Chất lượng sống

Du lịch

Khai hội xuân Ngọa Vân 2019, tưởng nhớ công đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

author 06:52 14/02/2019

(VietQ.vn) - Sáng mùng 9 tháng Giêng (13/12), tại chùa Ngọa Vân, thuộc quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều đã diễn ra lễ khai hội xuân Ngọa Vân năm 2019 tưởng nhớ đến công lao to lớn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Lễ hội xuân Ngọa Vân được duy trì và tổ chức thường niên vào ngày mùng 9 tháng Giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; là dịp để nhân dân và du khách hành hương về chùa Ngọa Vân để tri ân công đức của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phát Trúc Lâm.

Đại biểu, cùng du khách tham dự lễ khai hội xuân Ngọa Vân 2019 và cầu nguyện Quốc thái dân an. 

Chùa Ngọa Vân tọa lạc trên lưng chừng núi Bảo Đài quanh năm mây mù bao phủ thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nằm ở độ cao 500m so với mặt nước biển. Chùa Ngọa Vân nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Chùa Ngọa Vân tọa lạc trên lưng chừng núi Bảo Đài là "Thánh địa" của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung

Nơi đây là một phần quan trọng trong quần thể kiến trúc chùa tháp lớn nhất của Thiền Phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử, là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành, giảng pháp, độ tăng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, chùa Ngọa Vân được xây dựng, mở rộng  cùng với Yên Tử trở thành “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần và và là Kinh đô của Phật giáo VIệt Nam.

Theo sử sách ghi lại, Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, văn võ song toàn, đã có công lớn lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh đuổi giặc Nguyên – Mông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc.

Sau khi khôi phục và đưa đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con trai và xuất gia tập tu tại hành cung Vũ Lâm thuộc tỉnh Ninh Bình. Năm 1299, Ngài chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu thuộc dãy núi Yên Tử và sáng lập dòng thiền trúc Lâm, dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt với tinh thần Phật Giáo nhập thể, khai phóng và vị tha.

Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài đã xuống núi đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Tháng 5, Năm Đinh Mùi (1307), Ngài lên núi Bảo Đài, chọn đỉnh Ngọa Vân và dựng am làm nơi tu hành. Ngày 1/11 năm Mậu Thân (1308), Ngài hóa Phật tại Am Ngọa Vân thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX.Đông Triều ngày nay. Vì vậy, Ngọa Vân được xem là “Thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

 Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS GHPG Việt Nam, Trưởng ban TS GHPG tỉnh Quảng Ninh ôn lại lịch sử cuộc đời tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. 

Hàng năm hàng vạn Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân gần xa đã quy tập về chân núi Bảo Đài cùng nhau hành hương lên “Thánh địa” Ngọa Vân để dâng hương tỏ lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phát Trúc Lâm.

Anh Hùng, trú tại xã Bình Khê, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: Năm nào cũng vậy đã 4 năm nay mỗi khi tết đến xuân về anh cùng gia đình “vượt sơn” về chùa Ngọa Vân để cầu may mắn, sức khỏe và bình an. Dù trên quãng đường nhiều khó khăn, mệt mỏi nhưng với một lòng hướng Phật, anh đã cùng gia đình vượt qua chặng đường dài để đến đây thắp hương, tưởng nhớ đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Anh Hùng đã 4 năm cùng gia đình về Ngọa Vân để lễ Phật

Nghi lễ khai hội năm nay diễn ra trang trọng, ngắn gọn, nối tiếp diễn văn khai hội ôn lại cuộc đời và công đức của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông là lời chúc phúc đầu năm mới của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nghi lễ gióng trống, thỉnh chuông khai hội, dâng hương cầu nguyện quốc thái, dân an…  Phần hội có nhiều hoạt động phong phú như các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian kéo co, đi cầu kiều, tung còn, bịt mắt đập niêu...

Lãnh đạo TX Đông Triều và BTS GHPG Quảng Ninh gióng trống, thỉnh chuông khai hội xuân Ngoạ Vân 2019. 

Hiện nay, Ngọa Vân đã được xây dựng, mở rộng thành một trung tâm quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần; đồng thời, triều đại nhà Trần đã biến An Sinh - Đông Triều trở thành kinh đô của Phật giáo, trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách mỗi khi tết đến xuân về.

Nhiều du khách là người cao tuổi đã cố gắng vượt bao khó khăn về Ngọa Vân để tham dự lễ khai hội. 
 Dù đã xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến cáp treo, nhưng nhiều du khách vẫn chọn đường bộ để hành hương  lên chùa Ngọa Vân

  Hoàng Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang