Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp ứng phó với xuất khẩu

author 07:23 21/03/2020

(VietQ.vn) - Vừa hết lo thiếu nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp dệt may đã lập tức rơi vào tình thế gay go hơn, đó là thiếu đầu ra do một số khách hàng Mỹ và EU đưa ra thông báo giãn đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam.

Khó chồng khó

Dịch Covid-19 lan rộng tại EU và Mỹ, khiến Chính phủ các nước buộc phải ra giải pháp quyết liệt đóng cửa biên giới, khuyến cáo công dân không ra nước ngoài, hạn chế di chuyển trong nước, đóng cửa các trung tâm thương mại, hủy bỏ các sự kiện thu hút đông người…

Chỉ trong ba ngày từ 16 đến 8/3/2020, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các DN sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại. Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị lên tới một nửa tháng sản xuất, tương ứng 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.

Chỉ trong ba ngày từ 16 đến 8/3/2020, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đưa ra thông báo tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, hiện nay đầu ra sản phẩm dệt may bị khó, một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn. Thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu.

Theo ông Nguyễn Đức Trị- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty DM Hòa Thọ, từ ngày 16/3 đến 18/3/2020, đồng loạt các khách hàng tại thị trường Mỹ, đang giao dịch theo phương thức FOB thông báo về việc ngưng sản xuất, lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận. Tổng số hàng bị hủy là 350,000 sản phẩm. Tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất: 100.000 sản phẩm. Tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy là 150.000 sản phẩm. Khách hàng cũng đề nghị được lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm từ 30 đến 60 ngày so với thời hạn đang được áp dụng.

Còn ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thì chia sẻ, May 10 đang gặp khó khăn kép. Trong tháng Hai, doanh nghiệp phải lo nhập khẩu nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất được liên tục, đến nay thì có đủ nguyên phụ liệu thì lại tạm dừng sản xuất và dừng giao hàng những lô hàng đã sản xuất. Đơn cử, khách hủy toàn bộ các lô hàng đi bằng đường hàng không tới Mỹ. Các lô hàng đường biển trong tháng 3 lùi sang tháng 4 và 5. Khách hàng cũng điều chỉnh giảm số lượng mua hàng các tháng kế tiếp. Ngoài ra, hàng trăm ngàn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất cũng đã bị khách hàng yêu cầu dừng.

Tìm giải pháp ứng phó

Chỉ trong vòng 3 ngày (16 đến 18/3/2020), tình hình diễn tiến nhanh của dịch bệnh Covid-19 và trước quyết định đóng cửa biên giới, cấm tụ tập đông người của EU, Mỹ, đã khiến sức tiêu thụ giảm mạnh do nhiều trung tâm thương mại lớn tại nơi đây đóng cửa trong thời gian này.

Theo ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đây quả là một khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động của Vinatex. Tập đoàn từng trải qua khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, nhưng thời điểm đó, lượng cầu tuy giảm, tiến độ giao hàng giảm, nhưng sản xuất vẫn được duy trì. Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 năm nay, thì có hiện tượng đẩy lùi thời gian giao hàng, đặc biệt là hủy hẳn đơn hàng khiến các nhà quản lý doanh nghiệp dệt may hết sức trăn trở để tìm cách khắc phục.

Ông Lê Tiến Trường nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa thể biết chắc khi nào thế giới sẽ kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh. Để có thể giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực duy trì sản xuất, giữ giá thành hấp dẫn bạn hàng trong điều kiện tổng cầu thị trường xuống thấp, bảo toàn lực lượng lao động, và đảm bảo an sinh xã hội, Tập đoàn đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được miễn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn trong năm 2020, để tạo dòng tiền giúp doanh nghiệp có thể thu xếp trả lương cho người lao động trong điều kiện thiếu việc làm.

Mặc dù mới đây, Bảo hiểm xã hội có đưa ra tiêu chí doanh nghiệp có 50% người lao động thiếu việc làm thì được miễn đóng bảo hiểm. Với tiêu chí này, doanh nghiệp dệt may với lượng người lao động lớn sẽ rất áp lực. Toàn ngành dệt may có tới 2,5 triệu người lao động, nếu 50% không có việc làm thì sẽ vô cùng khó khăn.

Đề nghị các ngân hàng thương mại nên có chính sách hỗ trợ DN. Cụ thể, với DN đang có dư nợ tại ngân hàng, được hưởng ân hạn chưa phải trả phần tiền lãi và gốc đến hạn trả năm 2020 của các khoản đầu tư dài hạn, DN sẽ tiếp tục trả vào các năm sau. Kéo dài vòng quay của vốn lưu động, từ vốn quay vòng trong 4-6 tháng, nay cho vay 11 tháng, giúp DN không bị rơi vào tình trạng nợ ngắn hạn, quá hạn tại các ngân hàng, không bị hạ loại hoặc chuyển loại tín dụng.

Riêng với Vinatex, ông Lê Tiến Trường khuyến cáo, trước mắt, trong tháng 3 và 4 các DN trong Tập đoàn có nhiệm vụ sản xuất phục vụ thị trường trong nước, sản xuất mặt hàng phòng dịch nhằm duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động; đàm phán với khách hàng để tránh tối đa thiệt hại, đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu; tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020. Với ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động, DN tạm thời không tăng giờ làm, cho người lao động nghỉ hai ngày/tuần, trong trường hợp khó khăn hơn nữa thì giảm số ngày làm việc của người lao động.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang