Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng Việt

author 19:16 16/06/2019

(VietQ.vn) - Các hoạt động kết nối cung cầu cùng hoạt động liên kết hiệu quả trong chuỗi cung ứng hàng Việt, sẽ nâng cao tỷ lệ hàng Việt tại kênh phân phối truyền thống.

Tại hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối" do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức, bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hội nghị nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà phân phối gặp gỡ, kết nối và trao đổi kinh nghiệm cũng như thúc đẩy các hợp đồng hợp tác kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình kết nối cung cầu nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm Việt an toàn, chất lượng 

Đây cũng là cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; đồng thời, tạo nguồn cung hàng Việt cho hệ thống phân phối, đưa sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng để tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững.

Tại hội nghị, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã giúp nâng cao tỷ lệ hàng Việt trong các hệ thống siêu thị, nhưng hàng Việt tại các chợ truyền thống mới đạt được hơn 60%.

Nguyên nhân chính bởi hàng hóa bán ở chợ chưa bị trói buộc bởi các quy định hiện hành về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dán tem… nên có kẽ hở để hàng trôi nổi lọt vào. Hơn nữa, người tiêu dùng nông thôn vẫn bị thói quen mua hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 
Sau 10 năm thực hiện "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ hàng Việt ở các hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam đã chiếm tỷ lệ cao như Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng). Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
 

Để nâng tỷ lệ hàng Việt tại kênh phân phối truyền thống, Bộ Công Thương có rất nhiều đề án, chương trình từ nay đến năm 2020 để hỗ trợ cho DN tổ chức hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở vùng sâu vùng xa, tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt cho các hộ tạp hóa kinh doanh theo phương thức truyền thống tại chợ.

Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga, giải pháp cốt lõi vẫn là doanh nghiệp cần tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam và đưa ra các dòng sản phẩm có giá phù hợp với túi tiền và thị hiếu người tiêu dùng nông thôn. Cùng với đó, các DN cũng phải quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất hàng giá rẻ cho khu vực nông thôn.

Còn ông Đỗ Hoàng Thạch- Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho hay, việc liên kết giữa các đơn vị sản xuất với đơn vị phân phối, và với người tiêu dùng rất quan trọng. Với vai trò là đơn vị làm xúc tiến thương mại, công ty thường xuyên có những chương trình phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm an toàn và chất lượng.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang