Kêu giá than của TKV đắt, chuyên gia kinh tế lo EVN vin cớ tăng giá điện

author 05:50 23/07/2017

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, phải tính đến cơ cấu chi than trong giá điện là bao nhiêu, nếu không rất có thể EVN vin vào cớ này để tăng giá điện.

Tại buổi làm việc mới đây với Tổ công tác Chính phủ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV) Đặng Thanh Hải cho biết, TKV đang gặp phải một khó khăn nan giải đó là tồn 9,3 triệu tấn than chưa tiêu thụ được. Ông Hải lo lắng vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) muốn giảm mua than từ TKV năm 2017, từ 19,92 triệu tấn xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch ban đầu.

“Việc EVN giảm mua sẽ khiến lượng tồn kho than tăng thêm 2 triệu tấn. Nhiệm vụ của TKV là năm nay sẽ phải khai thác thêm 2 triệu tấn để đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước. Do đó, tồn kho dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao”, ông Hải nói hơn 4.000 lao động TKV có thể mất việc, một số hầm lò đóng cửa nếu EVN đưa ra quyết định này.

evn tăng giá điện

Hàng nghìn công nhân ngành than có nguy cơ mất việc nếu EVN không mua 2 triệu tấn than. Ảnh minh họa

Do vậy, ông Hải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trong năm 2017.

Tuy nhiên, theo Dân trí, sở dĩ than của TKV “ế” một phần xuất phát từ yếu tố giá cả, chất lượng. Chẳng hạn, than cám 4b nhập khẩu có giá chỉ khoảng 1,4-1,6 triệu đồng/tấn, trong khi giá than khai thác của TKV đắt hơn 500.000 đồng/tấn. Hay như than cám 3b, nhập khẩu giá 1,7 triệu đồng/tấn, nhưng giá than trong nước sản xuất cũng cao hơn.

Việt Nam đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường, ở đó các doanh nghiệp phải chấp nhận luật chơi, sản phẩm làm ra chỉ được chấp nhận khi có sức cạnh tranh.

Trở lại quan hệ giữa TKV, EVN và người tiêu dùng, việc EVN mua than cho TKV sẽ không thành vấn đề nếu giá than của tập toàn có sức cạnh tranh so với than nhập khẩu. Song, mua than giá cao đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất điện sẽ tăng cao, đẩy nguy cơ tăng giá điện. Người tiêu dùng sẽ là đối tượng phải chịu cuối cùng, họ phải “móc túi chi thêm” khi giá điện tăng. Một bên là TKV, còn một bên là người tiêu dùng, EVN ở vào thế khó.

Một lãnh đạo cấp cao của EVN, cho biết đầu năm 2017 đã phải nâng giá mua than từ TKV khiến chi phí sản xuất nhiệt điện tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giá bán điện không tăng, việc tăng giá mua than đã “ăn mòn” lợi nhuận của tập đoàn, nguy cơ đẩy giá bán điện cao.

Đặc biệt, quy định TKV và Tổng công ty Đông Bắc làm đầu mối cung cấp than trong nước và nhập khẩu than cũng được cho là không đúng với quy luật thị trường. Chẳng hạn, trong nước nhiều đơn vị áp dụng công nghệ cao, tiết giảm chi phí trong khai thác khiến giá bán than cạnh tranh nhưng vẫn phải thông qua TKV và Tổng Công ty Đông Bắc để phân phối than ra thị trường. Như vậy, quy định trên làm thêm một khâu trung gian, đẩy giá than cao hơn khi ra thị trường.

Trong khi đó, ngành điện đang từng bước xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh chuẩn bị tiến tới vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Việc mua bán than cho nhiệt điện phải được tự do, tối ưu hoá chi phí, tiến tới người dân có quyền được lựa chọn nơi mua điện giá cạnh tranh nhất.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam về “bài toán” làm thế nào cho hài hòa giữa lợi ích của EVN - người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho ngành than, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong đánh giá đây là việc khá tế nhị vì bên nào cũng quan trọng.

chuyên gia kinh tế nguyễn minh phong

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong. Ảnh Viết Cường

Theo ông Phong, nên cân nhắc kỹ khi đưa ra các quyết định điều chỉnh, sao cho việc sử dụng than hiệu quả nhất; ảnh hưởng ít nhất đến an sinh xã hội; quan trọng hơn là phải đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường.

“Tôi cho rằng ngành than cũng nên xem xét lại mình, điều chỉnh lại các chi phí để có thể cạnh tranh được. Cái gì còn đang đắt đỏ thì đừng khai thác vội, để dành cho con cháu; hoặc khi nào công nghệ hiện đại hơn, sử dụng hiệu quả hơn thì khai thác”, ông Phong nói.

Quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì đây không phải là thời điểm để TKV tăng khai thác, tăng tiêu thụ than vì một nhóm lợi ích nào đó, mặc dù điều này rất quan trọng. Theo ông, vấn đề hiện nay chúng ta cần tính đến là sự ổn định kinh tế, chi phí giảm thiểu, giảm thiểu tác động đến môi trường và tránh chống cạn kiệt tài nguyên.

Trước vấn đề mà phóng viên đưa ra, rằng để hơn 4.000 lao động của TKV không bị mất việc thì EVN phải “giải cứu” than cho TKV, và cuối cùng người dân chịu thiệt do giá điện tăng, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh đến việc phải tính đến cơ cấu chi than trong giá điện là bao nhiêu, nếu không rất có thể EVN vin vào cớ này để “giúp một hại mười”, lấy cớ tăng giá điện.

VIẾT CƯỜNG

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn than báo cáo trung thực vụ logo thợ mỏ(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kiểm tra việc chi phí để làm quà tặng tại Tập đoàn này.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang