Khám phá loại vaccine phòng cúm được tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo

author 05:58 17/07/2019

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học Australia vừa tạo ra loại vaccine cúm hoàn toàn mới nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Cụ thể, các nhà khoa học tại Đại học Flinders ở Australia đã nghiên cứu loại vaccine cúm mới với khả năng tăng cường miễn dịch cho con người bằng cách tạo ra nhiều kháng thể chống lại virus cúm hơn so với vaccine thông thường. Nhờ vậy, vaccine này đem lại kết quả điều trị hữu hiệu hơn.

Giáo sư Nikolai Petrovsky, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, đầu tiên, nhóm của ông đã tạo ra một chương trình máy tính có tên gọi là SAM và lập trình sẵn cho phần mềm này cách nhận biết vaccine có tác dụng chống lại bệnh cúm hay không. Sau đó, họ tạo một chương trình máy tính khác để tạo ra hàng nghìn tỷ hợp chất ảo.

“Chúng tôi lập trình cho AI một tập hợp các chất được biết đến có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người cùng một tập hợp các chất ngược lại. Công việc của AI là tự nó phân biệt các loại thuốc. Sau đó, chúng tôi phát triển một chương trình khác, được gọi là nhà hóa học tổng hợp, có khả năng tạo ra hàng nghìn tỷ hợp chất hóa học khác nhau. Chúng tôi cung cấp cho SAM các cấu trúc hợp chất này, từ đó tìm ra một loại thuốc tiềm năng nhất có khả năng miễn dịch tốt cho con người", ông Nikolai Petrovsky cho biết.

Được biết, công nghệ AI sẽ sử dụng cả 2 chương trình này để kết hợp, so sánh, phân tích và đưa ra một danh sách gồm 10 loại hợp chất khả dĩ nhất. Ưu điểm của công nghệ AI không chỉ tăng tốc quá trình nghiên cứu mà còn tìm ra các hợp chất hiệu quả nhất.

Ảnh minh họa 

Nhờ vậy, thay vì phải trực tiếp sàng lọc hàng triệu hợp chất, các nhà khoa học chỉ cần nghiên cứu một số nhỏ trong đó. Chỉ mất vài tuần để tổng hợp chúng và tiến hành thử nghiệm trên máu người. Các hợp chất sau đó đã trải qua thử nghiệm trên động vật và hiện đang được tiến hành trên cơ thể người. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).

Những loại thuốc tốt nhất mà SAM đưa ra được các nhà nghiên cứu phân tích, tổng hợp và thử nghiệm trên tế bào máu người tại phòng thí nghiệm.

"Điều này khẳng định SAM không những xác định được loại thuốc tốt, trên thực tế loại vaccine mà SAM tìm ra còn tốt hơn những loại vaccine hiện hành. Những loại thuốc này cũng được thử nghiệm trên động vật. Kết quả cho thấy loại vaccine mới này có sức đề kháng rất cao với virus cúm, tốt hơn nhiều lần vắcxin hiện hành. Hiện, chúng ta chỉ cần chứng minh hiệu quả này trên cơ thể người", trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Thông thường, để phát triển một vaccine cúm, các công ty lớn sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc hàng triệu hợp chất với hàng nghìn người làm việc liên tục trong khoảng 5 năm. Với quá trình phức tạp và tốn kém như vậy, chi phí cho một sản phẩm có giá hàng trăm triệu USD, Giáo sư Petrovsky chia sẻ. Ngược lại, với sự trợ giúp của công nghệ AI, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Petrovsky chỉ mất khoảng 2 năm để nghiên cứu, phát triển loại vaccine này.

Vaccine mới xuất hiện trong bối cảnh tại Úc đang có số lượng lớn các trường hợp liên quan đến cúm. Trước tháng 6 năm 2019, 228 người đã chết vì các biến chứng liên quan đến cúm, bao gồm 57 người ở New South Wales và 48 người ở Victoria.

Petrovsky hy vọng loại vaccine này sẽ chứng minh được hiệu quả hơn so với các loại vaccine hiện có và sẽ tiếp tục bổ sung hoặc thay thế chúng như thuốc ngừa cúm theo mùa tiêu chuẩn. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng vaccine mới này sẽ được thương mại hóa từ năm 2022, góp phần đẩy lùi căn bệnh cúm, nhất là cúm theo mùa.

Thanh Thảo (Theo Sciencealert, Telegraph)

Việt Nam có đột phá mới trong điều chế vaccine chống dịch tả lợn châu Phi(VietQ.vn) - Bộ NN&PTNT vừa tổ chức buổi họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vaccine, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang