Khai thác giá trị thương hiệu đặc sản địa phương còn nhiều khó khăn

author 07:49 20/12/2015

(VietQ.vn) - Hàng loạt đặc sản địa phương gặp khó khăn dù đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là việc phát triển dựng thương hiệu, tìm hướng đi trên thị trường.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), Bưởi Da Xanh (Bến Tre), Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim (Tiền Giang), Gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định), Chè Shan Tuyết (Sơn La), Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương)...đều đã trở nên nổi tiếng và được người tiêu dùng biết đến. Các đặc sản này bước đầu khẳng định được chất lượng, danh tiếng và đang từng bước xây dựng được thương hiệu cho mình, trở thành niềm tự hào và mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương đó. Công tác xây dựng thương hiệu cho đặc sản đã được nhiều địa phương coi trọng, đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức như như nhãn hiệu, nhãn hiệu tâp thể, nhãn hiệu chứng nhân, chỉ dẫn địa lý đang được đẩy mạnh.

Chè Tân Cương đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhưng chưa phát huy được hết tác dụng

Chè Tân Cương đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhưng việc khai thác giá trị, phát triển thương hiệu

Tuy nhiên, việc khai thác giá trị, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm là đặc sản địa phương tại nhiều nơi vẫn đang gặp khó khăn. Câu chuyện ở chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên là một ví dụ rất điển hình.

Chè Tân Cương Thái Nguyên nổi tiếng bởi vị thơm ngon, đậm đà. Tuy nhiên, việc xây dựng, khai thác và gìn giữ thương hiệu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng làm giả, làm nhái khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào sản phẩm. Nguyên nhân do vùng nguyên liệu ở Tân Cương ít, trong khi thị trường lại ưa chuộng. Vì thế, một số hợp tác xã tại đây đã mua chè ở nơi khác về đóng gói với bao bì, nhãn mác Tân Cương để đưa ra thị trường.

Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Tân Hương, tỉnh Thái Nguyên cho hay, có rất nhiều sản phẩm chè có nguồn gốc không phải ở Tân Cương mà là những vùng khác đưa vào để bán mang thương hiệu Tân Cương. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín vùng chè Tân Cương. “Bây giờ người mua hàng đặt chè Tân Cương bao giờ cũng nói với chúng tôi một câu là: Chị hãy bán cho chúng tôi chè Tân Cương “xịn” nhé”, bà Đỗ Thị Hiệp nói.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên cho rằng, do nhận thức của các cá nhân chưa tốt nên vẫn còn những vi phạm đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa được thực hiện hiệu quả.

Một trong những khó khăn nữa của việc xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, theo các chuyên gia là việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý này mất khá nhiều thời gian. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu theo quy định của pháp luật thường phức tạp, tốn nhiều chi phí, thời gian và đôi khi gây khó khăn cho người dân.

Chẳng hạn như việc xây dựng thương hiệu là nhãn hiệu tập thể “Bánh chưng Bờ Đậu” thì UBND xã Sơn Cẩm và xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên phải tiến hành rất nhiều công việc từ tổ chức hội thảo, điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá, thiết kế logo, soạn thảo quy chế.... Có thể thấy nhiều công việc như điều tra, khảo sát, đánh giá, phân tích mẫu sản phẩm... là chưa cần thiết, và nguồn kinh phí chi cho các công việc này nên được sử dụng vào việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Ngoài ra, còn rất nhiều những khó khăn khác mà các địa phương gặp phải là quá trình quản lý và sử dụng thương hiệu đặc sản. Theo ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN, chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế kiểm tra chất lượng, chưa đủ kỹ thuật để vừa đảm bảo được chất lượng vừa đảm bảo được sản lượng của sản phẩm cung cấp khi thị trường có yêu cầu. Thậm chí chúng ta không có đủ những quy hoạch cần thiết để đảm bảo nguồn không bị dư thừa. Do đó, thường có những nghịch lý khi được mùa thì mất giá.

Trong đó, ông Thanh nhận định, khó khăn và phức tạp nhất là việc quản lý các đối tượng đã được cấp chỉ dẫn địa lý. “Sự hiểu biết pháp luật của chúng ta hiện còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm quản lý tập thể với các đối tượng này. Trong khi chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng thì bản thân các đối tượng sản xuất kinh doanh các đặc sản cũng chưa hiểu biết về cách thức làm thế nào để đảm bảo danh tiếng, làm thế nào để cùng nhau xây dựng, phát huy và giữ gìn danh tiếng sản phẩm”, ông Thanh nhận định.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tìm "đầu ra” cho sản phẩm đã có thương hiệu cũng là một thách thức lớn. Công tác truyền thông quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư nhiều. Chính vì thế, nhiều sản phẩm đặc sản đã được đầu tư bài bản, từ việc chọn giống, canh tác, thu hoạch đến việc đăng ký, khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại nhưng vẫn khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang