Khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Đo lường pháp định châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 26

author 10:15 07/11/2019

(VietQ.vn) - Sáng nay 7/11, Hội nghị thường niên Diễn đàn Đo lường Pháp định châu Á – Thái Bình Dương (APLMF) lần thứ 26 đã được khai mạc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Sự kiện được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Thư ký của APLMF tổ chức.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu chào mừng Hội nghị thường niên Diễn đàn APMLF lần thứ 26 tại Việt Nam.

Diễn đàn Đo lường pháp định châu Á – Thái Bình Dương (APLMF) là tổ chức quốc tế về đo lường với 20 quốc gia thành viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Bộ KH&CN) là đại diện Việt Nam tham gia APLMF từ năm 1999.

Mục đích hoạt động của APMLF là thúc đẩy phát triển đo lường pháp định trong khu vực hỗ trợ việc phát triển kinh tế các nước thành viên. Hơn nữa, APLMF còn đảm bảo sự hài hòa của đo lường pháp định giữa các nước thành viên nhằm giảm thiểu hàng rào thương mại không cần thiết cản trở giao thương và mở rộng thị trường.

 

Ông Stephen O'Brien, Chủ tịch APLMF phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hàng năm, APLMF luân phiên tổ chức Hội nghị thường niên tại các quốc gia thành viên để thảo luận về kết quả hoạt động của các nhóm công tác, tình hình triển khai và lên kế hoạch hoạt động của APLMF cũng như kết nối và mở rộng các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức đo lường thành viên.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Đo lường đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế nội địa và quốc tế. Đo lường pháp định đưa ra những quy định chung để đảm bảo tính thống nhất và độ chính xác cần thiết của các phép đo với chi phí ít nhất; đảm bảo độ chính xác của phương tiện đo; đảm bảo sự thống nhất của phép đo và phương pháp đo; đảm bảo sự công bằng giữa người mua và người bán trong định lượng hàng hoá, dịch vụ mua bán và thanh toán; đảm bảo công bằng trong giao dịch thương mại; đảm bảo sự an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; phục vụ việc giám định tư pháp; hoạt động công vụ khác của nhà nước, đồng thời đưa ra những chuẩn mực chung tạo thuận lợi thương mại trong nước và quốc tế. Vị trí, vai trò và ý nghĩa của đo lường pháp định càng thể hiện rõ nét ở một số ngành nghề mũi nhọn như ngành điện lực, dầu khí, xăng dầu,...

Hội nghị thường niên năm 2019 của APLMF được diễn ra từ ngày 6 - 8/11/2019 tại Quảng Ninh, Việt Nam với khoảng 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tổ chức đo lường pháp định từ 20 nền kinh tế thành viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đại diện lãnh đạo của các tổ chức quốc tế có liên quan như Tổ chức quốc tế về Đo lường Pháp định (OIML), Chương trình Đo lường châu Á - Thái Bình Dương (APMP), Viện Vật lý kỹ thuật Đức (PTB), Hợp tác Công nhận châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Toàn cảnh Hội nghị APLMF.

Diễn đàn cũng là dịp để cơ quan đo lường của các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm quản lý đo lường như phê duyệt mẫu phương tiện đo, chứng chỉ phê duyệt mẫu của OIML, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, giải pháp công nghệ về đo lường, đào tạo kiểm định viên và chuyên gia đo lường, cơ chế phối hợp giữa các quốc gia và hợp tác với các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao sáng kiến và những nỗ lực hợp tác chung trong việc tổ chức sự kiện quan trọng này của APLMF và khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác tích cực với các thành viên trong sự nghiệp phát triển hệ thống đo lường toàn cầu nói chung và hệ thống đo lường pháp định của từng nền kinh tế nói riêng.

Thứ trưởng kỳ vọng những ý tưởng, sáng kiến của đại diện các nền kinh tế thành viên tại phiên họp sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác và thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đo lường pháp định của các thành viên, đưa mục tiêu chung của chúng ta trở thành hiện thực, tạo sân chơi chung của hệ thống đo lường toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị APMLF lần thứ 26.  

Bên lề Diễn đàn, đại diện Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cũng đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Stephen O’Brien, Chủ tịch APLMF để tăng cường hợp tác và sự tham gia sâu rộng của Việt Nam vào APLMF và tận dụng cơ hội để Việt Nam có nhiều lợi thế khi hài hòa các văn bản kỹ thuật, văn bản quản lý về đo lường, tham gia vào chương trình, dự án, nhóm công tác và hoạt động đào tạo; hội nhập kinh tế quốc tế; toàn cầu hóa về đo lường; đồng thời trao đổi về thách thức và định hướng với yêu cầu xây dựng Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) và yêu cầu của đo lường để tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0). Đây cũng là một trong các hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật trong năm 2019 nhằm thiết thực triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong 20 năm qua, Việt Nam mà đại diện là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã tích cực tham gia vào các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Chương trình Đo lường châu Á - Thái Bình Dương (APMP) vào năm 1995, Diễn đàn Đo lường pháp định châu Á -Thái Bình Dương (APLMF) năm 1996 và Tổ chức Đo lường Pháp định Quốc tế (OIML) vào năm 2003. Đăng cai, tổ chức thành công hội nghị lần thứ mười tám APMP và Cuộc họp lần thứ chín APLMF (2002) cũng như sự kiện phiên họp lần thứ 48 của Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế OIML (2013). Năm 2019, lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 26 của APLMF.

Toàn cảnh hội thảo nhóm chuyên gia về đo lường khu vực ASEANĐây là sự kiện quan trọng được luân phiên tổ chức hàng năm bởi 10 Viện Đo lường quốc gia trong khối ASEAN. Tại hội thảo năm nay, các nước thành viên sẽ có những thảo luận, trao đổi về chiến lược hợp tác, quyết sách về đo lường có tác động đến khoa học, công nghệ và đổi mới, là chìa khóa trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng cường phúc lợi cộng đồng và thúc đẩy hội nhập trong ASEAN.

Hà Thủy - Trương Vân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang