Kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc

author 14:00 11/12/2018

(VietQ.vn) - Tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và quy hoạch Vùng Thủ đô; có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.235 km2, được chia thành 03 vùng sinh thái: Đồng bằng, trung du và miền núi. Tổng dân số khoảng 1,1 triệu người, có 09 đơn vị hành chính với 137 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (09 đảng bộ huyện, thành ủy và 4 đảng bộ trực thuộc), 616 tổ chức cơ sở đảng với tổng số hơn 67.000 đảng viên.

Những năm qua, đặc biệt là năm 2018, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nên đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng đã đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã dần đi vào chiều sâu, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá, GRDP bình quân đầu người đạt 85,62 triệu đồng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, kết quả thu hút vốn đầu tư tăng cao, trong đó thu hút vốn đầu tư trong nước DDI tăng cao (97,3%) so với năm 2017, vốn FDI tăng 80% so với kế hoạch. Thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra.

Các công trình, dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ. Quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường được chú trọng. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII và Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới kết quả khá: Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 103/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 92% tổng số xã trên toàn tỉnh và là một trong số ít các tỉnh trong cả nước có tỷ lệ cao về số xã đạt chuẩn NTM. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,18%. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được tăng cường, chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được nâng lên. 

Đạt được những kết quả trên, có sự đóng góp quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã nhận thức rõ, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; xác định công tác kiểm tra là xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, đảm bảo cho việc thực hiện đúng mục tiêu, quan điểm và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Từ nhận thức trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra, giám sát hằng năm; đổi mới phương pháp chỉ đạo xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát, tránh trùng lặp về nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát giữa công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra Nhà nước và giám sát của HĐND, MTTQ, các đoàn thể.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XII); trọng tâm là việc chỉ đạo kiểm tra, làm rõ đối với một số vụ việc điển hình, những vụ việc bức xúc được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, phản ảnh; năm 2018, đã tiến hành kiểm tra toàn diện việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII gắn với công tác cán bộ đối với 09/09 Ban Thường vụ cấp huyện; tăng cường kiểm tra công tác quản lý đất đai, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các huyện ủy, thành ủy...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo UBKT các cấp từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại; nhất là tập trung chỉ đạo giải quyết các đơn thư liên quan đến cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Xác định nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ này. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 215 tổ chức đảng cấp dưới và 451 đảng viên (có 169 đảng viên là cấp ủy viên các cấp, chiếm 37,7% so với tổng số đảng viên được kiểm tra); trong đó: UBKT Tỉnh ủy đã kiểm tra 08 tổ chức đảng cấp dưới và 17 đảng viên (có 06 đảng viên là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý); qua kiểm tra đã quyết định thi hành kỷ luật đối với 04 đảng viên là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, đề nghị Tỉnh ủy và cấp ủy cấp dưới thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 04 tổ chức đảng và 13 đảng viên, điều chuyển công tác đối với một số đảng viên bị thi hành kỷ luật. Trong năm 2018, UBKT Tỉnh ủy đã quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 01 tập thể Ban Thường vụ cấp huyện, 03 đảng viên (01 đồng chí Bí thư Huyện ủy, 01 đồng chí Chủ tịch UBND huyện, 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở). Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại; thi hành kỷ luật đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT cấp dưới...

Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 30 và Điều 32, Điều lệ Đảng đã kết luận về những hạn chế, khuyết điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng được kiểm tra, nhất là về công tác cán bộ, quản lý đất đai và đầu tư xây dựng, cụ thể:

- Đối với công tác cán bộ: Một số cấp ủy được kiểm tra chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ dẫn đến có những hạn chế, khuyết điểm chưa được phát hiện và khắc phục kịp thời. Cơ cấu, ngành nghề, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức tại các phòng, ban của một số địa phương, đơn vị chưa thật sự hợp lý. Một số đơn vị bổ nhiệm cán bộ có trình độ chuyên môn không phù hợp với công việc, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý vượt  so với số lượng được giao; vi phạm về nguyên tắc, quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn về trình độ lý luận, trình độ ngoại ngữ. Việc triển khai công tác nhận xét, đánh giá cán bộ theo định kỳ và đột xuất của một số đơn vị, địa phương chưa thật sự nền nếp, bài bản; chưa tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo đúng hướng dẫn.

- Đối với công tác đầu tư xây dựng: Cấp ủy một số đơn vị được kiểm tra chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực này, dẫn đến UBND cấp huyện và cơ sở quyết định đầu tư một số dự án với tổng mức đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn đối ứng không cân đối được, chưa xin ý kiến các sở, ngành có liên quan trước khi phê duyệt. Do đó, có một số dự án chưa phát huy được hiệu quả kinh tế, một số công trình có quyết định đầu tư nhưng chậm triển khai, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được quyết toán hoặc tỷ lệ thanh toán đạt thấp. Công tác khảo sát, lập dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế - dự toán của một số dự án, công trình chưa sát với thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung quy mô; bổ sung khối lượng, điều chỉnh hạng mục, thay đổi thiết kế.

- Đối với công tác quản lý đất đai: Một số cấp ủy được kiểm tra chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chỉ đạo, thực hiện giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan về đất đai chưa đảm bảo thời gian quy định. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý và sử dụng đất dẫn đến việc công dân lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép nhiều năm nay chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, chất lượng và hiệu quả kiểm tra chưa cao; nội dung kiểm tra, giám sát một số nơi chưa có trọng tâm, chưa tập trung sâu vào những lĩnh vực  nhạy cảm, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm phản ảnh. Một số đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết TW 4. Công tác giám sát thường xuyên, nắm tình hình ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu sát sao, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao nên một số khuyết điểm, sai phạm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện; giám sát cấp ủy viên cùng cấp còn hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực; song, kết quả kiểm tra chưa tương xứng với thực trạng vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên hiện nay, chưa tập trung kiểm tra được nhiều tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp và đảng viên là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý.

Qua kết quả kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy và UBKT các cấp đã chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật đối với 43 tổ chức đảng và 159 đảng viên, trong đó: Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 03 tổ chức, 06 đảng viên (có 02 đồng chí Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở); đồng thời, cho thôi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy đối với 01 đồng chí, điều chuyển công tác khác đối với 05 cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý do có những khuyết điểm, vi phạm hoặc giảm sút về uy tín, tín nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với việc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm túc, kịp thời đối với cán bộ, đảng viên có sai phạm; tăng cường công tác đôn đốc, chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm, sai phạm đã được kết luận ở các cuộc kiểm tra, giám sát.

Từ sự quyết tâm, sâu sát, có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát ngày càng được nâng cao; đã tập trung kiểm tra và đánh giá sâu hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng đảng, trọng tâm là công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản... Chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và kết luận nhiều vụ việc phức tạp; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xem xét, thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm, trong đó có một số đảng viên là người đứng đầu sở, ngành cấp tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Kết hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát với công tác cán bộ, qua kiểm tra đã kịp thời chỉ đạo cho thôi giữ chức vụ hoặc điều động, thay thế đối với những đảng viên vi phạm kỷ luật, giảm sút về uy tín, tín nhiệm hoặc năng lực công tác yếu.

Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đã có tác dụng và hiệu quả rõ rệt trong việc cảnh báo, phòng ngừa sai phạm, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đẩy lùi các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực, hạn chế đầu tư dàn trải, lãng phí; đã góp phần phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời, đã tạo ra những chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, quản lý đất đai...

Kết quả của công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua đã được dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; đồng thời, đã góp phần quan trọng vào việc giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch vững mạnh.

Hoàng Thị Thúy Lan

     Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, 

    Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang