Kẹo cao su liệu có gây nguy hại?

author 06:56 06/07/2014

(VietQ.vn) - Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng kẹo cao su có những tác dụng không ngờ, tuy nhiên trên thực tế kẹo cao su vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại.

Kẹo cao su - loại kẹo chỉ để nhai là chính – thường được nhiều người ưa thích để đỡ “buồn mồm” khi làm việc tập trung. Tuy nhiên kẹo cao su cũng có thể mang lại những điều có hại.

Theo tin tức từ báo An ninh thủ đô cho biết, nhai kẹo cao su trước bữa ăn được cho là một cách để giảm đói và ăn ít hơn. Nhưng một nghiên cứu gần đây đã chứng minh điều ngược lại. Kẹo cao su không những không khiến chúng ta ăn ít hơn mà hương vị bạc hà trong kẹo cao su còn khiến người dùng ăn ít trái cây, rau xanh hơn và tăng ham muốn ăn đồ ăn vặt như khoai tây rán và kẹo.

Kẹo cao su có thể gây nhiều nguy hại cho người sử dụng

Kẹo cao su có thể gây nhiều nguy hại cho người sử dụng

Nhai kẹo cao su có thể dẫn đến các triệu chứng rối loạn khớp thái dương-hàm bao gồm đau hàm liên quan đến các cơ bắp và khớp kết nối hàm dưới với hộp sọ. Thường xuyên nhai kẹo cao su có thể dẫn đến các vấn đề về cơ khớp ở hàm, đầu, cổ gây nhức đầu, đau tai, đau răng. 

Nhai kẹo cao su cũng đồng nghĩa với việc nuốt nhiều không khí gây hiện tượng đau bụng và đầy hơi. Các chất làm ngọt nhân tạo như sorbitol và mannitol có trong kẹo cao su có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra, lanolin, một thành phần được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da lại có trong kẹo cao su. Đây là một chất sáp màu vàng tiết ra bởi các tuyến bã nhờn của cừu và có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa. Kẹo cao su có chứa đường vì vậy nhai kẹo cao su không có gì ngạc nhiên khi nó gây sâu răng.

Bên cạnh đó, những người hàn răng phải đặc biệt chú ý khi dùng kẹo cao su. Bởi các chất hàn răng bao gồm thủy ngân, bạc, thiếc và khi nhai kẹo cao su sẽ giải phóng thủy ngân vào cơ thể. Nếu hàm lượng thủy ngân rất nhỏ sẽ không gây hại cho cơ thể, tuy nhiên, nếu nhiễm thủy ngân ở mức cao có thể gây ra các vấn đề về thần kinh cũng như bệnh mãn tính và rối loạn tâm thần.

Ngoài ra, báo Vn Express còn thông tin thêm, kẹo cao su được làm từ thành phần gôm, đường, chất tạo màu và tạo mùi. Thành phần gôm khá khó tiêu hóa - nó là hỗn hợp của chất đàn hồi, nhựa thông, chất béo, sữa nhũ hóa và sáp ong. Khi vào dạ dày, chỉ có những thành phần dễ phân hủy như đường... là được hấp thụ, để sót lại phần gôm. Vì vậy, dạ dày không thể phân hủy gôm theo cách giống như với các thức ăn khác. Nếu nuốt một lượng lớn kẹo cao su trong thời gian ngắn, nó có thể gây tắc ruột, đặc biệt dễ xảy ra đối với trẻ em

Kẹo cao su có nguy cơ gây hại cho trẻ nhỏ

Kẹo cao su có nguy cơ gây hại cho trẻ nhỏ

Giải thích về vấn đề này báo An ninh thủ đô cho hay, khi bắt đầu nhai kẹo cao su, cơ thể chúng ta bị lừa bởi nghĩ rằng đó là thực phẩm, nên sẵn sàng cho việc tiêu hóa. Các tuyến nước bọt bị kích thích, giải phóng nước bọt vào miệng, trong khi enzyme bắt đầu tiêu hóa thành phần hòa tan của kẹo cao su (giống như đường). Thông thường, động tác nhai sẽ kích thích nhu động ruột, tuy nhiên, nếu nuốt phải kẹo cao su, nó sẽ xuống thực quản, vào dạ dày, ở đó một vài giờ, nó tiếp tục đi theo ruột, vào trực tràng và ra ngoài. Quá trình vận chuyển này tương đối dễ dàng vì kẹo cao su đi cùng với các chất lỏng khác.

Tuy nhiên, có một số người nuốt rất nhiều kẹo cao su, trong thời gian dài, kết quả là kết tụ thành một khối cục dị vật cứng không tiêu hóa được gọi là bezoar. Nếu họ tiếp tục nuốt kẹo cao su thì từ một cục nhỏ, bã kẹo có thể dính vào, to dần lên. Trường hợp một cô gái Israel 18 tuổi đúng như vậy. Tạp chí Nội soi tiêu hóa cho biết, các bác sĩ đã phát hiện dạ dày của cô này có một viên tròn là bã kẹo cao su không tiêu hóa được. Cô gái đã nuốt ít nhất 5 chiếc kẹo cao su mỗi ngày trong nhiều năm, vì thế không có gì ngạc nhiên khi cô gái bị đau dạ dày, các bác sỹ phải chia nhỏ viên bã kẹo đó rồi gắp ra từng chút một. Đây là một trong số những hiện tượng rất nguy hại cho người sử dụng.

Linh Nguyễn (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang