Khoa học và công nghệ kỳ vọng tạo lợi thế cạnh tranh, 'cứu' sản xuất lúa gạo

author 16:35 16/10/2016

(VietQ.vn) - Gạo Việt Nam xuất khẩu phải cạnh tranh với nhiều "ông lớn" trong khu vực và thế giới. Trước tình thế đó, ứng dụng KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

 Gạo Việt Nam phải cạnh tranh rất nhiều với các "ông lớn" xuất khẩu gạo trên thế giới. Ảnh minh họa

Sức cạnh tranh của Gạo Việt “ngàn cân treo sợi tóc”

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu gạo tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng phải cạnh tranh hết sức gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan …, trong tương lai gần là Miến Điện, Campuchia … đặc biệt về giá và chất lượng gạo.

Thị trường gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc (35% thị phần trong 8 tháng đầu năm 2015) nhưng luôn chứa đựng nhiều bất ổn và không dự báo được. Đối với thị trường châu Phi (khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới), Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan về loại gạo tấm 25%, với Thái Lan về loại gạo 5% tấm. Gạo Việt Nam kém cạnh tranh về giá so với Ấn Độ và Thái Lan (tháng 4/2014, giá gạo Việt Nam loại 15% là 436,5 $/tấn thấp khá xa so với giá đề nghị của 3 nhà thầu khác từ Pháp, Hồng Kông và Thái Lan). Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu gạo thơm nhiều nhất (800.000 tấn) với giá trung bình 600 $/tấn, trong khi giá gạo Hom Mali của Thái Lan 1.065-1.075 $/tấn và Basmati của Ấn Độ 1.515-1.525 $/tấn.

TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp khẳng định: “Sản xuất lúa gạo của Việt Nam không bền vững, xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu ở phân khúc chất lượng trung bình và thấp, thị trường xuất khẩu và nội địa có nhiều biến động, sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, thu nhập của người trồng lúa không ổn định”.

Nhiều nước trên thế giới đã phát triển thương hiệu gạo quốc gia thành công nhằm tăng giá trị của lúa gạo và sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kinh nghiệm của Thái lan, một nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, trước tiên bảo hộ thương hiệu riêng cho sản phẩm gạo, sau đó bảo hộ thương hiệu quốc gia Thái lan để tăng tính nhận diện ở thị trường quốc tế, đặc biệt có tác dụng hỗ trợ cho các thương hiệu riêng xâm nhập thị trường mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng thế giới đa số chỉ biết đến gạo trắng và phân chia theo tỷ lệ tấm của Việt Nam chứ chưa có thương hiệu gạo mang tên Việt Nam vì gạo Việt Nam chủ yếu đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu.

Sản xuất gạo chưa theo kịp nhu cầu ngày càng đa dạng về chất lượng của thị trường nhập khẩu, giá luôn thấp so với các nước xuất khẩu chủ chốt.

Mặc dù Việt Nam có nhiều giống lúa bản địa có chất lượng cao, nhưng gạo Việt Nam không được sản xuất theo quy trình hữu cơ, thân thiện với môi trường như Campuchia, hay sử dụng giống bản địa có hỗ trợ của thương hiệu quốc gia như Thái lan, hay thương hiệu Basmati đã có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới của Ấn độ.

Định vị thương hiệu và áp dụng KHCN mới cạnh tranh tốt

Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp: “Hiện nay, KHCN luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong cả nước để đưa sự nghiệp phát triển nông nghiệp của Việt Nam theo hướng bền vững”.

 Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ tạo ra chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh với các nước

Trong gian đoạn vừa qua, ngoài hoạt động nghiên cứu KHCN trong các nhà nghiên cứu KHCN trong nước, các Viện, Trường … chúng ta đã làm chủ được một số công nghệ về cơ bản trong vấn đề tạo giống cây con trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì tiến bộ trong khoa học kỹ thuật (KHKT) tạo giống cây con, đã tạo được năng suất của nền nông nghiệp hết sức to lớn.

Riêng lúa của Việt Nam hiện nay, có năng suất rất cao bình quân tăng 5,7 tấn/Ha, hay cà phê, hạt tiêu cũng thấy mức năng suất ở mức cao trong khu vực và trên thế giới”.

“Diễn đàn nông nghiệp với nội dung chính là hướng đến chuyển giao, ứng dụng KHCN cho bà con nông dân. Tôi cũng đề nghị, bà con nông dân, vừa phát triển sản xuất của mình, phải nhanh chóng tiếp cận KHCN để tránh lạc hậu, nhằm nâng giá trị cạnh tranh để xuất khẩu”.

Trong khu vực, các nước trong ASEAN như Thái Lan, Myanmar … thì điều kiện đất đai, tài nguyên họ không có như Việt Nam, nên chúng ta phải phát huy những điều kiện đó cùng với việc nâng cao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng mới. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng nên lưu ý đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình để nâng cao giá trị sản phẩm, ông Nguyễn Đình Hậu cho biết thêm.

Về vấn đề này, TS Đào Thế Anh khẳng định rằng, cần ưu tiên thực hiện để thay đổi nền thể chế hiện tại, có như vậy mới thúc đẩy được các chủ thể trong chuỗi giá trị đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại theo hướng bền vững như tập trung đầu tư nghiên cứu các giống có chất lượng theo nhu cầu thị trường, chú trọng cải tạo giống đặc sản bản địa, và công nghệ khác trong chuỗi giá trị; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ đồng bộ theo chuỗi giá trị từ giống, sản xuất  đến sau thu hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu; Áp dụng công nghệ tin học và viễn thám trong nghiên cứu, dự báo thị trường và quản lý ngành lúa gạo tư cấp nông hộ đến cấp vùng và quốc gia; Xây dựng chính sách tăng nguồn lực đầu tư cho công nghệ: trích 1 USD trên 1 tấn gạo xuất khẩu để đầu tư lại cho nghiên cứu KHCN ngành lúa gạo.

Việc áp dụng KHCN vào phát triển lúa gạo phải thông suốt từ chọn giống, tạo giống đến quá trình sản xuất và cả công đoạn sau thu hoạch mới đảm bảo được chất lượng gạo của Việt Nam cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới.

Đức Mậu

Chủ tịch nước trao Huân chương HCM cho Đại học Bách Khoa Hà Nội(VietQ.vn) - Sáng 15/10, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 cho trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang