Kem Tràng Tiến 'biến hóa' ra sao sau thương vụ thâu tóm ồn ào?

author 16:28 30/04/2014

Sau thương vụ thâu tóm ồn ào, kem Tràng Tiền đã về với Tập đoàn Đại Dương và có nhiều bứt phá mạnh mẽ.

Ồn ào mà bí ẩn
 
Thâu tóm Kem Tràng Tiền là một trong những thương vụ nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì Kem Tràng Tiền là một nét văn hóa của người Hà Nội. Vụ việc càng xôn xao hơn khi có thông tin cho rằng Kem Tràng Tiền được bán với giá quá bèo bọt.
 
Năm 2000, khi cổ phần, giá trị doanh nghiệp của Tràng Tiền được xác định chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng.
 
Ngày đó, có nhiều tin đồn cho rằng ông chủ mới của Kem Tràng Tiền là Tập đoàn Đại Dương. Dù thị trường xôn xao tới đâu, những bên liên quan, không ai lên tiếng. Vì vậy, thương vụ này dù rất ồn ào nhưng lại rất bí ẩn với nhiều tin đồn.
 
Kem Mochi mới của Thương hiệu Kem Tràng Tiền
Tin đồn này càng có cơ sở khi Ocean Hospitality , công ty con của Tập đoàn Đại Dương chính thức công bố mua cổ phần tại Kem Tràng Tiền. Tuy nhiên, số tiền được ghi nhận trong báo cáo tài chính lại là 500 tỷ chứ không phải 30 tỷ đồng. Dù vậy, 3 năm sau thương vụ đình đám, Kem Tràng Tiền vẫn chưa được ghi nhận là công ty con của OCH.
 
Phải tới báo cáo tài chính 2013 đã được kiểm toán, Kem Tràng Tiền mới chính "là con" của OCH.
 
Liên quan tới Kem Tràng Tiền, OCH khẳng định: “Công ty đã thực hiện đánh giá lại tài sản do Công ty Cổ phần Tràng Tiền quản lý, sử dụng bằng việc thuê chuyên gia định giá đánh giá lại tài sản. Ban Giám đốc tin tưởng rằng giá giao dịch chuyển nhượng này là phù hợp với giá thị trường tại thời điểm mua”.
 
OCH cho biết thêm: “Ban Giám đốc Công ty đã đánh giá một cách thận trọng và tin tưởng rằng việc chuyển nhượng cổ phần nêu trên là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và chắc chắn sẽ thực hiện được. Theo đó, các khoản mục Phải thu dài hạn khác không bị suy giảm giá trị”.
 
Cũng theo báo cáo tài chính của OCH, OCH nắm giữ 78,4% cổ phần tại Kem Tràng Tiền. Tại thời điểm 31/12/2013, giá trị đầu tư và công ty cổ phần Kem Tràng Tiền là 117,6 tỷ đồng. Doanh thu từ bán tài sản cố định, công cụ, dụng cụ, hàng hóa tại Kem Tràng Tiền của OCH ở thời điểm 2012 là 6,8 tỷ đồng.
 
Trong đại hội cổ đông của Tập đoàn Đại Dương, một cổ đông đã chất vấn kỹ ông Hà Văn Thắm về vấn đề mua lại Kem Tràng Tiền, khi chi ra 500 tỷ đồng cho ông Hà Trọng Nam để mua lại công ty này. Ông Thắm cho biết, việc mua lại kem Tràng Tiền với mức giá 500 tỷ đồng là mức giá hợp lý, có giấy tờ đầy đủ và bao gồm cả giá trị khu đất 1.300 m2 của kem Tràng Tiền cũng như giá trị thương hiệu.
 
Bứt phá mạnh
 
Kể từ sau khi về với Đại Dương, Kem Tràng Tiền đã có nhiều bứt phá. Ông Hà Văn Thắm cho biết khi mua lại năm 2008, doanh số kem Tràng Tiền chỉ có 12 tỷ/năm nhưng nay đã tăng lên 100 tỷ và lợi nhuận khoảng 25 tỷ đồng. Với mức P/E khoảng 20 lần thì ông Thắm khẳng định là không đắt.
 
Khẳng định của ông Thắm đã được chứng thực bằng sự phổ biến của Kem Tràng Tiền. Trước đây, Kem Tràng Tiền vốn là thương hiệu được cả nước biết đến nhưng số người được thưởng thức sản phẩm này không nhiều vì kênh phân phối của Kem Tràng Tiền chưa thực sự tốt.
 
Trước đây, Kem Tràng Tiền chưa thể “phủ sóng” mạnh ở nhiều tỉnh thành. Ngay như Hà Nội, ngoài trụ sở 35 Tràng Tiền, sản phẩm này khá yếu thế so với một số đối thủ khác như Merino, Celano,… Nhiều người có quan niệm “đã ăn kem Tràng Tiền thì phải đứng ở phố Tràng Tiền”.
 
Nhiều khách hàng thẳng thắn nhận xét: “Kem  Tràng Tiền phải ăn ở Tràng Tiền mới ngon. Ăn ở nơi khác thì bình thường như bao sản phẩm khác”.
 
Vì vậy, đã từ rất lâu, Hà Nội có văn hóa “Kem đứng”. Từ trẻ em, thanh niên tới người lớn tuổi, tất cả đều đến 35 Tràng Tiền mua kem rồi đứng ăn. Dù mùa đông hay mùa hè, trụ sở Kem Tràng Tiền luôn trong tình trạng chật kín, người người chen chúc nhau mua bằng được vài que kem. Người bán làm việc không ngừng nghỉ mà vẫn không kịp phục vụ khách hàng. Chuyện “cháy hàng kem” thường xuyên xảy ra.
 
Người mua không mang kem đi nơi khác mà ăn tại chỗ. Người đến sớm thì ăn trong cửa hàng, người đến sau thì tràn ra sân. Người đến sau nữa thì chấp nhận đứng trên vỉa hè ăn ngon lành. Vào giờ cao điểm, khách hàng còn tràn sang phố lân cận là Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
 
Nhưng vì quan niệm “đã ăn kem Tràng Tiền thì phải đứng ở phố Tràng Tiền” nên ngoài trụ sở, kem Tràng Tiền không được đắt khách ở những nơi khác. Có lẽ vì vậy mà doanh thu của kem Tràng Tiền chưa xứng với thương hiệu “hoành tráng” của sản phẩm này.
 
Thế nhưng từ ngày về với Đại Dương, tình hình có nhiều biến chuyển tích cực. Kem Tràng Tiền chính thức là công ty con của OCH. Thế nhưng công ty cổ phần bán lẻ Đại Dương (ORC) mới là nhà phân phối độc quyền toàn quốc thương hiệu kem Tràng Tiền.
 
Có sự can thiệp của nhà phân phối chuyên nghiệp, thị phần Kem Tràng Tiền được cải thiện đáng kể. Dù phía Đại Dương không công bố chính thức những con số cụ thể nhưng chỉ bằng quan sát cũng có thể thấy Kem Tràng Tiền đang len lỏi đến từng vùng quê và chinh phục được nhiều tầng lớp khách hàng.
 
Tại Hà Nội, nơi Kem Tràng Tiền được xem là một trong những biểu tượng, một nét văn hóa độc đáo, Kem Tràng Tiền đang dần xóa đi quan niệm “Kem Tràng Tiền phải ăn ở Tràng Tiền mới ngon”. Kem Tràng Tiền xuất hiện tại nhiều vị trí đẹp trên nhiều tuyến phố lớn. Kem Tràng Tiền theo chân kênh phân phối của ORC lan tỏa tới ngày càng nhiều địa điểm hơn và được khách hàng đón nhận.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, OCH còn “thổi làn gió mới” vào Kem Tràng Tiền. Trong đại hội cổ đông của OCH diễn ra sáng 28/4, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCH cho biết OCH sẽ tiến hành đa dạng hóa sản phẩm cho cả 2 thương hiệu kem Tràng Tiền, và Givral. Năm qua, kem Tràng Tiền đã tung ra một sản phẩm mới như kem Mochi.
 
Hiện tại, kem mochi chưa được biết đến rộng rãi như Đậu xanh hay sữa dừa nhưng với sự hấp dẫn của bánh Mochi Nhật Bản và thương hiệu Kem Tràng Tiền, sản phẩm mới này rất có nhiều điểm mạnh và đang trên con đường chinh phục khách hàng.

Theo VTC News

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang