất kem đầu tiên mang thương hiệu kem Tràng Tiền từ năm 1958) qua đường dây nóng (0986257979), đại diện Công ty cho biết: "Hiện tại có rất nhiều kem giả, kém nhái thương hiệu Tràng Tiền, tính trên thị trường đã có 50 nhãn hiệu vi phạm.

Việc làm trên ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của công ty. “Theo khảo sát của phóng viên trên thị trường hiện nay đang có nhiều loại kem của các thương hiệu “na ná” kem Tràng Tiền như Công ty cổ phần Tràng Tiền – Tràng Tiền 35 hay Công ty CP công nghệ Tràng Tiền số 1 và Công ty cổ phần công nghệ Tràng Tiền 25".

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tại cửa hàng "Kem Phố Tràng Tiền" số 18 đường Ngô Quyền (Hà Nội), cách trụ sở chính của Công ty CP kem Tràng Tiền khoảng 100 m hiện cũng đang kinh doanh sản phẩm kem que (loại không bao bì, nhãn mác, chỉ được kinh doanh tại số 35 Tràng Tiền - trụ sở chính của Công ty CP Kem Tràng Tiền). Theo đại diện Công ty CP Kem Tràng Tiền, tất cả các sản phẩm trên đều là hàng nhái thương hiệu của đơn vị.

Cơ sở sản xuất kem giả thương hiệu Tràng Tiền của ông Lê Đức Nam (Thanh Chương, Nghệ An) bị cơ quan chức năng phát hiện

Không chỉ tại Hà Nội, kem Tràng Tiền còn bị làm nhái tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Ngày 24/8/2015, Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã phát hiện cơ sở của ông Lê Đức Nam tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An sản xuất kem, sữa chua giả thương hiệu kem Tràng Tiền. Tại cơ quan điều tra, ông Nam khai nhận thường xuyên ra Hà Nội mua bao bì nhãn hiệu kem Tràng Tiền và một số nguyên liệu, phụ phẩm không rõ nguồn gốc ở các chợ rồi mang về sản xuất hàng loạt, đóng gói đi giao bán tại các cơ sở tại Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An) và một số cửa hàng ở Hà Tĩnh.

Ngoài những sản phẩm thương hiệu nổi tiếng, hiện nay trên thị trường còn có nhiều loại kem giá rẻ, được bán phổ biến tại các vùng quê hoặc gần các trường học. 2 loại kem phổ biến nhất là kem đá bào (kem tuyết) và kem que (không bao bì, nhãn mác, ngày sản xuất và thành phần nguyên liệu chế biến), điểm chung của các loại kem trên là bở và có vị ngọt gắt. Tại một số cổng trường học như THCS Yên Hòa, THCS Đống Đa, Tiểu học Kim Liên (Hà Nội), các loại kem trên được bày bán phổ biến và có mức giá từ 3.000 – 5.000 đồng/chiếc.

Do là kem làm thủ công nên chất lượng sản phẩm rất khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ những vụ việc cơ quan chức năng phát hiện trước đây cho thấy, kem giả hoặc kém chất lượng thường được làm từ bột kem, nước, sữa và hương liệu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, bí quyết kem giá rẻ nằm ở nguyên liệu là đường hóa học (được quảng cáo là độ ngọt gấp 500 lần bình thường), sirô xuất xứ Trung Quốc.

Hiện nay trên thị trường, si-rô xuất xứ Trung Quốc tại chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm, Nguyễn Thiện Thuật (Hà Nội) được bán với giá 60.000 đồng can/2 lít, còn đường hóa học có giá khoảng 80.000 đồng/kg.

Thậm chí, để làm kem giá rẻ có thông tin cho rằng, một số người còn cho keo adao (keo dùng trong xây dựng) để giúp kem cứng lâu thay vì sử dụng phụ gia an toàn!? Đó là chưa kể đến, Nơi sản xuất kem của những cơ sở này vừa chật hẹp vừa bẩn, la liệt vật dụng như xô, thùng sơn đựng nguyên liệu, khuôn đúc kem, thùng đựng thành phẩm… Mọi công đoạn đều được làm bằng tay, nhân viên hoàn toàn không mặc đồ bảo hộ lao động.

Trước tình trạng trên, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng như hiện nay, khi sử dụng những thực phẩm giải nhiệt như kem người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở uy tín, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng. Đồng thời, người tiêu dùng không nên sử dụng các loại kem, thực phẩm giải nhiệt có màu sắc bắt mắt, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang